Một số cách để tránh bị lừa bởi công nghệ deepfake do AI tạo ra

00:54, 22/03/2024

Rất nhiều bức ảnh được tạo ra bằng deepfake đã sử dụng ánh sáng điện tử, giống như một loại hiệu ứng làm mịn da và khiến cho làn da của người trong ảnh trở nên cực kỳ bóng bẩy.

 

Việc giả mạo thông tin bằng Trí tuệ Nhân tạo (AI) đang nhanh chóng trở thành một trong những vấn nạn lớn nhất mà nhiều người phải đối mặt, nhất là khi các “tác phẩm” của deepfake xuất hiện gần như mỗi ngày trên không gian mạng.

Công nghệ deepfake - sử dụng AI để tạo ra các hình ảnh, video và âm thanh sai sự thật để bắt chước giọng nói và gương mặt của người khác, đang tràn lan và khiến cho việc phân biệt thật - giả trở nên ngày càng khó khăn hơn.

Thoạt đầu, những hình ảnh giả mạo này có vẻ vô hại, tuy nhiên chúng lại được sử dụng thường xuyên trong các hành vi lừa đảo, đánh cắp danh tính hoặc tuyên truyền những thông tin sai lệch.

Dưới đây là một số cách để tránh bị lừa bởi deepfake.

Phát hiện deepfake

Trong những ngày mới ra mắt, những hình ảnh được tạo ra bởi deepfake thường có lỗi khá rõ ràng, chẳng hạn như bàn tay có sáu ngón, hay kính mắt với các hình dạng tròng kính khác nhau. Sau này khi cải thiện công nghệ, việc mắc lỗi trở nên ít hơn, tuy nhiên vẫn có một số đặc điểm có thể nhận dạng ảnh hay video đã qua chỉnh sửa.

Ông Henry Ajder, chuyên gia hàng đầu về AI tổng quát, cho biết bóng của sự vật và ánh sáng trong ảnh nhân tạo thường không nhất quán, tuy khó phát hiện nhưng vẫn có độ giả có thể phát hiện được nếu để ý kỹ.

Chú ý về khuôn mặt của đối tượng

Theo ông Ajder, rất nhiều bức ảnh được tạo ra bằng deepfake đã sử dụng ánh sáng điện tử, giống như một loại hiệu ứng làm mịn da và khiến cho làn da của người trong ảnh trở nên cực kỳ bóng bẩy.

Ngoài ra, hoán đổi khuôn mặt là một trong những phương pháp deepfake phổ biến nhất. Các chuyên gia khuyên nên nhìn kỹ vào các góc cạnh của khuôn mặt, cũng như màu da hay độ sắc nét. Nếu nghi ngờ video đã bị chỉnh sửa, hãy chú ý vào khẩu hình miệng và răng của người đang nói, đặc biệt là chuyển động môi xem có khớp với âm thanh không.

Nhìn theo bối cảnh

Đôi khi, các “tác phẩm” do deepfake tạo ra gặp những vấn đề về bối cảnh. Khi nhận thấy có những điều không hợp lý hay phi thực tế về bối cảnh đằng sau vật chủ thể, rất nhiều khả năng hình ảnh này đã được chỉnh sửa qua AI.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

"Lấy độc trị độc”

Một cách hiệu quả nữa là sử dụng chính AI để chống lại AI. Tập đoàn Microsoft mới đây đã phát triển một công cụ xác thực có thể phân tích ảnh hoặc video để đưa ra điểm số đáng tin cậy về việc liệu hình ảnh có qua chỉnh sửa hay không.

Nhà sản xuất chip Intel cũng đã sử dụng thuật toán để phân tích độ pixel của hình ảnh nhằm xác định tính thật giả.

Tuy nhiên, những công cụ này mới chỉ được cung cấp cho các đối tác được chọn và chưa được phổ biến rộng rãi tới công chúng, do lo ngại tội phạm có thể lợi dụng và giành được lợi thế lớn hơn trong cuộc chạy đua deepfake.

Hiện nay, AI vẫn đang được phát triển liên tục với tốc độ chóng mặt. Các mô hình AI đang được đào tạo dựa trên dữ liệu Internet để tạo ra nội dung ngày càng chất lượng cao hơn với ít sai sót hơn, đồng nghĩa với việc sẽ ngày càng khó khăn hơn để phát hiện ra AI nếu như bị lạm dụng vào những việc làm phi pháp.

(Theo TTXVN)