Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định tạo nên sự thành công. Nếu khoa học công nghệ là đòn bẩy của sự phát triển thì nguồn nhân lực khoa học công nghệ là những người tác tạo nên “đòn bẩy” đó. Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ (KHCN) để thực hiện có hiệu quả chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nền kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế là yêu cầu đặt ra với ngành KHCN Lâm Đồng.
Nguồn nhân lực KHCN là nhân tố quyết định phát triển khoa học, ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội |
Chất lượng nguồn nhân lực KHCN là tổng hòa các yếu tố về sức khỏe, trình độ kỹ thuật chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, trình độ văn hóa, khả năng sáng tạo của lực lượng lao động; họ là lực lượng chủ yếu trong việc xây dựng hệ thống cơ sở khoa học - thực tiễn, trực tiếp đảm nhiệm việc nghiên cứu, khảo nghiệm và ứng dụng các quy trình công nghệ mới, các thiết bị, công cụ mới vào sản xuất; cải tiến và hệ thống hóa công nghệ truyền thống, nâng cao trình độ công nghệ trong phát triển bền vững. Những năm qua, nguồn nhân lực có trình độ KHCN không ngừng tăng lên về số lượng, đồng thời được quan tâm đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học.
Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ, đến nay, toàn tỉnh có 1.482 cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Cụ thể, lĩnh vực y dược 35 người (100% thạc sĩ) công tác ở sở chuyên ngành, các địa phương, các trung tâm nghiên cứu, viện, trường đại học; lĩnh vực nông nghiệp có 171 người (31 tiến sĩ, 140 thạc sĩ), trong đó các sở, ngành 46 người, các cơ sở nghiên cứu 62 người, các huyện, thành 63 người; lĩnh vực môi trường 148 người (19 tiến sĩ, 129 thạc sĩ); lĩnh vực quản lý - xã hội nhân văn 298 người (10 tiến sĩ, 288 thạc sĩ); các lĩnh vực khác 830 người (33 tiến sĩ, 652 thạc sĩ). Ngoài ra, còn có 145 cán bộ có trình độ khác (cử nhân, kỹ sư) làm việc trong các lĩnh vực, các sở, ngành, các cơ sở nghiên cứu, các địa phương tích cực tham gia nghiên cứu KHCN. Ngành KHCN tỉnh đã tạo mối liên kết gắn bó chặt chẽ, đặt hàng với các tổ chức, cá nhân trí thức KHCN có trình độ chuyên môn phù hợp để triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án, nhiệm vụ KHCN.
Nguồn nhân lực KHCN của tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc tạo bước đột phá cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, công nghệ sinh học, phát triển y tế, giáo dục đào tạo, du lịch, kiến trúc công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển chính quyền điện tử… Tuy nhiên, nguồn nhân lực KHCN của tỉnh vẫn còn hạn chế, còn thiếu nguồn nhân lực KHCN nghiên cứu sâu các vấn đề thuộc lĩnh vực xã hội, nhân văn; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận cuộc Cách mạng 4.0 và triển khai hiệu quả chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nền kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, dịch vụ du lịch…
Với mục tiêu phát triển của tỉnh đến năm 2050 đạt các tiêu chuẩn trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, “thiên đường” xanh, có bản sắc, thông minh và đáng sống. Trong đó, nguồn nhân lực KHCN là một trong những nguồn nhân lực đóng vai trò hạt nhân đối với quá trình đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. TS. Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, nhiều giải pháp phát triển nguồn nhân lực KHCN trong thời gian tới: Nâng cao chất lượng đào tạo của các trường chuyên nghiệp của tỉnh đảm bảo phù hợp với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực từng ngành, từng lĩnh vực. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học, tạo nền tảng cho phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Định hướng các ngành nghề cần đào tạo chuyên sâu cho các cơ sở đào tạo, chú trọng những ngành nghề để phát triển công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch…
Khảo sát, dự báo, quy hoạch nguồn nhân lực KHCN; rà soát, đánh giá, xác định nhu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu và trình độ nguồn nhân lực trong các ngành, các lĩnh vực. Tăng cường hợp tác với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước; kết nối giữa doanh nghiệp và ngành đào tạo để tạo ra các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế.
Điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách mới nhằm khuyến khích phát triển nguồn nhân lực, tạo môi trường làm việc thuận lợi để thu hút, phát huy, giữ chân những cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao, sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc tại các trường đạo tạo trong và ngoài nước.
Hàng năm bố trí một phần kinh phí từ ngân sách tỉnh, huy động các nguồn lực trong các doanh nghiệp và xã hội để thực hiện thu hút nguồn nhân lực KHCN; đồng thời, đào tạo trình độ chuyên môn trong và ngoài nước, tạo ra những công nghệ đột phá cho địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học tham gia nghiên cứu, tham dự các giải thưởng trong nước và quốc tế.
Bên cạnh việc phát huy khai thác nguồn nhân lực chất lượng cao hiện có, cần quan tâm đào tạo chuyên gia trình độ cao ở các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như: du lịch, nông nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo… Từ đó, triển khai hiệu quả chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nền kinh tế số; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ KHCN và đổi mới sáng tạo để tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin