Nga phát triển nhà máy điện hạt nhân trên Mặt Trăng

06:32, 09/05/2024

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Tổng Giám đốc Cơ quan Vũ trụ LB Nga Roscosmos, ông Yury Borisov tuyên bố Nga bắt đầu phát triển nhà máy điện hạt nhân, được dự định sẽ đưa lên Mặt Trăng trong giai đoạn 2033-2035 để xây dựng một trạm khoa học chung với Trung Quốc tại đây.

Hãng tin RIA Novosti dẫn phát biểu ngày 8/5 của Tổng Giám đốc Borisov khẳng định các chuyên gia, kỹ sư, nhà khoa học Nga đã bắt tay vào công việc này. Hai tháng trước, ông đã đề cập đến kế hoạch lắp đặt một nhà máy điện trên Mặt Trăng và nhấn mạnh tất cả các giải pháp công nghệ cần thiết hiện đã sẵn sàng. 

Trước đó, Tổng Giám đốc Roscosmos cho biết Nga cùng với các đối tác Trung Quốc đang xem xét việc vận chuyển và lắp đặt một nhà máy điện hạt nhân trên bề mặt Mặt Trăng trong giai đoạn 2033-2035. Cuối tháng 4, Tổng Giám đốc Tập đoàn Năng lượng Hạt nhân Rosatom của LB Nga, ông Alexei Likhachev cho biết tập đoàn đã nhận được đề xuất của Roscosmos về các nhà máy điện hạt nhân, bao gồm cả các nhà máy hoạt động ở hành tinh khác. Cũng có thông tin cho rằng Rosatom đã bắt đầu thử nghiệm thiết bị sản xuất nhiên liệu hạt nhân cải tiến. Địa điểm sản xuất được đặt tại thành phố Seversk thuộc tỉnh Tomsk.

Ngày 29/12/2023, Chính phủ Nga đã phê chuẩn thỏa thuận được ký với Trung Quốc về việc hợp tác lập Trạm Khoa học Mặt Trăng Quốc tế. Các bên tham gia chính trong dự án sẽ là Roscosmos và Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc. Nga nhấn mạnh thỏa thuận này "sẽ giúp tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc, phát triển các hoạt động không gian chung và củng cố vai trò dẫn đầu của Nga trong việc khám phá không gian.”

Trong giai đoạn đầu tiên, các sứ mệnh của Nga và Trung Quốc nhằm nghiên cứu Mặt Trăng, xác định vị trí triển khai Trạm Mặt Trăng và xác minh các công nghệ để đảm bảo hạ cánh mềm an toàn, có độ chính xác cao trên bề mặt Mặt Trăng. Nga dự kiến sẽ sử dụng tàu đổ bộ vũ trụ Luna-Glob để phục vụ nghiên cứu.

Ở giai đoạn thứ hai, Nga và Trung Quốc dự kiến thành lập trung tâm điều khiển cho Trạm Mặt Trăng, vận chuyển hàng rời lên vệ tinh và tạo ra các module quỹ đạo để cung cấp điện, thông tin liên lạc và cung cấp dịch vụ vận tải. Giai đoạn thứ ba nhằm khai thác Mặt Trăng, mở rộng chức năng của các module Trạm Mặt Trăng và hỗ trợ các đối tác quốc tế đưa người lên Mặt Trăng.

(Theo baotintuc.vn)