Tiên phong trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ

QUỲNH UYỂN 06:17, 16/05/2024

Trên chặng đường 45 năm phát triển ngành Khoa học và Công nghệ (KHCN) Lâm Đồng, Trung tâm Ứng dụng KHCN tỉnh Lâm Đồng (đơn vị trực thuộc Sở KHCN) đã ghi dấu ấn 20 năm khẳng định là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ, đóng góp thiết thực vào sự phát triển KHCN và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trung tâm đã lưu trữ, bảo tồn nguồn gen đặc hữu, sản xuất nhiều giống dược liệu quý
Trung tâm đã lưu trữ, bảo tồn nguồn gen đặc hữu, sản xuất nhiều giống dược liệu quý

 

Được thành lập ngày 22/4/2004, trong điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, nhiều lần sáp nhập, nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm của đội ngũ cán bộ, viên chức, Trung tâm Ứng dụng KHCN tỉnh Lâm Đồng (gọi tắt là Trung tâm) đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. 20 năm qua, Trung tâm đã triển khai hơn 140 đề tài, dự án các cấp (trong đó có 4 đề tài, dự án cấp Nhà nước; 6 đề tài, dự án cấp tỉnh) tập trung nghiên cứu các giống cây trồng, giống vi sinh, mô hình ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến vào thực tiễn sản xuất, đời sống, mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống cho người dân. Có thể kể các đề tài, dự án: Xây dựng các mô hình chuyển giao khoa học - kỹ thuật nâng cao kinh tế hộ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Pró (Đơn Dương); Sản xuất thử nghiệm cây giống chuối Laba bằng kỹ thuật nuôi cấy in vitro; Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nâng cao kinh tế hộ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Đưng K’nớ (Lạc Dương); Nghiên cứu nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo; Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học - kỹ thuật để nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Gia Bắc (Di Linh); Xây dựng mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nuôi trồng nấm Linh chi đỏ trên hỗn hợp gỗ Quế và nấm Hương tại Đơn Dương và Lạc Dương…

Từ kết quả nghiên cứu, Trung tâm đã làm chủ được một số quy trình công nghệ, chuyển giao cho các địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ứng dụng vào sản xuất như quy trình công nghệ nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo, quy trình công nghệ nuôi cấy mô giống cây trồng đặc hữu... Hằng năm, Trung tâm chủ trì hoặc phối hợp thực hiện 10 - 12 nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở và dự án nhân rộng cho các huyện, thành, đưa KHCN về vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Các dự án nhân rộng tập trung chủ yếu vào xây dựng mô hình sản xuất giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân địa phương; xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chuyển đổi giống cây trồng; mô hình nuôi trồng nấm ăn, nấm dược liệu; mô hình ứng dụng công nghệ sơ chế, chế biến nông sản, công nghệ về năng lượng mặt trời, công nghệ thông tin, công nghệ số...

Kế thừa nguồn gen quý, hiếm được chuyển giao từ hoạt động nghiên cứu của Sở KHCN. Trung tâm luôn duy trì công tác nghiên cứu, sưu tập, lưu giữ và bảo tồn nguồn gen đặc hữu. Đến nay, Trung tâm đang lưu giữ, bảo tồn hơn 100 giống cây rau, hoa, cây ăn quả, cây dược liệu; hơn 90 chủng, loài nấm ăn, nấm dược liệu và hàng chục chủng vi sinh. Từ nguồn gen lưu giữ này, Trung tâm đã nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn để cung cấp cho người dân, doanh nghiệp có nhu cầu về các giống cây trồng, giống nấm ăn, nấm dược liệu và chế phẩm vi sinh phục vụ sản xuất.

Bên cạnh việc các mô hình trình diễn về lĩnh vực nông nghiệp, Trung tâm còn chú trọng mở rộng lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ số trong hoạt động sản xuất và đời sống. Có thể kể đến như phần mềm công chứng, phần mềm chứng thực được ứng dụng và triển khai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận; ứng dụng công nghệ IoT trong sản xuất nông nghiệp; ứng dụng năng lượng mặt trời trong cảnh báo giao thông, chiếu sáng công cộng và phục vụ nhu cầu của người dân vùng sâu, vùng xa; ứng dụng công nghệ số trong công tác truyền thông, bảo vệ rừng...

Đẩy mạnh hoạt động phổ biến kiến thức KHCN, Trung tâm đã duy trì xuất bản Bản tin KHCN Lâm Đồng và Bản tin KHCN và Doanh nghiệp, định kỳ 6 số/năm. Hai bản tin đều bám sát tôn chỉ mục đích giới thiệu kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án KHCN của tỉnh, nhằm thúc đẩy ứng dụng KHCN vào sản xuất, đời sống; thông tin các chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hàng rào kỹ thuật trong thương mại... Tổ chức biên tập và phát hành các kỷ yếu tóm tắt phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ bao gồm các tập tóm tắt kết quả nghiên cứu KHCN tỉnh Lâm Đồng 20 năm qua, trở thành những tài liệu lưu trữ quan trọng. Thực hiện cập nhật trên 600 tin, bài viết cùng các văn bản chỉ đạo, điều hành, kế hoạch, chương trình… lên Trang thông tin điện tử Sở KHCN với khoảng 1.300 lượt truy cập/tháng.

Ông Lê Thành Trung - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHCN tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tập trung nghiên cứu, ứng dụng đề tài, dự án KHCN thuộc các lĩnh vực về: nông nghiệp, sinh học, môi trường, chăn nuôi, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số… vào thực tiễn sản xuất, đời sống. Tiếp tục sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn nguồn gen đặc hữu, ứng dụng vào sản xuất giống cây trồng, cây ăn quả, cây dược liệu, giống nấm ăn, nấm dược liệu, các chủng vi sinh vật cung cấp cho người dân, doanh nghiệp có nhu cầu. Từ kết quả nghiên cứu, Trung tâm sẽ đẩy mạnh hoạt động sản xuất một số sản phẩm đặc thù như: Trà Linh chi túi lọc, rượu Linh chi, trà túi lọc lan Gấm, trà hoa vàng... đưa ra thị trường.

Sau nhiều lần dời đổi, thiếu thốn trang thiết bị nghiên cứu, cơ sở vật chất thực nghiệm, hôm nay Trung tâm đã “định cư” tại trụ sở mới khang trang trên diện tích gần 1,4 ha tại xã Tà Nung (Đà Lạt) với tổng kinh phí đầu tư hơn 22 tỷ đồng. Với cơ sở vật chất đủ đầy từ phòng nghiên cứu, khu vực nuôi cấy mô; phòng vi sinh nấm, phòng lưu trữ nguồn gen; phòng vi sinh nấm, phòng sinh học phân tử; đến khu vườn ươm, vườn thực nghiệm; khu canh tác; hồ chứa nước; hệ thống tưới nước, bón phân tự động; khu sản xuất, chế biến; phòng trưng bày sản phẩm… Một quy trình khép kín hoàn thiện từ nghiên cứu, thực nghiệm, sản xuất, chế biến, ra thành phẩm sẽ là nền tảng vững chắc để Trung tâm không ngừng phát triển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.