Lộ trình thích ứng trong quản lý hạn hán và nước ở Tây Nguyên

QUỲNH UYỂN 06:58, 12/07/2024

(LĐ online) - Ngày 11/7, tại Đà Lạt, Ban quản lý Diễn đàn đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên đã tổ chức Hội thảo về “Lộ trình thích ứng trong quản lý hạn hán và nước” với sự tham dự của lãnh đạo các Sở Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường của 5 tỉnh Tây Nguyên; Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Cần Thơ các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, các hợp tác xã, nhà nông đến từ các tỉnh Tây Nguyên.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các tham luận: Cách tiếp cận thích ứng trong nông nghiệp - Kinh nghiệm từ lưu vực sông Murray Darling của Úc (TS. Nguyễn Nguyên Minh - chuyên gia của CSIRO, giảng viên Khoa Môi trường & Tài nguyên thiên nhiên - Đại Học Cần Thơ); Quản lý nước tích hợp - Kinh nghiệm từ khu vực đồng bằng sông Cửu Long (PGS.TS. Nguyễn Hiếu Trung - Phó Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ); Thực trạng sử dụng đất và nước ở Tây Nguyên (PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Hương (Trường Đại học Tây Nguyên).

PGS.TS. Nguyễn Nguyên Minh trình bày tham luận
PGS.TS. Nguyễn Nguyên Minh trình bày tham luận

Qua đó nêu bật các vấn đề về thực trạng diện tích rừng bị thu hẹp nhanh chóng, suy giảm đa dạng sinh học, suy thoái nguồn nước mặt, suy giảm nguồn nước ngầm và khả năng lọc nước tự nhiên, xói mòn. Sự phát triển diện tích cây công nghiệp và cây ăn trái có nhu cầu tưới tiêu lớn ở Tây Nguyên (cà phê, hồ tiêu, cây điều, sầu riêng, bơ…) trong 30 năm qua; vấn đề biến đổi khí hậu và nguy cơ hạn hán. Việc phát triển hạ tầng, đô thị hóa, việc tăng diện tích nhà kính trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng ảnh hưởng nguồn nước, tăng nước chảy tràn, suy giảm lượng nước mưa ngấm trực tiếp vào đất, giảm nguồn nước bổ sung cho mạch nước ngầm.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Hương trình bày tham luận 
PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Hương trình bày tham luận 

Từ kinh nghiệm sử dụng hiệu quả nguồn nước và việc chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản, nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long đặt ra nhiều vấn đề về sử dụng nước có hiệu quả, hợp lý ở vùng Tây Nguyên.

Thảo luận nhóm diễn ra sôi nổi
Thảo luận nhóm diễn ra sôi nổi

Tại hội thảo, các nhóm thảo luận đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề về thách thức sử dụng nguồn nước, ở ngành sản xuất nào, khâu nào trong chuỗi giá trị, nguyên nhân; vẽ ra kịch bản, viễn cảnh mong muốn cho ngành sản xuất cà phê, trái cây, sản xuất nông nghiệp Tây Nguyên trong tương lai vào năm 2050; những hành động đã và đang làm để đạt được viễn cảnh đó, biến giấc mơ thành hiện thực.

Trao đổi bên lề hội thảo
Trao đổi bên lề hội thảo

Các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ nhiều kinh nghiệm, kiến thức, chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến việc suy giảm nguồn nước: Thiếu nước là do con người, do phá rừng để trồng cây công nghiệp, không giữ được nước mà tiêu tốn nguồn nước hơn cho việc tưới tiêu, cần phải cân bằng nguồn nước. Nhiều ý tưởng hay, nhiều viễn cảnh đẹp được vẽ nên trong tương lai, xây dựng một Tây Nguyên xanh với nguồn nước dồi dào, thiên nhiên tươi đẹp, hệ sinh thái đa dạng trong bạt ngàn cây trái. Qua đó các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến đóng góp, nhiều ý tưởng sáng tạo, nhiều giải pháp hữu ích sử dụng nguồn nước hợp lý, hiệu quả, phát triển nông nghiệp Tây Nguyên bền vững.

Trong đó nhấn mạnh các giải pháp như: Đa dạng các loại cây trồng, nhiều lớp, nhiều tầng, nhiều tán. Phục hồi rừng tự nhiên, phát triển rừng trồng, quy hoạch rừng, nâng cao độ che phủ, phát triển kinh tế rừng, nông - lâm kết hợp để giữ nguồn nước; Phát triển nông nghiệp tuần hoàn; Phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; Sản xuất nông nghiệp thuận theo tự nhiên; hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, bảo vệ nguồn nước không bị ô nhiễm; Đánh giá thích nghi phát triển nông nghiệp, lựa chọn cây trồng phù hợp, thực hiện xen canh, đa canh, phát triển nông nghiệp cảnh quan, nông nghiệp du lịch xanh; Nghiên cứu giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu; Áp dụng công nghệ tiên tiến tưới nước tiết kiệm.

Các đại biểu chia sẻ nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm sử dụng nguồn nước hợp lý, hiệu quả