(LĐ online) - Nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn nguồn gen và phát triển đa dạng sinh học, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức Hội thảo Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong bảo tồn nguồn gen phục vụ phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2012 - 2024.
Quang cảnh hội thảo |
Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, ứng dụng, các doanh nghiệp chọn, tạo, nhân giống trong tỉnh. TS. Ngô Văn Cầm - Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, ThS. Đỗ Minh Ngọc và ThS. Phạm Thị Nhâm – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cùng chủ trì hội thảo.
Nhiều tham luận là giải pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát triển nguồn gen |
Lâm Đồng là một trong những tỉnh có đa dạng sinh học với nhiều kểu hệ sinh thái, các loài sinh vật và nguồn gen phong phú, đặc hữu; tuy nhiên nguồn gen đang dần bị thoái hóa và nhiều loài có nguy cơ bị tuyệt chủng do khai thác không hợp lý. Nhằm bảo vệ các hệ sinh thái, sự đa dạng loài và đa dạng di truyền nguồn gen, việc ứng dụng khoa học hiện đại kết hợp với tri thức truyền thống góp phần bảo tồn, lưu giữ nguồn gen động vật, thực vật và vi sinh vật khởi thủy phục vục nghiên cứu khoa học, cải tạo giống đã được đặt ra cấp bách.
Nhiều ý kiến tham luận đi sâu vào thực tế bảo tồn nguồn gen |
Theo thống kê, 12 năm qua (2012 – 2024), Sở KHCN Lâm Đồng đã triển khai 21 nhiệm vụ cấp tỉnh liên quan đến hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp, cây cảnh quan, nấm, dược liệu, vật nuôi, thủy sản, vi sinh vật. Các nghiên cứu đã bổ sung vào danh mục, bảo tồn và phát triển một số nguồn gen đang có nguy cơ đang có nguy cơ bị mất và bị giảm số lượng; khôi phục và bảo vệ một số nguồn gen được xác định ưu tiên. Nhiều kết quả nghiên cứu đã từng bước đưa vào ứng dụng, sản xuất, tạo nên sản phẩm thương mại phụ vụ con người như Atiso, đẳng sâm, đông trùng hạ thảo, các loại nấm ăn, nấm linh chi…
Tham luận về kết quả bảo tồn đa dạng sinh học ở Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà gắn với tạo sinh kế cho cộng đồng |
Thực hiện Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh đến năm 2020, định hướng 2030; đến nay, các trung tâm, viện nghiên cứu toàn tỉnh đã bảo tồn, lưu giữ 781 nguồn gen rau, hoa, cây ăn quả; 74 nguồn gen giống cây được liệu; 81 nguồn gen giống dâu; 47 nguồn gen giống tằm; 74 nguồn gen chè; 10 nguồn gen cây rừng quý hiếm.
Bên cạnh kết quả đạt được, hiện nguồn gen vẫn đang bị suy thoái nghiêm trọng, nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng do khai thác quá mức. Sự phân mảnh và suy thoái hệ sinh thái do phá rừng làm đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng với quy mô lớn; ô nhiễm môi trường; du nhập và xâm lấn của các loài ngoại lai… đã làm mất đi, làm pha tạp nhiều nguồn gen quý hiếm của tỉnh.
Nhiều ý kiến thiết thực của các nhà khoa học |
Trước nguy cơ đó, tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học tham luận nhiều vấn đề thiết thực: Công nghệ chọn giống, kỹ thuật vườn ươm, bảo tồn và phát triển cây lâm nghiệp gắn với du lịch sinh thái (Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên); Bảo quản nguồn gen thực vật bằng phương pháp bảo quản lạnh sâu của một số loại cây trồng có giá trị kinh tế (GS.TS. Dương Tấn Nhựt – Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên); Kết quả thực hiện công tác bảo tồn thiên nhiên trong bối cảnh ứng phó biến đổi khí hậu (Chi cục Bảo vệ môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường); Kết quả lưu giữ, đánh giá, khai thác và phát triển nguồn gen giống rau hoa phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, rau và hoa).
Nhiều ý kiến thiết thực của các nhà khoa học |
Công tác bảo tồn nguồn gen cây trồng quý hiếm và nấm dược liệu tại Lâm Đồng (Trung tâm Nghiên cứu đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu); Kết quả nghiên cứu lưu giữ và khai thác nguồn gen một số loài cá tầm tại Lâm Đồng (Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Miền Trung); Nghiên cứu phát triển giống mới trong công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen cây trồng - Tiềm năng và thách thức (Trung tâm Công nghệ bức xạ và Công nghệ sinh học - Viện Nghiên cứu hạt nhân); Hiện trạng và giải pháp bảo tồn, phát triển nguồn gen của tỉnh Lâm Đồng (Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam); Kết quả lưu giữ nguồn gen chè khu vực Tây Nguyên (Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng); Khai thác và phát triển nguồn gen thiên nhiên qua việc sản xuất nấm hương Lang Biang tại doanh nghiệp Nguyên Long (Viện Nghiên cứu Nấm học và ứng dụng); Công tác quản lý nhà nước về bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm trong lĩnh vực lâm nghiệp (Chi cục Kiểm lâm - Sở NN - PTNT)…
Bà Phạm Thị Nhâm - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đánh giá cao kết quả đạt được và tinh thần thảo luận đầy trách nhiệm của các nhà khoa học tại hội thảo |
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của các nhà khoa học, các doanh nghiệp đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề đã mở ra những hướng đi mới cho công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen, bảo vệ đa dạng sinh học; nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế cho nguồn gen trên địa bàn tỉnh. Trong đó, hội thảo đã thẳng thắn nêu những hạn chế như: thiếu các nghiên cứu một cách tổng thể về đánh giá giá trị nguồn gen, đánh giá về tiềm năng di truyền; thiếu cơ sở dữ liệu một cách hệ thống đầy đủ về nguồn gen; thiếu các nghiên cứu về công nghệ liên quan bảo tồn nguồn gen, phát triển nguồn gen; chưa thương mại hóa tốt để phát huy giá trị nguồn gen quý, đặc hữu sẵn có; thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị nghiên cứu, các cơ quan quản lý.
Sản phẩm nấm hương Lang Biang của doanh nghiệp Nguyên Long |
Nhiều nguồn gen quý đã được nhân giống bằng kỹ thuật tiên tiến, sản xuất, thương mại hóa được giới thiệu bên lề hội thảo |
Các nhà khoa học đã đề xuất 5 vấn đề cần làm, đó là: Cần có những nghiên cứu đầy đủ, mang tính hệ thống, mang tính lâu dài, dài hạn giải quyết triệt để các vấn đề về thu thập, về đánh giá giá trị nguồn gen, đánh giá về di truyền, đánh giá tổng thể nguồn gen và phát triển nguồn gen. Cần có những nghiên cứu về công nghệ liên quan đến bảo quản, sản xuất; cần tư liệu hóa các nguồn gen, thực hiện đăng ký bản quyền nguồn gen đã có. Cần có cơ sở, trung tâm lưu trữ nguồn gen chung của tỉnh; cần có sự phối hợp giữa nhà khoa học, doanh nghiệp trong việc thương mại hóa, biến nguồn gen quý hiếm thành sản phẩn hàng hóa có giá trị. Có phương thức đa dạng hóa để bảo tồn nguồn gen như hình thành các tour du lịch tham quan các khu bảo tồn, giới thiệu giá trị của từng giống, loài để mọi người cùng chung sức đồng lòng có trách nhiệm bảo tồn nguồn gen; tạo sinh kế cho cộng đồng để hạn chế những tác động bất lợi cho hệ sinh thái...
Bên lề hội thảo, nhiều nguồn gen quý đã được sản xuất thành sản phẩm hàng hóa phục vụ sức khỏe con người đã được giới thiệu; nhiều nguồn gen quý hiếm, nguy cấp được nhân giống thành công cũng được trưng bày.
Một số nguồn gen lan và dược liệu quý được nhân giống |
Các loài lan rừng quý được thử nghiệm trên nhiều loại giá thể |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin