Những năm qua, phong trào lao động sáng tạo diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ ở các cấp, ngành thông qua các cuộc thi, hội thi, nhất là Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh, mang lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Lâm Đồng.
Các giải pháp xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn sản xuất, đời sống và quay về phục vụ thực tiễn |
Theo đó, Hội thi đã tập hợp mọi tầng lớp trong xã hội tập trung trí tuệ, phát huy khả năng lao động sáng tạo để tạo ra ngày càng nhiều các giải pháp kỹ thuật áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống, đẩy nhanh tiến bộ kỹ thuật, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại địa phương.
Cứ 2 năm một lần trao giải thưởng, Hội thi đã kịp thời động viên, tôn vinh sự hăng say lao động sáng tạo của các nhà khoa học, cán bộ quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp, công chức, viên chức, công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên... dự thi. 23 năm trải qua 11 lần tổ chức, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Lâm Đồng đã trao giải thưởng cho gần 200 giải pháp đoạt giải của hơn 600 tác giả. Qua đó, phát hiện những tấm gương lao động sáng tạo không mệt mỏi mà những cái tên đã trở nên thân thuộc như: Trần Vũ Trường, Nguyễn Hồng Chương, Đào Anh Hào, Trần Quang Vĩnh Chánh, Trương Duy Việt, Lê Thanh Trị... Các giải pháp đoạt giải đã được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, đời sống, giải quyết các yêu cầu của thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Cụ thể, năm 2018 - 2019, có 17 giải pháp xuất sắc đã được trao cho hơn 100 tác giả đoạt giải. Trong đó, giải pháp “Cải tiến nâng cao hiệu quả loại nước công đoạn cô đặc và hiệu chỉnh dung dịch thuộc dây chuyền công nghệ sản xuất Alumin Tân Rai” của nhóm kỹ sư Trần Vũ Trường, Nguyễn Văn Phòng, Nguyễn Hoài Sơn (Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng) đã làm lợi cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng. Giải pháp “Máy rửa phân loại củ, quả” của Nguyễn Hồng Chương (Lạc Lâm, Đơn Dương) đã được ứng dụng hiệu quả ở vùng rau Đơn Dương, tiết kiệm công lao động sơ chế nông sản cho bà con. Giải pháp “Cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật điều khiển bằng chân và cơ bắp của bạn Đào Anh Hào mới 19 tuổi (54/1 Nguyễn Công Trứ - Đà Lạt) mang tính nhân văn đã mở ra hy vọng mới cho người khuyết tật vận động.
Các giải pháp xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn sản xuất, đời sống và quay về phục vụ thực tiễn |
Năm 2021, Hội thi đã nhận được 58 giải pháp của 69 tác giả tham dự và đã trao 24 giải thưởng cho các giải pháp xuất sắc. Có thể kể, giải pháp “Hệ thống phun tưới tự động AS20 trong sản xuất cây giống công nghệ cao” (Huỳnh Khánh Kim Long - Liên Nghĩa, Đức Trọng) không chỉ giải phóng sức lao động của con người mà còn góp phần sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm nước tưới. Giải pháp “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Deep Learning) nhằm hỗ trợ người khiếm thị trong học tập và sinh hoạt” (Trần Quang Vĩnh Chánh - Trường THCS - THPT Đống Đa, Đà Lạt) tạo cơ hội cho người khiếm thị học tập, hòa nhập cộng đồng. Các giải pháp như “Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và gây trồng cây tam thất nhằm cung cấp và phát triển nguồn dược liệu giá trị cao tại Lâm Đồng” (Giang Thị Thanh - Viện Khoa học Lâm nghiệp Trung Bộ và Tây Nguyên, Đà Lạt), “Hệ thống bơm bán tự động AMT (Bùi Minh Hoàng - Phường 12, Đà Lạt), “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Metries Learning) nhằm điểm danh học sinh trong nhà trường” (Trần Quang Vĩnh Chánh - Trường THCS - THPT Đống Đa, Đà Lạt)... cũng đã được ứng dụng trong đời sống, mang lại hiệu quả thiết thực.
Gần đây nhất, Hội thi năm 2023 đã nhận được 56 giải pháp dự thi và trao 39 giải thưởng cho các giải pháp xuất sắc. Có đến 2 giải nhất được trao là giải pháp “Máy tạo bầu trồng chanh dây đa chức năng” của ông Lê Thanh Trị (Liên Nghĩa, Đức Trọng) một nhà sáng chế nông dân và “Robot giáo dục với mạch tự thiết kế” của thầy Trần Quang Vĩnh Chánh (Trường THCS và THPT Đống Đa, Đà Lạt) một nhà giáo trẻ tràn đầy nhiệt huyết, say mê sáng tạo. 4 giải nhì cho các giải pháp “Số hóa hệ thống nghiệp vụ phòng mô” (Nguyễn Quỳnh Nguyên - Trường Cao đẳng Đà Lạt, Nguyễn Hữu Nguyên - Công ty TNHH Meso Đà Lạt), “Bể tiệt trùng tiết kiệm điện sử dụng công nghệ gia nhiệt từ trường” (Trương Duy Việt - Trường Cao đẳng Đà Lạt), “PANAPHARCO - Dược, dược mỹ phẩm từ sâm Ngọc Linh sinh khối” (Nguyễn Cao Cường, Huỳnh Thị Tú Anh, Lại Lộc Hưng Phát - Trường Đại học Yersin Đà Lạt), “Xây dựng mô hình cánh tay Robot tích hợp công nghệ AI Camera ứng dụng trong đào tạo nghề” (Nguyễn Mạnh Cường, Trương Duy Việt, Bùi Quang Sơn - Trường Cao đẳng Đà Lạt).
Qua các Hội thi Sáng tạo kỹ thuật của tỉnh, nhiều giải pháp đã được lựa chọn tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc đạt được nhiều giải thưởng và mở rộng phạm vi quy mô ứng dụng trên cả nước.
Ông Phan Văn Phấn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Lâm Đồng cho biết: Những năm qua, Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật đã tạo thành phong trào thi đua lao động sáng tạo rộng rãi, phát huy tiềm năng trí tuệ trong mọi tầng lớp Nhân dân, mọi ngành nghề, lứa tuổi trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó đã xuất hiện nhiều giải pháp, sáng kiến khoa học, kỹ thuật có giá trị ứng dụng thực tiễn, mang lại hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Các sáng kiến được trao giải đều có ý tưởng mới mẻ, có tính sáng tạo cao, sử dụng nguyên vật liệu có sẵn trong nước và địa phương, là những giải pháp hay đặt ra từ thực tiễn cuộc sống, lao động, học tập, giải quyết các vấn đề thực tiễn và đã quay về phục vụ hiệu quả cho thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu cả về mặt kỹ thuật và mỹ thuật. Hội thi đã phát hiện và khẳng định tiềm năng sáng tạo của quần chúng Nhân dân là vô hạn, Liên hiệp Hội sẽ không ngừng khơi dậy phong trào sáng tạo mạnh mẽ, để mọi người cùng đem khả năng sáng tạo của mình góp sức xây dựng quê hương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin