Sản xuất SAF từ dầu ăn và phế phẩm nông nghiệp

THIỆN ÂN 11:30, 09/08/2024

(LĐ online) - Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ước tính rằng nhiên liệu hàng không bền vững, hay còn gọi là SAF, có thể giảm phát thải CO2 lên đến 80% so với nhiên liệu máy bay truyền thống. Trong bối cảnh này, Thái Lan đang tích cực sản xuất SAF bằng cách sử dụng dầu ăn thải và nguyên liệu thực vật.

Bangkok, nổi tiếng quốc tế với món ăn đường phố hấp dẫn, đang đối mặt với vấn đề về hệ thống thu gom dầu ăn đã qua sử dụng từ các cửa hàng thực phẩm. Hệ thống hiện tại không đủ hiệu quả, dẫn đến tình trạng dầu ăn thải thường xuyên bị xả vào cống rãnh, gây ô nhiễm môi trường. Để giải quyết vấn đề này, Bangchak,  một công ty năng lượng lớn, đang tích cực triển khai chiến dịch thu gom dầu ăn thải với tên gọi "Fly Toly," nhằm tinh chế và loại bỏ các tạp chất để sản xuất SAF.

"Trước đây, chúng tôi vứt bỏ dầu thải, nhưng giờ tôi đã bắt đầu bán nó", một người dân tại Bangkok cho biết.

Công ty này cũng đã bắt đầu mua dầu ăn đã qua sử dụng từ các hộ gia đình thông qua hơn 160 trạm xăng mà công ty này vận hành. Dự kiến, Bangchak sẽ bắt đầu sản xuất SAF vào năm sau khi nhà máy hoàn tất.

Ông Thamarat Paryoonsyk, đến từ  Bangchak nói: "Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm nguyên liệu thô khác để sản xuất hơn một triệu lít SAF mỗi ngày. Chúng tôi muốn làm kinh doanh theo cách bền vững, thân thiện với môi trường và xã hội."

Máy bay vận hành bằng nhiên liệu SAF
Máy bay vận hành bằng nhiên liệu SAF

Liên minh châu Âu và một số quốc gia khác dự kiến sẽ yêu cầu các hãng hàng không nâng cao mức sử dụng SAF ngay từ năm tới. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, công suất sản xuất SAF toàn cầu dự kiến sẽ gấp hơn 30 lần so với mức hiện tại vào năm 2030.

Trong những năm gần đây, phế phẩm từ các sản phẩm nông nghiệp chính ở Thái Lan đang được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất SAF.  Đất nước này là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất mía đường đang phải đối mặt với thách thức trong việc xử lý chất thải từ mía, do lượng khí CO2 phát thải tăng lên khi đốt bã mía.

Một công ty Nhật Bản đang tìm cách thâm nhập vào thị trường Thái Lan bằng cách cung cấp công nghệ tái sử dụng bã mía. Các bộ phận của dây chuyền xử lý này có nhiều màng lọc giúp loại bỏ các tạp chất, tạo ra đường xenlulo tinh khiết cao. Công ty đặt mục tiêu sản xuất tới 2.000 tấn đường xenlulo mỗi năm. Ông Kimua Masahito, Chủ tịch Tập đoàn Kỹ thuật Sinh khối Cellulosic, cho biết: "Sản xuất đường là một trong những ngành công nghiệp chính ở Thái Lan. Việc tái sử dụng chất thải góp phần nâng cao giá trị sản xuất. Chúng tôi muốn làm nhiều hơn nữa để công nghệ này có thể được sử dụng rộng rãi."

Các quan sát viên đang chờ xem liệu những nỗ lực của Thái Lan có giúp tạo ra bầu trời trong lành hơn và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường hay không.