(LĐ online) - Đó là mong muốn của đồng chí Trần Hồng Thái – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng trong buổn làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ diễn ra vào chiều ngày 10/9.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Thái phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc |
Cùng dự có đồng chí Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành liên quan, cùng lãnh đạo, cán bộ chủ chốt, công chức, viên chức chủ ngành khoa học, công nghệ (KHCN) tỉnh.
Ông Đỗ Minh Ngọc – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đã đánh giá sơ bộ kết quả hoạt động KHCN trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2024 đến nay: Sở đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KHCN lần đầu, thay đổi, bổ sung cho 11 tổ chức KHCN; tổ chức quản lý, theo dõi, triển khai 66 nhiệm vụ KHCN các cấp (gồm 2 nhiệm vụ cấp nhà nước, 29 nhiệm vụ cấp tỉnh, 15 nhiệm vụ cấp sở và 20 nhiệm vụ cấp huyện); nghiệm thu 4 nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh, cơ sở.
Ông Đỗ Minh Ngọc - Phó Giám đốc Sở KHCN báo cáo kết quả hoạt động của ngành 9 tháng đầu năm |
Các đề tài nghiên cứu tập trung chủ yếu vào việc giải quyết các vấn đề cấp thiết của địa phương trong công tác quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý “Lâm Đồng”; phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh; truy xuất nguồn gốc; nghiên cứu, lựa chọn, phục tráng một số giống cây trồng bản địa có năng suất cao, chất lượng tốt; bảo tồn và phát triển những nguồn gen quý, hiếm đặc hữu trong tự nhiên trên địa bàn tỉnh; đánh giá tác động của biến đổi khí hậu…
Ý kiến của các phòng, ban chuyên môn của Sở làm rõ nhiều kết quả đạt được |
Các dự án ứng dụng, chuyển giao tập trung chủ yếu vào việc xây dựng các mô hình nhân rộng, ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong phạm vi hoạt động của các đơn vị và đưa vào thực tiễn đời sống như: xây dựng các mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, sản xuất; ứng dụng công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường; chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật và xây dựng các mô hình ứng dụng trên các đối tượng cây trồng, sản xuất rau, hoa, cây công nghiệp, cây ăn quả,…
Công tác quản lý công nghệ, sở hữu trí tuệ, năng lượng nguyên tử, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh. Cho ý kiến đối với các dự án: nhà máy xử lý chất thải rắn Bảo Lộc, Đà Lạt, nhà máy rác huyện Đức Trọng, lò đốt rác thải sinh hoạt nông thôn tại xã Đạ Sar, Lạc Dương; xử lý tảo lam tại hồ Xuân Hương... Hỗ trợ đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Lâm Đồng”, “Mắc ca Lâm Đồng”, “Dứa mật Đam Rông”, “Sầu riêng Đam Rông” và “Hạt điều Đạ Huoai”; hướng dẫn 42 doanh nghiệp tra cứu, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm.
Bà Võ Thị Hảo - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất nhiều nhiệm vụ KHCN cần làm |
Thẩm định hồ sơ cấp gia hạn, cấp mới giấy phép tiến hành công việc bức xạ - sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế cho 33 cơ sở và 24 chứng chỉ nhân viên bức xạ; kiện toàn Ban chỉ huy và Tổ giúp việc của Ban chỉ huy Ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân; sơ kết 03 năm thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân giai đoạn 2021-2025; thực hiện kiểm kê nguồn phóng xạ trên địa bàn tỉnh.
Hỗ trợ các ý tưởng, dự án khởi nghiệp năm 2024 trên địa bàn tỉnh; công nhận 18 ý tưởng, dự án khởi nghiệp năm 2023; phối hợp tổ chức hội thảo liên kết vùng với chủ đề” Tăng trưởng xanh, kết nối thị trường cung cầu – Giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao sự chủ động phối hợp chặt chẽ của Sở KHCN |
Thực hiện quản lý đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường thông qua việc mua 54 mẫu xăng, dầu, mũ bảo hiểm, thiết bị điện, đồ chơi trẻ em, hàng đóng gói sẵn để khảo sát, đánh giá; kết quả có 3 mẫu không đạt yêu cầu về chất lượng và tiến hành xử lý theo quy định.
Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hoá; tổ chức triển khai và quản lý việc thực hiện 26 nhiệm vụ; tổ chức nghiệm thu 22 dự án.
Lãnh đạo Sở VH-TT-DL đánh giá cao các nhiệm vụ KHCN giải quyết nhiều vấn đề trong công tác bảo tồn, bảo tàng, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa |
Tiến hành khảo sát năng lực hoạt động về đo lường tại 20 doanh nghiệp kinh doanh hàng đóng gói sẵn; khảo sát tình hình lắp đặt thiết bị in trên cột đo xăng dầu; hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, tổ chức kiểm định và đơn vị cung cấp cột đo xăng dầu thực hiện quản lý thiết bị in hóa đơn tại cột đo xăng dầu theo quy định; thực hiện dán tem thuế cho 9 cửa hàng kinh doanh xăng dầu.
Hoạt động ứng dụng, chuyển giao KHCN các cấp được triển khai đúng tiến độ, tiến hành lưu giữ và cấy chuyền nguồn gen của 109 giống cây trồng đặc trưng (như cúc, địa lan, chuối, hồng môn, phúc bồn tử,...) và 91 chủng, loại nấm ăn, dược liệu và vi sinh... từ nguồn gen lưu giữ. Rà soát, chọn lọc lại nguồn gen giống cây trồng và giống nấm nhằm đảm bảo lưu giữ, khai thác hợp lý và hiệu quả. Sản xuất và cung cấp gần 69.000 cây giống cây trồng các loại cho người dân trong tỉnh.
Lãnh đạo Sở NN - PTNT khẳng định hơn 70% nghiên cứu ứng dụng KHCN của tỉnh phục vụ cho phát triển ngành nông nghiệp |
Chứng nhận chất lượng cho 74 cơ sở; phân tích, kiểm nghiệm 1.484/2.300 mẫu sản phẩm các loại; thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm 5.710 phương tiện đo các loại; kiểm định đối chứng 11.013 công tơ điện, đồng hồ nước... Thực hiện 32 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 122 tổ chức, cá nhân; phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 12 trường hợp theo đúng quy định.
Các đơn vị trực thuộc sở nêu nhiều ý kiến, đề xuất về vấn đề nghiên cứu sản xuất giống tằm, tiến tới chủ động nguồn giống phục vụ phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm; phát triển sở hữu trí tuệ, xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm đặc trưng thế mạnh của địa phương; cho phép nghiên cứu rộng hơn, sâu hơn giống cây trồng, giống nuôi cấy mô, phát triển Trung tâm Ứng dụng KHCN tỉnh Trung tâm có quy mô vùng; bố trí trụ sở, hoàn thiện cơ sở vật chất cho Trung tâm Ứng dụng KHCN và Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng…
Lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết Sở KHCN là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành liên quan cũng làm rõ nhiều việc ngành KHCN đã làm được trong việc chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành trong việc giải quyết nhiều vấn đề như: Phân bổ biên chế, sắp xếp tinh giản bộ máy; ứng dụng KHCN trong phát triển nông nghiệp; sự số hóa di tích, ứng dụng thuyết minh tự động, ứng dụng công nghệ 3D bảo tồn phát huy giá trị Di tích Cát Tiên, phát triển công nghiệp văn hóa, nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc thiểu số; vấn đề sản xuất trong nhà kính; đưa thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành" ra thế giới; chú trọng các đề tài nghiên cứu bảo quản, chế biến các loại nông sản, trái cây; bảo tồn nguồn gen đặc hữu; xây dựng nhãn hiệu, bảo hộ cho các nông sản đặc trưng thế mạnh của địa phương…
Đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu nhiều định hướng ngành KHCN tỉnh cần làm trong thời gian tới |
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái đánh giá cao kết quả ngành KHCN đạt được trong 9 tháng qua, biểu dương sự nỗ lực, tâm huyết của đội ngũ cán bộ làm công tác KHCN của tỉnh, đồng thời chỉ đạo: Trong thời gian tới, Sở KHCN cần bám sát hơn nữa, lựa chọn các đề tài nghiên cứu mang giá trị ứng dụng thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân để KHCN thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn kinh phí đầu tư cho KHCN, nguồn lực KHCN phải đi vào từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương với những nhiệm vụ cụ thể, thiết thực, xuất phát từ thực tiễn. KHCN tập trung phục vụ phát triển nông nghiệp, nghiên cứu con giống, cây giống, phương thức canh tác phù hợp thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường; nghiên cứu công nghệ bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm. Làm tốt hơn nữa công tác phát triển sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn chất lượng, không ngừng xây dựng hình ảnh, thương hiệu nông sản đặc trưng gắn với đất và người Lâm Đồng. Cần coi công tác xây dựng nhiệm vụ KHCN là công tác thường xuyên, liên tục; chủ động đề xuất nhiều đề tài hữu dụng; thực hiện sớm đề tài nghiên cứu sản xuất giống tằm; đi sâu nghiêm cứu thêm các đề tài nghiên về dược, dược liệu, bảo tồn phát triển nguồn gen dược liệu quý chăm sóc sức khỏe con người.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin