Tàu vũ trụ thực hiện sứ mệnh du hành lịch sử đáp xuống ngoài khơi Florida

06:24, 16/09/2024

Tàu vũ trụ Crew Dragon của công ty SpaceX đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử khi đánh dấu lần đầu tiên các nhà du hành tư nhân thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian.

 

Chiều 15/9 (theo giờ Việt Nam), tàu vũ trụ Crew Dragon cải tiến của công ty SpaceX đã đáp xuống vùng biển ngoài khơi bang Florida của Mỹ, kết thúc sứ mệnh Polaris Dawn kéo dài 5 ngày.

Sứ mệnh này đã đi vào lịch sử khi đánh dấu lần đầu tiên các nhà du hành tư nhân thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian.

Tàu vũ trụ Crew Dragon đã đáp xuống ngoài khơi Florida vào lúc 3h37 sáng 15/9 (giờ địa phương), tức 14h37 cùng ngày (theo giờ Việt Nam).

Con tàu và phi hành đoàn đã được kéo lên khỏi mặt nước an toàn và đưa lên tàu cứu hộ sau khoảng 30 phút.

Phi hành đoàn 4 người gồm kỹ sư SpaceX Anna Menon, kỹ sư Sarah Gillis, phi công Scott Poteet và chỉ huy Jared Isaacman được trực thăng đưa vào đất liền.

Tàu Crew Dragon được phóng lên vũ trụ bằng tên lửa đẩy Falcon 9, đưa 4 phi hành gia tư nhân bay vào vũ trụ vào sáng sớm 10/9, khởi động sứ mệnh Polaris Dawn.

Vào ngày 12/9, các phi hành gia này đã thực hiện chuyến đi bộ ra ngoài không gian, đánh dấu bước tiến lớn của ngành công nghiệp vũ trụ thương mại.

Họ đã đi sâu vào vành đai bức xạ Van Allen nguy hiểm, đạt đến độ cao 1.400km so với Trái Đất, gấp 3 lần độ cao của ISS và vượt qua độ cao của bất kỳ sứ mệnh có người lái nào kể từ Apollo 17 năm 1972.

Trước đây, chỉ các nhà du hành chính quy thuộc chính phủ được đào tạo kỹ lưỡng mới thực hiện các chuyến đi bộ ngoài không gian.

Có khoảng 270 chuyến đi bộ ngoài không gian trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) kể từ khi trạm này được thiết lập năm 2000, và 16 chuyến đi bộ ngoài không gian của các nhà du hành Trung Quốc trên Trạm Vũ trụ Thiên Cung. Sứ mệnh cũng nhằm mục đích thử nghiệm các thiết kế bộ đồ du hành vũ trụ mới.

Polaris Dawn là sứ mệnh đầu tiên trong 3 sứ mệnh của Chương trình Polaris, một sáng kiến bay vào không gian do tỷ phú Jared Isaacman tài trợ.

(Theo Vietnam+)