(LĐ online) - Indonesia đang từng bước chuyển đổi hệ thống sản xuất nông nghiệp của mình dựa vào công nghệ số và thông tin được cung cấp qua Internet để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Đây là một phần trong chiến lược quốc gia về chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm tăng cường năng lực sản xuất và đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp tại Indonesia |
Một trong những nỗ lực trong chiến lược này là việc ứng dụng nền tảng thu thập dữ liệu kỹ thuật số (DCP- Data Collection Platform) – một dự án thí điểm giúp cải thiện quá trình thu thập thông tin từ nông dân và các vùng đất canh tác. Theo đó, các thông tin quan trọng như nông dân, địa điểm, diện tích đất, loại giống, phân bón và các loại sâu bệnh đang ảnh hưởng đến cây trồng được thu thập và chuyển trực tiếp đến Bộ Nông nghiệp. Trước đây, công việc này được thực hiện thủ công, nhưng với sự hỗ trợ của DCP, việc thu thập dữ liệu đã trở nên dễ dàng và chính xác hơn.
Nông dân tại nhiều khu vực của Indonesia, như Cibluk Sleman Yogyakarta, cũng đang tận dụng công nghệ này để theo dõi tình trạng đất đai, yêu cầu về phân bón và sản lượng cây trồng. Pity Pertiwi Murni, nhân viên khuyến nông với 15 năm kinh nghiệm, chia sẻ rằng việc số hóa không chỉ giúp cô thực hiện công việc thu thập dữ liệu từ nông dân dễ dàng hơn mà còn giúp cung cấp các thông tin cảnh báo sớm đối với các thảm họa thiên nhiên nhanh và chính xác hơn đến nông dân. Hệ thống này cũng cho phép nông dân có sự chuẩn bị tốt hơn trước những biến động về thời tiết, qua đó giảm thiểu thiệt hại và tăng năng suất cây trồng.
Thu thập dữ liệu qua điện thoại di động |
Nền tảng DCP được phát triển qua sự hợp tác giữa Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), Khoa Nông nghiệp của Đại học Gadjah Mada, và Bộ Nông nghiệp Indonesia. Với khả năng ghi nhận dữ liệu theo thời gian thực, DCP cho phép các nhà chức trách có thể đưa ra các chính sách dựa trên thông tin chính xác và kịp thời, đồng thời giúp xây dựng một cơ sở dữ liệu nghiên cứu đáng tin cậy phục vụ cho việc phát triển các chính sách lâu dài.
Tại Jakarta, dữ liệu thu thập từ các vùng nông nghiệp được chuyển về "Phòng Chiến lược Nông nghiệp", nơi các thông tin này có thể được truy cập theo thời gian thực. Các nhà chức trách sẽ dựa vào đây để lập kế hoạch, xác định khối lượng cũng như loại cây trồng cần gieo để đảm bảo nguồn cung lương thực ổn định trên toàn quốc.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp, nông nghiệp hiện chiếm 32% tổng diện tích đất của Indonesia, và sản xuất nông nghiệp đóng góp khoảng 14% GDP. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, cùng với những thách thức từ cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, đang đe dọa đến an ninh lương thực của quốc gia này. Việc áp dụng công nghệ số trong nông nghiệp được coi là một trong những giải pháp hiệu quả giúp Indonesia phát triển ngành nông nghiệp và bảo đảm an ninh lương thực.
Lộ trình chiến lược quốc gia về nông nghiệp điện tử của Indonesia đặt ra mục tiêu đến năm 2027 sẽ có một cơ sở dữ liệu tích hợp về đất canh tác và nông dân, cung cấp hệ thống cảnh báo sớm các thảm họa đe dọa sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, hệ thống này cũng sẽ hỗ trợ việc thu thập, trích xuất và phân tích dữ liệu nông nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.
Ngoài việc mang lại nhiều lợi ích trước mắt cho nông dân, quá trình số hóa nông nghiệp còn mang theo hy vọng thu hút thế hệ trẻ tham gia vào ngành nghề này, đóng góp vào sự phát triển và hiện đại hóa nông nghiệp của Indonesia.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin