Nguồn gen là nguồn tài nguyên sinh học, là tài sản quý, những năm qua, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (Khu Lâm Sinh, Phường 5, Đà Lạt) đã ứng dụng công nghệ chọn giống vào bảo tồn và phát triển nguồn gen cây rừng quý. Đặc biệt tập trung vào việc bảo vệ, nhân giống các loài đặc hữu, có nguy cơ tuyệt chủng, duy trì và phục hồi môi trường sống cho loài nhằm bảo vệ đa dạng sinh học.
Nhiều nguồn gen cây rừng bản địa quý hiếm được nhân giống tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên |
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên đa dạng, có 3 tiểu vùng khí hậu khác nhau, Lâm Đồng được đánh giá cao về sự đa dạng hệ sinh thái, đa dạng về loài và về nguồn gen. Với tỷ lệ độ che phủ của rừng chiếm 54,37%, Lâm Đồng hiện có trên 3.526 loài thực vật rừng, 133 loài nấm lớn, 86 loài thú, 301 loài chim, 102 loài bò sát, lưỡng cư, 686 loài côn trùng, 111 loài cá. Trong số đó có 201 loài bị đe dọa cấp quốc gia được ghi trong sách đỏ Việt Nam (2007); 98 loài bị đe dọa toàn cầu trong danh mục đỏ loài nguy cấp của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) và 106 loài được bảo vệ theo Nghị định 84 của Chính phủ.
Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen thực vật là bảo vệ tài nguyên di truyền nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu khởi đầu phục vụ nghiên cứu khoa học, cải tạo giống, duy trì đa dạng sinh học đảm bảo nguồn tài nguyên sinh học cho sự phát triển bền vững ngành lâm nghiệp. Vinh dự đóng chân trên địa bàn Đà Lạt, những năm qua, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao vào lĩnh vực chọn, tạo và nhân giống cây lâm nghiệp; trong đó từng bước hoàn thiện công nghệ nhân giống các loài cây bản địa của Lâm Đồng, quý hiếm, có năng suất, chất lượng cao bằng phương pháp vô tính và hữu tính, công nghệ tế bào. Từ đó góp phần bảo tồn và phát triển nhiều nguồn gen quý khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng.
Khó nhất trong nhân giống, bảo tồn nguồn gen thực vật là các loài cây bản địa quý hiếm trên núi cao như: Thủy tùng, thông đỏ, thông 5 lá, đỉnh tùng, thông hai lá dẹt, hồng tùng, đa tử trà hương… Đây là những loài cây không có khả năng tái sinh ngoài môi trường tự nhiên hoặc tái sinh nhưng vô cùng hạn chế. Với sự kiên trì thử nghiệm bằng nhiều phương pháp khác nhau trong thời gian dài, đến nay Viện đã nghiên cứu nhân giống thành công một số loài cây thủy tùng, thông đỏ bằng phương pháp giâm hom, ghép. Đã có gần 2.000 cây thủy tùng và 5.000 cây thông đỏ được nhân giống thành công bằng phương pháp này; hơn 1.000 cây thông 5 lá, 1.000 cây đa tử trà hương được nhân giống thành công bằng phương pháp gieo hạt. Từ đó đã góp phần bảo tồn những loài cây bản địa quý hiếm của rừng Lâm Đồng.
Chỉ tính riêng 10 năm trở lại đây (2014 - 2024), Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh thực hiện điều tra, khảo sát, xây dựng phương án bảo tồn, thu thập hạt giống, cây con, cành hom; xây dựng khu sưu tập, bảo tồn cho hàng chục loài cây rừng quý hiếm và có giá trị kinh tế trên địa bàn Lâm Đồng: Thông 5 lá, đỉnh tùng, thông đỏ, thủy tùng, đa tử trà hương, đỗ quyên lá nhọn. Thông qua kết quả đánh giá nguồn gen đang được bảo tồn, Viện đã xác định và tuyển chọn được nhiều loài cây quý hiếm triển vọng phục vụ trồng rừng gồm: Pơ mu, bách xanh núi đất, thông 5 lá, thủy tùng, đa tử trà hương, đỗ quyên lá nhọn.
Riêng cây đỗ quyên lá nhọn được TS.Lưu Thế Trung - chuyên gia kỹ thuật lâm sinh của Viện dành nhiều năm nghiên cứu tổng thể. Kết quả đã đánh giá được đặc điểm sinh học, đa dạng di truyền giữa các quần thể và các cá thể đỗ quyên lá nhọn; xác định được kỹ thuật nhân giống bằng hom và tiến hành trồng thử nghiệm thành công, đồng thời đề xuất các giải pháp bảo tồn nguồn gen loài Đỗ quyên lá nhọn tại Lâm Đồng.
Việc áp dụng khoa học công nghệ cao vào nhân giống, bảo tồn, phát triển nguồn gen thực vật quý hiếm còn được Viện mở rộng quan tâm đến những loài cây dược liệu hàm chứa dược tính cao như địa hoàng, tam thất, lan gấm. Các hoạt động nhân giống, chuyển giao công nghệ nhân giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc đã góp phần chuyển biến nhận thức của cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học, tự sản xuất, không khai thác nguồn dược liệu trong tự nhiên tránh nguy cơ cạn kiệt.
Tuy nhiên, để bảo tồn nguồn gen bản địa, cần hạn chế việc trồng cây ngoại lai để hạn chế việc tác động đến đa dạng sinh học hiện có. Mở rộng việc trồng, chăm sóc, tạo môi trường sống cho các loài thực vật đặc hữu, tạo nơi sinh sống, kiếm ăn và quá trình sinh sản của các loài động vật quý hiếm, làm nơi sinh sôi các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
TS.Lưu Thế Trung nhấn mạnh: Với sự đa dạng sinh học, rừng không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế lâm nghiệp, mà còn là lợi thế tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Để bảo tồn nguồn gen, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái rừng bền vững cần gắn với phát triển du lịch sinh thái. Qua đó vừa phát triển, bảo vệ rừng bền vững, vừa tạo công ăn việc làm cho người lao động, giảm thiểu khai thác rừng, hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực gây tác hại đến rừng; đồng thời thu hút du khách đến với rừng, nhân lên tình yêu thiên nhiên và trách nhiệm bảo vệ rừng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin