(LĐ online) - Tại Đà Lạt, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng UBND tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức hội thảo “Nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển năng lượng, chế biến, bảo quản, chọn tạo giống ngành nông nghiệp; phát huy giá trị và nguồn lực nhân văn phục vụ phát triển vùng Tây Nguyên”.
Các nhà khoa học chủ trì hội thảo |
Tham dự có các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp cùng gần 150 chuyên gia, nhà khoa học trên cả nước; các cơ sở nghiên cứu trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành cùng tham dự.
Hội thảo đã nêu rõ các vấn đề về: Định hướng nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng giai đoạn đến năm 2030; Thực trạng, tiềm năng và giải pháp ứng dụng KHCN thúc đẩy phát triển một số cây ăn trái chủ lực tại các tỉnh vùng Tây Nguyên; Giới thiệu “Chương trình Phát triển nghiên cứu, chọn tạo giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” và Kế hoạch của Bộ KH&CN triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia về nghiên cứu chọn tạo giống thuộc Chương trình; Định hướng nghiên cứu giá trị, phát huy giá trị và nguồn lực nhân văn phục vụ phát triển đất nước; Những lưu ý khi tham gia đề xuất và tuyển chọn nhiệm vụ thuộc các Chương trình Khoa học xã hội và nhân văn cấp quốc gia.
Bà Võ Thị Hảo - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng điều hành phần thảo luận |
Cùng ngày, các nhà khoa học đã đi sâu thảo luận tại 4 hội thảo chuyên đề để làm sáng tỏ nhiều vấn đề của 4 Chương trình nghiên cứu của Bộ. Cụ thể, Hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ năng lượng phục vụ phát triển bền vững” trong Chương trình “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ năng lượng” đã đi sâu thảo luận các vấn đề: Định hướng một số nghiên cứu công nghệ, an toàn điện hạt nhân và xây dựng năng lực trong giai đoạn hiện nay (TS. Trần Chí Thành - Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam); Lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu tại Đà Lạt (TS. Nguyễn Kiên Cường - Viện Nghiên cứu hạt nhân); Một số kỹ thuật xạ trị hiện đại, những sai số và biện pháp khắc phục (TS. Nguyễn Hữu Quyết - Viện Khoa học Kỹ thuật Hạt nhân); Đánh giá và so sánh các mô hình dự báo công suất phát điện mặt trời: hiện tại và xu hướng tương lai (TS. Vũ Duy Thuận - Trường Đại học Điện lực Bộ Công thương); Năng lực sản xuất đồng vị và dược chất phóng xạ trên Lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt (TS. Phan Thanh Minh - Viện Nghiên cứu hạt nhân).
Tham luận của các nhà khoa học đưa ra nhiều giải pháp thiết thực |
Hội thảo chuyên đề “Nghiên cứu thúc đẩy phát triển công nghệ bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa nông nghiệp ứng dụng cho khu vực Tây Nguyên và vùng phụ cận” trong Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp giai đoạn 2021-2030” đã đi sâu thảo luận các vấn đề: Thực trạng và giải pháp phát triển Cơ giới hóa nông nghiệp vùng Tây Nguyên (GS.TS. Nguyễn Huy Bích - Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh); Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến phụ phẩm cà phê để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại các tỉnh vùng Tây Nguyên (PGS.TS. Trần Đăng Thuần - Viện Hóa học - Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam); Đề xuất một số giải pháp bảo quản, chế biến, tận dụng phụ phẩm có thể áp dụng hiệu quả cho một số trái cây và nấm ăn tại Tây Nguyên (PGS.TS. Nguyễn Duy Lâm - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành – TP Hồ Chí Minh); Thực trạng ứng dụng công nghệ chế biến cà phê tại Việt Nam, định hướng và giải pháp phát triển bền vững (KS. Nguyễn Tấn Huy - Công ty CP Cơ khí Vina Nha Trang).
Tham luận của các nhà khoa học đưa ra nhiều giải pháp thiết thực |
Hội thảo chuyên “Hiện trạng và định hướng phát triển công tác nghiên cứu chọn tạo giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” trong Chương trình Giống “Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp” đã đi sâu vào các vấn đề: Nghiên cứu phát triển giống trong lĩnh vực trồng trọt phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2030 (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam); Nghiên cứu phát triển giống trong lĩnh vực Lâm nghiệp phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2030 (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam); Nghiên cứu phát triển giống trong lĩnh vực Thuỷ sản phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2030 (Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thuỷ sản III); Nghiên cứu phát triển giống trong lĩnh vực Chăn nuôi phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2030 (Viện Chăn nuôi); Nghiên cứu, ứng dụng phát triển giống mới phục vụ sản xuất nông nghiệp, phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp (Tổng Công ty Tập đoàn ThaiBinh Seed).
Các đại biểu chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo |
Hội thảo chuyên đề “Những vấn đề lý luận về giá trị và nguồn lực nhân văn” trong Chương trình “Nghiên cứu, phát huy giá trị và nguồn lực nhân văn phục vụ phát triển đất nước” đã đi sâu thảo luận các vấn đề: Các giá trị phổ quát toàn nhân loại: Bước đầu nhận diện và liên hệ với Việt Nam (GS.TS. Vũ Công Giao); Giá trị theo quan điểm của các nhà nghiên cứu nước ngoài (GS.TS. Vũ Dũng và PGS.TS. Nguyễn Thị Mai Lan); Phát huy hệ giá trị quốc gia phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới (Trần Thị Ái Vân); Nghiên cứu phát huy nguồn lực giá trị văn hiến Việt Nam ở hải ngoại liên quan đến tỉnh Lâm Đồng phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội địa phương (GS.TS. Hoàng Anh Tuấn).
Tham luận của các nhà khoa học thảo luận nhiều ý kiến đóng góp |
Các đại biểu là lãnh đạo các huyện, thành, doanh nghiệp Lâm Đồng nêu nhiều ý kiến thiết thực do thực tiễn đặt ra như: lai tạo giống tằm, chế biến bảo quản trái bơ, chọn tạo giống năng suất chất lượng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc tại chỗ...
Ông Cil Póh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương mong muốn nghiên cứu bảo tồn Di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc tại chỗ Lâm Đồng |
Đại diện doanh nghiệp Lâm Đồng mong muốn có nhiều giống tốt cho năng suất, chất lượng đưa vào sản xuất |
Hội thảo như một cuộc sinh hoạt học thuật rộng lớn của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, tập trung trí tuệ của nhiều chuyên gia, nhà khoa học nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển năng lượng; chế biến, bảo quản nông sản; chọn tạo giống ngành nông nghiệp; phát huy giá trị và nguồn lực nhân văn phục vụ phát triển vùng Tây Nguyên từ nay đến năm 2030.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin