(LĐ online) - Sở Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu khai thác và phát triển nhanh nguồn gen các loại cây có giá trị làm cảnh quan (cây lá Phong (Acer spp.); cây Đa tử trà (Polyspora spp.) và cây Đỗ quyên (Rhododendron spp.)) phục vụ làm cây trồng đường phố Đà Lạt” do Viện Khoa học Lâm Nghiệp Nam Trung bộ và Tây Nguyên thực hiện.
Cây đỗ quyên ra hoa làm đẹp đường phố, tô điểm không gian sống |
Lâm Đồng là tỉnh có đa dạng sinh học cao, đặc biệt là vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Trong môi trường tự nhiên nhiều loài cây có hình dáng đẹp, lá có nhiều màu sắc theo mùa, tán lá cân đối, hoa có mùi hương thêm dịu, hệ rễ cọc ăn sâu dưới lòng đất, sức sống bền bỉ... Tất cả những đặc tính ưu việt này đều đáp ứng được yêu cầu của cây xanh đô thị hiện nay. Nhiều loài cây bản địa có thể tuyển chọn làm cây xanh đô thị như các nhóm loài đỗ quyên, lá phong, Đa tử trà được nhận định phù hợp làm cây cảnh quan cho thành phố Đà Lạt. Vì vậy, việc nghiên cứu khai thác và phát triển nhanh nguồn gen các loài cây có giá trị làm cảnh (cây lá lhong (Acer spp.); cây đa tử trà (Polyspora spp.) và cây đỗ quyên (Rhododendron spp.) phục vụ làm cây trồng đường phố tại Đà Lạt là rất cần thiết.
Hoa đỗ quyên được trồng tại Công viên Yersin |
Sau 3 năm thực hiện, các chuyên gia, nhà khoa học lâm nghiệp xác định có 6 loài cây lá phong, 5 loài đa tử trà và 6 loài đỗ quyên phân bố trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Các loài được chọn lựa để phát triển thành cây cảnh quan gồm: Phong núi cao, Đa tử trà hương, Đa tử trà bidoup và Đỗ quyên lá nhọn. Đồng thời xác định được phân bố quần thể, các nhân tố sinh thái như đất đai, khí hậu, địa hình, thảm thực vật có ảnh hưởng đến phân bố của các loài cây lá Phong, Đa tử trà, Đỗ quyên.
Đề tài đã xây dựng vườn sưu tập giống với 4 loài cây Phong núi cao, Đa tử trà bidoup, Đa tử trà hương, Đỗ quyên lá nhọn với số lượng 300 cây; đã tiến hành điều tra thành phần loài tại 5 công viên và 10 tuyến đường trên địa bàn nội thành Đà Lạt; xây dựng các mô hình thử nghiệm tại trường Đại học Đà Lạt, công viên Ánh Sáng, công viên Yersin, công viên Hoa và đường Yersin nối dài với tổng số lượng 3.000 cây; xây dựng 2 quy trình kỹ thuật có tính khả thi, đảm bảo áp dụng được vào thực tế.
Cây Đa tử trà ra hoa ở khu trồng thử nghiệm tại Công viên Yersin |
Việc nghiên cứu sử dụng các loài cây bản địa làm cây xanh đô thị, tạo cảnh quan, khu công viên là một định hướng đúng. Qua đó từng bước thuần hóa cây rừng, giúp bảo tồn và chuyển vị một số loài cây có giá trị thương mại, giá trị cảnh quan góp phần bảo tồn, phát triển nguồn gen thực vật quý, có giá trị kinh tế cao để làm đẹp cuộc sống.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin