Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển ngành trồng dâu, nuôi tằm

QUỲNH UYỂN 06:17, 15/01/2025

Sau 3 năm triển khai, Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển bền vững ngành trồng dâu, nuôi tằm tại huyện Đam Rông” do Sở Khoa học và Công nghệ giao cho Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông Lâm nghiệp Lâm Đồng chủ trì thực hiện đã đạt được nhiều kết quả.

Nghề trồng dâu, nuôi tằm phát triển mạnh mẽ ở Đam Rông
Nghề trồng dâu, nuôi tằm phát triển mạnh mẽ ở Đam Rông

Dự án đã chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật trong trồng dâu, nuôi tằm phù hợp với điều kiện sản xuất của vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại các xã trong huyện Đam Rông. Cụ thể, dự án đã xây dựng thành công Mô hình Trồng và thâm canh giống dâu mới S7-CB, TBL-03 với quy mô 2 ha, đạt năng suất lá hơn 25 tấn/ha, năng suất kén đạt 1.960 kg/ha; xây dựng thành công mô hình tưới nước thông minh cho cây dâu tằm năng suất vượt đối chứng 20,7%; xây dựng thành công Mô hình Nuôi tằm con tập trung, quy mô 400 hộp trứng 20 g/kỳ, tằm khoẻ, phát dục đều và xây dựng thành công Mô hình Nuôi tằm lớn trên nền nhà và trên khay bằng dâu cành, năng suất đạt 42,6 kg/kén/hộp. Kén đạt tiêu chuẩn ươm tơ tự động, hệ số tiêu hao 7,57 kg kén/1 kg tơ. Đã đào tạo 10 kỹ thuật viên và tập huấn hướng dẫn trực tiếp cho 100 lượt nông dân là người đồng bào DTTS tại địa phương nắm được quy trình kỹ thuật trồng, thâm canh dâu và nuôi tằm và phát triển dự án, nhân rộng các mô hình.

Bên cạnh đó, hoàn thiện 7 quy trình kỹ thuật dâu tằm, phù hợp điều kiện sản xuất của huyện Đam Rông, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của ngành Nông nghiệp (QCVN 01 - 147:2013/BNNPTNT), gồm: Quy trình trồng và thâm canh giống dâu mới TBL03 và S7-CB; Quy trình tưới nước thông minh; Quy trình phòng trừ sâu, bệnh hại dâu; Quy trình nuôi tằm con tập trung; Quy trình nuôi tằm lớn trên khay/nền nhà; Quy trình phòng trừ bệnh hại tằm; Quy trình lên né, phân loại kén, bảo quản kén ươm.

Hội đồng nghiệm thu do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì đã đánh giá cao kết quả đạt được của dự án, góp phần giảm thiểu công lao động, nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập cho người nông dân và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội tại địa phương. Việc tổ chức các lớp tập huấn, tham quan mô hình, hội thảo giới thiệu kết quả nghiên cứu đã giúp các hộ dân hiểu rõ và áp dụng thành thạo các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Dự án cũng đề xuất một số giải pháp như sử dụng công nghệ sinh học tiên tiến, cải thiện giống dâu và tằm áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường bền vững để tối ưu hóa quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa nghề trồng dâu và nuôi tằm tại Đam Rông phát triển lên một bước mới.  

Những năm gần đây, diện tích trồng dâu, nuôi tằm ở Đam Rông không ngừng tăng lên, diện tích lúa, hoa màu ở các bãi bồi dọc sông Krông Nô và các dòng suối thuộc các xã Đạ Long, Đạ Tông và Đạ M'rông đã được chuyển đổi dần thay thế bằng những ruộng dâu xanh mướt. Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển bền vững ngành trồng dâu, nuôi tằm tại huyện Đam Rông” đã kịp thời tạo nền tảng cơ sở quan trọng góp phần giúp Đam Rông đạt được mục tiêu Kế hoạch phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ trên địa bàn huyện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 do UBND huyện vừa ban hành. Cụ thể, năm 2025, diện tích trồng dâu, nuôi tằm toàn huyện đạt trên 1.000 ha, năng suất lá dâu đạt trên 25 tấn/ha; trong đó diện tích trồng dâu, nuôi tằm ở khu vực 3 xã Đầm Ròn (xã Đạ Tông, Đạ Long, Đạ M’rông) trên 310 ha; có trên 1.800 hộ nuôi thường xuyên, trong đó hộ đồng bào DTTS nuôi tằm thường xuyên trên 800 hộ; phấn đấu sản lượng kén tằm đạt trên 1.600 tấn/năm; hình thành 1 làng nghề trồng dâu, nuôi tằm gắn với ươm tơ (thôn Đắk Măng, xã Đạ Sal)…

Đến năm 2030, phấn đấu diện tích trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn huyện đạt trên 1.350 ha, năng suất lá dâu đạt trên 27 tấn/ha; trong đó diện tích trồng dâu, nuôi tằm ở khu vực 3 xã Đầm Ròn phát triển trên 493 ha. Có trên 2.500 hộ nuôi tằm thường xuyên, trong đó hộ đồng bào DTTS nuôi tằm thường xuyên trên 1.000 hộ; toàn huyện có 5 - 7 liên kết sản xuất, giá trị về tổ chức sản xuất dâu, nuôi tằm gắn với tiêu thụ kén tằm, ươm tơ. Phấn đấu sản lượng kén tằm đạt trên 2.200 tấn/năm. Hình thành 2 làng nghề trồng dâu, nuôi tằm gắn với ươm tơ.