Nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu và xây dựng mô hình du lịch dựa vào cộng đồng tại tỉnh Lâm Đồng"

02:11, 10/11/2019

(LĐ online) - Sau hơn 2 năm triển khai nhiệm vụ khoa học "Nghiên cứu và xây dựng mô hình du lịch dựa vào cộng đồng tại tỉnh Lâm Đồng", Sở Khoa học Công nghệ đã tổ chức hội đồng nghiệm thu đề tài với sự tham dự của các nhà khoa học, các chuyên gia, những người làm du lịch và lãnh đạo Sở VH-TT-DL và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực II – đơn vị thực hiện.

(LĐ online) - Sau hơn 2 năm triển khai nhiệm vụ khoa học “Nghiên cứu và xây dựng mô hình du lịch dựa vào cộng đồng tại tỉnh Lâm Đồng”, Sở Khoa học Công nghệ đã tổ chức hội đồng nghiệm thu đề tài với sự tham dự của các nhà khoa học, các chuyên gia, những người làm du lịch và lãnh đạo Sở VH-TT-DL và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực II – đơn vị thực hiện.
 
Hội đồng khoa học khẳng định giá trị ứng dụng thực tiễn của kết quả nghiên cứu
Hội đồng khoa học khẳng định giá trị ứng dụng thực tiễn của kết quả nghiên cứu
 
Nhóm các nhà khoa học do TS.Nguyễn Tấn Vinh  (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực II) chủ nhiệm đề tài đã tiến hành nghiên cứu đánh giá thực trạng, xác định tiềm năng phát triển du lịch dựa vào cộng đồng tại Lâm Đồng; xây dựng 2 mô hình áp dụng vào việc phát triển du lịch dựa vào cộng đồng; đề xuất các giải pháp cụ thể để hình thành và phát triển bền vững loại hình du lịch này. 
 
Cụ thề, nhóm nghiên cứu đã tiến hành xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá tiềm năng và thực trạng du lịch dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh; khảo sát, phân tích, đánh giá thực trạng phát triển sản phẩm du lịch dựa trên đặc thù văn hóa, truyền thống, địa lý, dân tộc, xác định rõ những đặc thù này phù hợp với phát triển du lịch dựa vào cộng đồng trong thời gian qua, chỉ ra những thành tựu, hạn chế, bài học kinh nghiệm; phân tích những thuận lợi, khó khăn, thách thức của du lịch dựa vào cộng đồng ở Lâm Đồng. Nhóm đã tiến hành thực hiện điều tra, khảo sát ở 6 huyện thành (Đà Lạt, Bảo Lộc, Đạ Huoai, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng), xây dựng 2 mô hình là: mô hình du lịch canh nông kết hợp trải nghiệm khám phá các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mạ tại thác Đamb’ri (Bảo Lộc) và mô hình du lịch đua ngựa không yên kết hợp khám phá, trải nghiệm các giá trị văn hóa của đồng bào K’Ho trên cao nguyên Langbian tại Lạc Dương. Hai mô hình trên đã giải quyết được các vấn đề: Phát triển du lịch ở các vùng vệ tinh xung quanh những địa điểm du lịch hiện tại nhằm hạn chế quá tải khách du lịch cho những điểm này; phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống của người dân vùng lân cận các trung tâm du lịch hiện có; đa dạng hóa loại hình du lịch, làm phong phú sản phẩm du lịch của tỉnh để thu hút, giữ chân du khách lâu hơn.  
 
Các nhà khoa học đã làm việc có trách nhiệm, bằng tinh thần khoa học, gắn bó chặt chẽ với thực tiễn đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư, đưa ra những nhận định, đánh giá xác thực, xây dựng mô hình phù hợp thực tế. Đề tài đã đánh giá được du lịch dựa vào cộng đồng mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng cư dân bản địa, nhưng chưa định lượng đo đếm một cách cụ thể. 
 
Kết quả nghiên cứu được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao, vì đã tổng kết lý luận, thực tiễn việc phát triển du lịch Lâm Đồng, là cơ sở định hướng quan trọng cho các cơ quan chức năng của tỉnh hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược phát triển, nhân rộng các mô hình du lịch dựa vào cộng đồng tại địa phương.
 
QUỲNH UYỂN