Nghiệm thu đề tài "Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (2017 - 2025), định hướng 2030"

04:11, 08/11/2019

(LĐ online) - Sáng 8/11, Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng đã tổ chức hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học "Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (2017 - 2025)...

(LĐ online) - Sáng 8/11, Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng đã tổ chức hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (2017 - 2025), định hướng 2030” với sự tham dự của các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh nghiên cứu dân tộc học, đại diện lãnh đạo các huyện có đông đồng bào dân tộc bản địa sinh sống và Học viện Dân tộc Việt Nam - đơn vị thực hiện đề tài. 
 
Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu trước Hội đồng nghiệm thu
Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu trước Hội đồng nghiệm thu
 
Sau hơn 1 năm nghiên cứu, nhóm các nhà dân tộc học do TS.Nguyễn Thị Bích Thu (Học viện Dân tộc) chủ nhiệm đề tài đã tiến hành khảo sát địa bàn nghiên cứu đối với các đối tượng: cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số, lao động dân tộc thiểu số ở nông thôn, học sinh sinh viên dân tộc thiểu số. 
 
Cụ thể, để có cơ sở cho việc nhận định, đánh giá, phân tích về nguồn nhân lực DTTS trên địa bàn tỉnh hiên nay, nhóm đã thực hiện điều tra xã hội học, phát 800 phiếu điều tra ở 2 huyện Đơn Dương và Lạc Dương cho đối tượng người lao động DTTS ở nông thôn, huyện Di Linh cho đối tượng cán bộ công chức người DTTS; Trường Đại học Đà Lạt, CĐSP Đà Lạt, Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng cho đối tượng là học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số. Kết quả khảo sát cho thấy: Cán bộ công chức người DTTS có ưu điểm như được người dân tín nhiệm, có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được giao, không ngại khó, nhưng hạn chế về năng lực lãnh đạo, điều hành, kỹ năng phát triển bản thân; người lao động DTTS ở nông thôn có tính cộng đồng cao, có sức khỏe tốt, tính cộng đồng cao cũng là rào cản níu kéo lao động DTTS không bứt ra khỏi buôn làng để đi tìm kiếm cho mình cơ hội việc làm đem lại tương lai tốt đẹp hơn, ngại giao tiếp ngoài cộng đồng, thiếu kỹ năng nghề nghiệp, thiếu kỷ luật trong công việc, khả năng quản lý, phát triển kinh tế gia đình hạn chế; HSSV người DTTS có sức khỏe tốt, có năng khiếu văn nghệ, thể thao, nhưng non nớt, hạn chế về nhận thức nghề nghiệp, đời sống, chưa có kỹ năng phát triển bản thân gây bất lợi trong quá trình định hướng nghề nghiệp và lập nghiệp. 
 
Theo số liệu điều tra dân số và nhà ở năm 2019, toàn tỉnh Lâm Đồng có 1.296.906 người, trong đó DTTS chiếm 25,72% ứng với 33.616 người, 42 dân tộc thiểu số.
 
Nhóm đã xây dựng 3 mô hình “Người cán bộ DTTS thời hội nhập” ở Di Linh, “Người nông dân DTTS trong nền kinh tế thị trường” Lạc Dương, Đơn Dương, “Học sinh, sinh viên DTTS với hành trang vào cuộc sống” tại Trường CĐSP và Phổ thổng DTTN tỉnh. Sau đó đưa ra dự báo phát triển nguồn nhân lực DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng từ nay đến 2025, tầm nhìn 2030; giải pháp để nâng cao nguồn nhân lực DTTS đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH và hội nhập. Các giải pháp đều tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức kỹ năng còn yếu, thiếu ở từng đối tượng, góp phần khai mở tiềm năng sẵn có của nguồn nhân lực DTTS.
 
Các chuyên gia, các nhà khoa học trong hội đồng khoa học và đại diện các địa phương đã thẳng thắn nhận xét, góp ý để đảm bảo tính chính xác, khoa học. Trong đó, việc đánh giá thực trạng nguồn nhân lực DTTS còn mang tính chủ quan; nhiều giải pháp chưa sát thực tế, đa số các giải pháp nhóm nghiên cứu đưa ra tỉnh đã triển khai, không phải là những giải pháp mới nên giá trị khoa học không cao. Để đạt được mục tiêu làm cơ sở lý luận, thực tiễn để Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lâm Đồng đưa ra những cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả trong phát triển nguồn nhân lực DTTS, khắc phục những hạn chế trong chính sách phát triển nguồn nhân lực DTTS trong những năm qua, thì đòi hỏi sự tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện để công trình tròn trịa hơn. 
 
QUỲNH UYỂN