Người dân làng Al Sogara dựng nhà trong những hang động tự tạo trên vùng núi hiểm trở, sống tách biệt với phần còn lại của thế giới.
Người dân làng Al Sogara dựng nhà trong những hang động tự tạo trên vùng núi hiểm trở, sống tách biệt với phần còn lại của thế giới.
|
Cách duy nhất để đến ngôi làng là đi bộ hoặc sử dụng la và xe địa hình. |
Nằm cách thủ đô Muscat khoảng 195km về phía tây nam là dãy núi đá vôi Jabal al Akhdar, hay còn gọi là Núi Xanh, cao 2.980 m. Nơi đây được xem là "mê cung" của những thung lũng xoắn và hẻm núi sâu, nằm ở khu vực xa xôi nhất trên cả nước.
Từ cuối con đường nhựa, leo khoảng 20 km qua những con dốc thẳng đứng, những ngôi nhà nhỏ dần hiện ra trong tầm mắt. Đó là Al Sogara, khu định cư được tạc nên từ những vách đá, nằm tách biệt với thế giới bên ngoài suốt 500 năm.
Làng là nơi ở của 5 gia đình từ bộ lạc Alshariqi, một nhóm di cư từ Jordan hơn 1.000 năm trước. Dân số hiện tại còn khoảng 25 người. Trong suốt các thế hệ, người dân vẫn duy trì tập tục cổ xưa là xây dựng nhà bằng đá và đất sét, hoặc khắc trực tiếp vào vách đá. Theo dân làng, tổ tiên của họ sử dụng những vật liệu trên núi để xây nhà. Như trộn nước với đá và đất sét để đắp tường.
Mặc dù trong khu vực có nhiều ngôi làng khác, Al Sogara là nơi duy nhất vẫn còn người ở. Trước năm 2005, dân làng không có điện, điện thoại. Con đường gần nhất cách đó 15 km. Con la là phương tiện chuyên chở hàng hóa từ các thị trấn Nizwa, Birkat Al Mouz gần đấy. Người dân đã nghĩ ra cách căng dây cáp ròng rọc phía trên thung lũng để vận chuyển nhu, yếu phẩm từ bên kia hẻm núi.
Trước kia vì không có trường học, các thế hệ phải tự học đọc, viết ở nhà. Từ năm 1970, học sinh đã được đi học ở vùng Sayq, cách đó 14 km. Để tới trường, những đứa trẻ phải men theo cầu thang hẹp của làng, xuống những con đường rải sỏi phía bên kia ngọn núi, để ô tô đón họ.
Nằm ở độ cao 2.700 m so với mực nước biển, Al Sogara có mùa đông khắc nghiệt và thường xuyên có tuyết. Những ngôi nhà từ đất sét và đá vôi có thể giúp người dân chống chọi với mùa đông giá lạnh và mùa hè nóng bức.
|
Những ngôi nhà đất sét ấm áp trong mùa đông và mát mẻ vào mùa hè |
Những "hang động" được khắc trong vách núi cũng là nơi trú ẩn cho đàn gia súc. Trong nhiều thế kỷ, các gia đình đã xây dựng hàng rào trên lối vào của các cửa hàng, để ngăn chặn các cuộc tấn công của động vật hoang dã. Đối với bộ lạc Alshariqi, động vật biểu thị cho sự thịnh vượng. Người có nhiều dê, cừu, la có nghĩa là giàu có.
Ngoài chăn gia súc, người dân ở đây trồng lựu, quả óc chó, đào, mơ, cam, sung, tỏi, hành và nhiều loại rau khác. Để duy trì sự sống ở vùng xa xôi hẻo lánh của đất nước, người dân sử dụng hệ thống tưới tiêu có tên gọi Aflaj, dẫn nước từ con suối bên dưới thung lũng đến làng bằng trọng lực. Tuy nhiên, vì sự biến đổi của thời tiết, dòng nước đã không còn chảy xiết như trước. Những ống dẫn nước dài 20 - 50 km dần nhỏ giọt. Ngọn núi phủ xanh thực vật giờ đã trở nên khô cằn đất đá. Mùa vụ của người dân qua đó cũng trở nên khó khăn hơn.
|
Dân làng tin rằng, tương lai phụ thuộc vào hiên tại. Chỉ cần họ chăm sóc tốt nơi ở của mình, thế hệ trẻ sẽ tiếp nối. |
Cũng giống như những người dân Oman khác, bộ lạc Al Sogara vô cùng hiếu khách. Dân làng có thể chào đón một vị khách, mời họ ăn uống, nghỉ ngơi trong 3 ngày.
Trong những năm gần đây, một số cư dân ở Al Sogara đã đến các thành phố lớn như Muscat và Nizwa để tìm việc làm. Tuy nhiên, những người ở lại vẫn yêu mến vùng đất này. Họ thức dậy vào mỗi buổi sáng, chăm sóc dê và vườn cây. Người dân lo sợ những ngôi nhà và lối sống văn hóa của họ sẽ không còn tồn tại trong 15 năm nữa, nếu họ không truyền lại tình yêu cho những thế hệ sau.
(Theo VnExpress)