Xuất khẩu 35 triệu cây giống invitro sang các quốc gia trong khu vực, thị trường châu Âu hiện nay là con số đầy ấn tượng của Lâm Đồng trong việc phát triển lĩnh vực giống cây nông nghiệp. Song không dừng lại ở đó, hiện, Lâm Đồng đang triển khai nhiều giải pháp để hiện thực hoá khát vọng hình thành ngành Công nghiệp giống invitro.
Lâm Đồng là địa phương đi đầu trong công nghệ nuôi cấy mô (invitro) sản xuất giống cây trồng phục vụ sản xuất |
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh, hiện nay, Lâm Đồng là địa phương đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ sinh học, đặc biệt là công nghệ nuôi cấy mô (invitro) trong sản xuất giống cây trồng phục vụ sản xuất. Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 56 tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giống invitro. Trong đó, TP Đà Lạt chiếm đa số với khoảng 47 cơ sở. Hiện, có 22 cơ sở đã công bố tiêu chuẩn chất lượng giống cây trồng với sản lượng đạt trên 60 triệu cây giống mỗi năm (chiếm 83,4% toàn tỉnh). Các công ty có sản lượng cây giống lớn như Công ty Công nghệ Sinh học Rừng hoa Đà Lạt; Công ty TNHH Quang Nguyên, Công ty CP Cây giống Cao Nguyên (HIVICO), Công ty TNHH CNSH F1... Thạc sĩ Phạm Phong Hải, đại diện Công ty TNHH Quang Nguyên Đà Lạt - đơn vị chuyên sản xuất giống invitro cho biết, hiện nay, mỗi năm doanh nghiệp sản xuất và cung ứng thị trường trong nước trên 1 triệu cây giống các loại như dâu tây, hoa cúc, hoa đồng tiền, salem, sao tím. Đồng thời, sản xuất và xuất khẩu khoảng 5 triệu cây giống các loại sang thị trường Mỹ và Hà Lan. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, riêng năm 2021, các cơ sở nuôi cấy mô trên địa bàn tỉnh đã sản xuất 72,32 triệu cây giống invitro. Trong đó, cao nhất là cây trang trí (52,4%) và hoa cúc (27,86%).
Nguồn nhân lực là một trong những khó khăn của ngành Công nghiệp giống invitro ở Lâm Đồng |
Ngoài việc nhân nhanh nguồn giống chất lượng cao sạch bệnh cung cấp cho sản xuất trong nước, các cơ sở sản xuất invitro đã từng bước nâng cao năng lực, tập trung sản xuất giống xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Sản lượng cây giống nuôi cấy mô xuất khẩu hiện đạt 35 triệu cây, tăng 1,6 triệu cây so với năm 2020, giá trị xuất khẩu năm 2021 đạt 9 triệu USD sang thị trường các nước: Bỉ, Indonesia, Trung Quốc, Israel, Ấn Độ...
Cây giống invitro có chất lượng cao sạch bệnh |
Sự phát triển của lĩnh vực này là đáng ghi nhận, song vẫn còn những khó khăn đặt ra về cơ sở vật chất và yêu cầu kỹ thuật. Đặc biệt, nguồn nhân lực, kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn cao còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất... Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Lâm Đồng, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống invitro tại địa phương chưa mua được bản quyền các giống gốc mà phải thực hiện tuyển chọn các giống cây mẹ thông qua sản xuất thử nghiệm trên đồng ruộng. Việc tuyển chọn cây mẹ chủ yếu được các trung tâm, viện, trường và một số doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn thực hiện. Trong khi các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chỉ triển khai nhân nhanh các giống từ vườn sản xuất mà không thông qua việc tuyển chọn cây mẹ, nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng giống là rất cao, đặc biệt là vấn đề quản lý dịch hại ngoài đồng ruộng.
Nhiều diện tích rau, hoa của Lâm Đồng đang phát triển chất lượng từ nguồn giống invitro |
Hình thành ngành Công nghiệp giống invitro là khát vọng mà ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đang tập trung nhiều giải pháp để hiện thực hoá. Theo đó, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã kiến nghị UBND tỉnh để đưa ra các giải pháp cụ thể. Trong đó, những giải pháp trọng tâm là tháo gỡ những khó khăn liên quan đến vấn đề đất đai, thu hút đầu tư, nhập khẩu và sử dụng các trang thiết bị, hóa chất, bổ sung kế hoạch đầu tư công từ ngân sách nhà nước hoặc các nguồn vốn khác để đầu tư Trung tâm Phân tích kiểm tra chất lượng sản phẩm nông nghiệp để chuẩn hóa, kiểm soát chất lượng cây giống invitro và các sản phẩm nông nghiệp khác...
Hiện, có 22 cơ sở đã công bố tiêu chuẩn chất lượng giống cây trồng với sản lượng đạt trên 60 triệu cây giống mỗi năm |
Ngành Nông nghiệp cũng đề nghị các cơ sở sản xuất giống invitro nhập khẩu, mua bản quyền các giống cây mẹ mới, giá trị cao để phục vụ sản xuất trong tỉnh. Đồng thời, tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, mở rộng quy mô, năng lực sản xuất để từng bước hình thành ngành Công nghiệp sản xuất giống invitro.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin