Cuối năm 2022 về thôn Ka Đơn, xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương trở về thời gian đã qua 15 năm dốc tâm sức khôi phục và phát triển môi trường sinh thái hữu cơ, Trang trại Thiên Sinh mới bắt đầu khép kín một vòng tuần hoàn công nghệ cao chăm sóc vật nuôi, cây trồng trên tổng diện tích 15 ha.
Giăng mắc bẫy có chất dính sinh học để dẫn dụ, tiêu diệt côn trùng gây hại |
Khu vực mở rộng 7 ha sản xuất rau, củ, quả hữu cơ của Trang trại Thiên Sinh trong năm 2023 |
Ngồi trên chiếc xe bán tải của chủ nhân Nguyễn Quốc Thắng (50 tuổi) chạy êm êm trên cung đường bê tông dài khoảng 5 km rẽ qua từ cung đường nhựa lớn, tôi vào Trang trại Thiên Sinh được chào đón bởi hai hàng cây với hơn 400 cây tùng 11 năm tuổi bung tán xanh ngát trên cao. Đây là lần thứ 3 trong vòng 7 năm qua, mỗi lần đến trang trại đều mang lại cho tôi cảm nhận mới mẻ, dễ chịu trong không khí trong lành. Thời điểm mùa khô cao nguyên Lâm Đồng chạm ngõ, bên những rặng dã quỳ vàng rực thấp thoáng là đồng cỏ voi tươi tốt thẳng tắp như những ngọn nến thắp xanh lên bầu trời. Anh Thắng cho biết, đồng cỏ của trang trại đến cuối năm 2022 chuyên canh trên tổng diện tích 2 ha theo hình thức cuốn chiếu, mỗi ngày thu hoạch khoảng 1 tấn đưa về hệ thống cơ giới nghiền nhỏ làm thức ăn tươi đủ dinh dưỡng cho đàn bò thịt trong ngày. Tôi đến gần đàn bò thịt 40 con trong quy mô chuồng trại diện tích 500 m2 nuôi dưỡng theo quy trình hữu cơ, từng con bò thịt nhai ngon lành những nắm cỏ tươi trải đều trên máng sạch bóng, trông thật thích mắt. Đàn bò thịt lúc này đang vào bữa ăn trưa, còn hồi sáng cũng đã “điểm tâm” mỗi con 5 lít sữa chua tiệt trùng để bảo vệ hệ thống tiêu hóa, tạo chất lượng thịt ngon hơn khi đưa ra thị trường.
Tôi đếm tất cả 40 con bò thịt đều căng tròn da thịt, anh Thắng thông tin chi tiết hơn với 5 con đực và 35 con cái, đã bước sang 8 năm tuổi, con nặng nhất lên đến 800 kg, con nhẹ nhất cũng khoảng 100 kg. Trong một năm vừa qua, đàn bò sinh sản tại trang trại tổng cộng 20 con, cung cấp nguồn giống nhân đàn vật nuôi mới cho nông dân trong và ngoài huyện Đơn Dương. Riêng lớp nền đệm lót sinh học dày cộm trên nền chuồng trại cho bò thải phân tươi xuống hàng ngày rồi cứ định kỳ 2 tháng “thu hoạch” một mẻ khoảng 60 m3 chuyển ra khu vực ủ hoai mục bón cho tất cả các loại cây trồng hữu cơ trong trang trại. Thời gian ủ phân hoai mục bằng men sinh học khoảng 2 tháng. “Dùng lượng phân chuồng này bón đủ dinh dưỡng hàng ngày cho cây trồng rau, củ, quả hữu cơ trong trại. Và khi thu hoạch, sơ chế, những phụ phẩm rau, củ, quả ở đây trở lại sử dụng làm thức ăn cho bò…”, anh Thắng giới thiệu sơ khởi về quy trình chăn nuôi, trồng trọt tuần hoàn của trang trại. Cũng đúng lúc này, nhân viên trang trại đang cho thêm khẩu phần ăn trong ngày từ sản phẩm rau, củ, quả sơ chế tận dụng băm nhỏ cho đàn bò thịt tất cả 40 con này…
Đàn bò thịt ăn cỏ thức ăn được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ tại trang trại |
Khu vực ủ phân chuồng phối trộn với phế phẩm rau, củ, quả sau thu hoạch, sơ chế |
Trong không gian chăn nuôi bò thịt hữu cơ Thiên Sinh đều được quy hoạch bố trí từng phân khu chức năng, trong đó có khoảng 800 m2 diện tích ủ phân chuồng phối trộn rơm rạ, phế phẩm rau, củ, quả tại chỗ; 1.000 m2 diện tích sân vườn cho bò tắm nắng, ăn dặm thêm rơm vàng. Đặc biệt, những sợi rơm vàng còn có thêm chức năng trải đều lên từng luống để giữ ẩm độ cho đất, ngăn côn trùng phát sinh gây hại. Để minh chứng, anh Thắng dẫn tôi đến các khu vực nhà kính cà chua đã và đang thu hoạch cách sân vườn thả rông đàn bò chừng vài trăm mét. Ở đây mỗi căn nhà kính có diện tích 1.000 m2 lắp đặt đồng bộ các thiết bị thông minh tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa đấu nối đến từng luống cây cà chua được phủ một lớp rơm vàng bên trên, bên dưới là lớp đất tơi xốp phối trộn với phân vi sinh hữu cơ sản xuất tuần hoàn. Theo đó, các luống cây cà chua đang trong thời kỳ thu hoạch phải thường xuyên bổ sung một lớp rơm vàng bao quanh từ gốc cây này đến gốc cây khác để ngăn chặn cỏ dại sinh sôi. Còn các luống cây cà chua thu hoạch lứa trái cuối cùng, trang trại thu gom toàn bộ gốc rễ, thân cành, lá chuyển về khu vực ủ phân hữu cơ; riêng lớp rơm vàng sau đó được phủ lên một lớp đất để nhanh chóng được phân hủy, tạo thêm độ mùn trong đất cho các vi sinh vật có ích sinh sôi.
Với phương pháp sản xuất rau, củ, quả hữu cơ trong nhà kính và ngoài nhà kính của Trang trại Thiên Sinh là luân canh và đa canh. Như cây cà chua được trồng bằng nguồn giống chất lượng cao, đa dạng chủng loại beef, chocolate, baby, trái cây, chăm sóc trong thời gian khoảng 90 ngày thu hoạch đạt năng suất khoảng 2 tấn/1.000 m2. Tiếp nối lứa cà chua, trang trại xuống giống trồng đậu cove, đậu nành Nhật… Rồi lứa mới với ớt ngọt, dưa leo, cải thảo... Và có thể tuần hoàn trở lại trồng lứa mới cà chua. Hoặc đa canh trên cùng một khu vực diện tích phân bổ nhiều luống cây lơ baby, cải bó xôi, cà tím, dưa leo, củ cải, cải kale, mướp đắng, hành tây… trồng đan xen nhau, giăng mắc bẫy sinh học dẫn dụ tiêu diệt côn trùng gây hại, bảo vệ môi trường sinh thái hữu cơ phát triển lý tưởng cho các loài thiên địch có lợi như ong, bọ, nhện bắt mồi...
Cà chua sinh trưởng trên lớp phân chuồng, bên trên phủ lớp rơm vàng giữ ẩm |
Anh Thắng và tôi cùng hái xuống mấy trái dưa leo mọng nước ăn tươi tại vườn, cảm nhận chất lượng tự nhiên kết tinh từ vùng đất mát lành nơi này.
Đây là một trong khoảng 15 loại nông sản hữu cơ luân canh và xen canh trên diện tích 6 ha hàng ngày thu hoạch, sơ chế, đóng gói khoảng 1 tấn cung cấp theo đơn hàng của hệ thống siêu thị mini, cửa hàng phân phối của thị trường TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng… Trang trại đã lắp đặt 2 kho lạnh, mỗi kho lạnh có công năng giữ tươi 2 tấn rau, củ, quả hơn một tuần, nhưng thực tế tiêu thụ hết sản lượng thu hoạch trong ngày, cho thấy thương hiệu nông sản hữu cơ Thiên Sinh đã không ngừng khẳng định và nâng cao giá trị, chất lượng trong suốt 15 năm qua. Nếu so sánh với giải pháp sản xuất rau, củ quả thông thường thì giải pháp sản xuất rau, củ, quả hữu cơ của Trang trại Thiên Sinh đạt năng suất chỉ bằng 50%, nhưng bù lại giá thị trường đầu ra tăng lên trung bình gấp 2,5 - 3 lần. Đặc biệt, hiệu quả vô giá hơn đối với Trang trại Thiên Sinh là đã xây dựng hoàn chỉnh quy trình sản xuất hữu cơ tuần hoàn, góp phần nâng cao nhận thức và hành động bảo vệ bền vững môi trường và sức khỏe của cộng đồng.
Luống rau lơ baby hữu cơ xen canh với nhiều loại rau khác trong nhà kính |
Năm 2020, các đơn vị khoa học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức lấy mẫu phân tích các thành tố về chất lượng đất, nước, quy trình canh tác, sử dụng vật tư nông nghiệp, chất lượng sản phẩm thu hoạch…, kết quả đã cấp Chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ đối với Trang trại Thiên Sinh. Tiếp theo đó, Trang trại Thiên Sinh cũng đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng xây dựng Mô hình Chăn nuôi bò thịt hữu cơ, dự kiến hoàn thành các tiêu chí cấp chứng nhận vào năm 2023 tới.
Tính đến cuối năm 2022, Trang trại Thiên Sinh mở rộng tổng diện tích 15 ha trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ tuần hoàn tại thôn Ka Đơn, xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương. Trong đó cây rau, củ, quả hữu cơ công nghệ cao trong năm 2023 tập trung đầu tư thâm canh lên diện tích 12 ha, nâng tổng sản lượng tiêu thụ hàng ngày lên 2 tấn. Như vậy kể từ lúc khởi động trồng rau, củ, quả hữu cơ vài ngàn mét vuông tại xã vào năm 2007, nhìn lại đến nay qua 15 năm, anh Nguyễn Quốc Thắng đã tích lũy làm giàu kỹ thuật và kinh nghiệm phát triển trang trại trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ tuần hoàn của mình để sẵn lòng trao đổi, chia sẻ cho các nhà doanh nghiệp, nhà nông theo nhu cầu.
Mỗi ngày Trang trại Thiên Sinh sơ chế, đóng gói cung cấp cho thị trường trong nước khoảng 1 tấn rau, củ, quả hữu cơ các loại |
Riêng tôi với 3 lần đến trong 7 năm qua, Trang trại Thiên Sinh đã mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi từ 8 ha lên 15 ha. Trong cảnh quan môi trường ngày càng lập lại đầy đủ trạng thái hữu cơ tuần hoàn, tôi lại được hòa mình giữa màu xanh của 400 cây tùng hơn 11 năm tuổi sau khi trải nghiệm ra về. Hóa ra đây là tấm lá chắn rộng lớn để ngày đêm bảo vệ không gian sinh tồn của vật nuôi, cây trồng tuần hoàn tự nhiên của Trang trại Thiên Sinh này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin