Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang cận kề, đây là thời điểm nhu cầu về rau xanh tăng cao. Để cung ứng đủ nguồn rau, củ, quả phục vụ thị trường, các tổ hợp tác, mô hình trồng rau sạch trên địa bàn TP Bảo Lộc đang tập trung sản xuất các loại rau chủ lực, có nhu cầu tiêu thụ mạnh trong dịp Tết Nguyên đán.
Vườn rau công nghệ cao của anh Vũ Thái Hòa đã được đầu mối đặt cọc thu mua để bán Tết |
• ĐA DẠNG CHỦNG LOẠI RAU
Theo thống kê, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, người dân TP Bảo Lộc đã và đang tập trung xuống giống khoảng 100 ha rau, củ, quả các loại để phục vụ thị trường Tết. Các loại rau, củ, quả được người dân trồng tập trung chủ yếu tại các địa phương như Lộc Tiến, Lộc Châu, Đại Lào, Lộc Nga, Đam B’ri, Lộc Thanh và phường Lộc Sơn. Trong dịp Tết, các loại rau chủ lực được bà con lựa chọn trồng như rau cải bẹ, cải ngọt, cải thìa, rau cúc, hành lá, cải thảo, bí xanh, cà chua và dưa leo.
Theo ông Nguyễn Hoàn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Lộc Tiến, địa phương có diện tích rau, củ, quả khá lớn của TP Bảo Lộc, với hơn 15 ha. Trong đó, riêng Tổ hợp tác Sản xuất rau an toàn tại Tổ dân phố 1A có hơn 20 hộ tham gia. Trong vụ rau Tết này, bà con đang trồng khoảng 7 ha với các loại rau được trồng là cải ngọt, cải thìa, cải xanh, cải cúc, hành, ngò, dưa leo, mướp đắng… Bà Phan Thị Sợi, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng Rau an toàn Tổ dân phố 1A, phường Lộc Tiến, cho biết: “Hiện tại, toàn bộ diện tích trồng rau của bà con tổ viên đã phủ xanh các loại rau để phục vụ thị trường Tết. Bình thường, giá rau đạt khoảng 8 - 10 ngàn đồng/kg. Còn dịp Tết có thể tăng lên ở mức giá từ 15 - 17 ngàn đồng/kg. Rau của bà con đều liên kết với các đầu mối thu mua tại các chợ trên địa bàn TP Bảo Lộc nên không phải lo lắng về đầu ra”.
Tương tự, tại phường Lộc Sơn, trong vụ Tết này đang có khoảng 10 ha rau được trồng chủ yếu ở xóm Ruộng thuộc Tổ dân phố 9. Hiện tại, xóm Ruộng đang có hơn 20 hộ dân, sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng rau. Ông Nguyễn Nhị Đoài - Bí thư Đảng ủy phường Lộc Sơn, cho biết, đã từ lâu, nghề trồng rau ở xóm Ruộng gần như đã trở thành một nghề “truyền thống” của bà con nơi đây. Những năm gần đây, người dân đã chủ động áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nên năng suất, chất lượng các loại rau không ngừng tăng lên. Nhờ vậy, cuộc sống của bà con cũng ngày càng khấm khá hơn. Với diện tích các loại rau, củ đã xuống giống, theo ước tính trong dịp Tết này, mỗi ngày, bà con xóm Ruộng sẽ cung cấp cho thị trường Bảo Lộc từ 4 - 5 tấn rau các loại.
Cùng với các tổ hợp tác trồng rau an toàn, nhiều mô hình trồng rau, củ, quả công nghệ cao tại các địa phương như Đam B’ri, Lộc Châu, Lộc Nga và Lộc Thanh… cũng đã sẵn sàng cung cấp các sản phẩm chất lượng cao cho thị trường Tết. Đơn cử như Mô hình Trồng cà chua công nghệ cao của ông Mai Thành Nhã (thôn Đại Nga, xã Lộc Nga) hay Mô hình Trồng rau sạch theo quy trình công nghệ Israel của anh Vũ Thái Hòa (thôn Tân Hóa, xã Lộc Nga)…
• CHÚ TRỌNG CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN
Theo chia sẻ của hầu hết bà con sản xuất rau, củ, quả trên địa bàn TP Bảo Lộc, nhận thức được những tác hại của thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe người tiêu dùng, nên phần lớn bà con đều chọn sản xuất rau theo hướng hữu cơ, an toàn. Bên cạnh các mô hình trồng rau thủy canh, khí canh công nghệ cao thì người trồng rau đều chọn phân hữu cơ để bón lót làm tơi xốp đất trước khi xuống giống; đồng thời, áp dụng nhật ký sản xuất rau, củ, quả đầy đủ, rõ ràng từ khi gieo trồng đến lúc thu hoạch.
Ông Phạm Vũ Công, ngụ Tổ dân phố 1A, phường Lộc Tiến, chia sẻ: “Vụ Tết năm nay, gia đình tôi đầu tư trồng 5 sào dưa leo để bán Tết. Hiện tại, diện tích dưa leo đã bắt đầu vào thời kỳ cho trái và ước tính năng suất đạt từ 5 - 6 tấn/sào. Ngày thường, giá bỏ mối từ 8 - 9 ngàn đồng/kg. Trong vụ Tết này, trung bình mỗi sào dưa leo, tôi đầu tư khoảng 12 triệu đồng và hy vọng giá dưa sẽ đạt từ 13 - 15 ngàn đồng/kg. Nếu giá cả tốt thì mỗi sào dưa cũng giúp gia đình tôi thu lãi từ 22 - 25 triệu đồng”.
Còn ông Mai Thành Nhã đang đầu tư trồng 4 sào cà chua giống Sakata nhập từ Nhật Bản theo quy trình công nghệ cao để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2023. Hiện tại, vườn cà chua của gia đình ông đang bắt đầu cho thu hoạch bói và theo dự kiến khoảng 1 tuần tới đây sẽ chín rộ. Trung bình mỗi sào cà chua, ông Nhã trồng từ 1.000 - 1.200 cây và áp dụng kỹ thuật chăm sóc “3 trong 1” (tưới nước, bón phân và theo dõi) bằng hệ thống tự động. “Giống cà chua này thường thu hoạch 6 tháng một vụ, cho ra trái to, đều và đẹp. Trái cà Sakata có vị chua thanh ngọt, thơm ngon. Hiện tại, vườn cà chua của gia đình đã được đầu mối tại TP Hồ Chí Minh đặt mua để bán Tết. Ước tính vụ cà chua Tết năm nay sẽ mang lại nguồn thu cho gia đình khoảng 350 - 400 triệu đồng”, ông Nhã chia sẻ.
Trong khi đó, vườn rau thủy canh hơn 500 mét vuông sản xuất theo công nghệ Israel của anh Vũ Thái Hòa (thôn Tân Hóa, xã Lộc Nga) trồng các loại cải thìa, cải ngọt, mồng tơi, xà lách đang trong quá trình phát triển sẵn sàng cung ứng cho thị trường Tết. “Còn 2 tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng vườn rau của gia đình tôi đã được đầu mối tại TP Hồ Chí Minh đặt cọc thu mua. Dịp Tết, rau luôn hút hàng và bán được giá cao, vì vậy gia đình giờ chỉ tập trung chăm sóc để có rau giao cho người ta bán Tết”, anh Hòa cho hay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin