“Cũng trên diện tích này, như trước đây, gia đình tôi trồng theo phương pháp truyền thống, mùa nào rau đấy nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi làm nhà lưới, mình trồng các loại rau không bị sâu bệnh lại còn trồng được rau trái vụ nên cho năng suất, chất lượng, thu nhập cao gấp 2 - 3 lần”, ông Trần Văn Tuấn (Thôn 4, xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh) chia sẻ về Mô hình Trồng rau, hoa trong nhà lưới của gia đình.
Ông Tuấn cho rằng, việc trồng rau trong nhà lưới sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí và tăng nguồn thu nhập ổn định cho gia đình |
Là địa phương thuần nông nên phần lớn thu nhập chính của gia đình ông Tuấn hay bất kỳ bà con ở vùng đất An Nhơn phụ thuộc vào nghề trồng lúa nước. Để phát triển kinh tế trong gia đình, vợ chồng ông Tuấn chuyển sang trồng và buôn bán rau sạch tại địa phương. Đến nay, đã gần 20 năm gắn bó, nghề bán rau dần trở thành nguồn thu nhập chính trong gia đình.
Bằng kinh nghiệm của bản thân, giữa năm 2021, gia đình ông Tuấn được Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh chọn thực hiện Mô hình điểm Trồng rau trong lưới. Theo đó, tổng kinh phí để cải tạo đất trồng, xây dựng nhà lưới và hệ thống tưới nước tự động vào canh tác là hơn 230 triệu đồng; trong đó, Nhà nước hỗ trợ hơn 93 triệu đồng và gia đình tự đối ứng hơn 140 triệu đồng.
Trong quá trình triển khai thực hiện mô hình, ngoài được hỗ trợ nguồn kinh phí, ông Tuấn còn được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Nông nghiệp huyện trực tiếp về vườn tư vấn kỹ thuật, hướng dẫn các khâu sản xuất theo hướng hữu cơ, lấy phân chuồng hoai mục làm chủ lực, không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và có sự theo dõi, giám sát định kỳ 2 lần/tuần.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn rau trong nhà lưới, ông Tuấn chia sẻ: “Tháng 10/2021, nhà lưới đã hoàn thành khâu lắp đặt và tiến hành chọn loại rau để trồng bao gồm các giống xà lách, rau muống, rau dền, rau cải, tía tô, ngò, húng quế. Trồng rau theo phương pháp này, nông dân phải bỏ ra chi phí ban đầu khá lớn, chủ yếu là để đầu tư xây dựng nhà lưới. Tuy nhiên, sau một thời gian canh tác, bản thân tôi thấy được những ưu điểm vượt trội so với phương pháp sản xuất truyền thống xưa nay. Trong đó, một trong những ưu điểm lớn nhất của canh tác trong nhà lưới là hạn chế sự tác động tiêu cực của các yếu tố tự nhiên đến cây trồng như mưa, nắng, gió... giúp cây trồng phát triển tốt, không bị hư hỏng, từ đó sản phẩm khi cung ứng ra thị trường sẽ dễ bán hơn".
Ngoài ra, nhà lưới còn giúp cây trồng khỏe mạnh, phát triển nhanh, ít sử dụng phân bón và hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, các loại côn trùng, sâu bọ rất khó “lọt” vào nhà lưới để phá hoại cây trồng. Chính vì lẽ đó, Mô hình Trồng rau trong nhà lưới của gia đình ông hay bất cứ nông hộ nào cũng có thể yên tâm sản xuất.
Qua thời gian chăm sóc và thấy hiệu quả rõ rệt, ông Tuấn cho rằng rau màu trồng trong nhà lưới cho năng suất, chất lượng cao và chi phí dành để chăm bón, phun thuốc bảo vệ thực vật giảm nhiều. Rau ở ngoài nhà lưới tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời nên có màu xanh thẫm hơn, còn trong nhà lưới sẽ nhạt màu hơn. Tuy nhiên, độ lớn của cây sẽ không thua kém, giúp người tiêu dùng có thể nhận dạng và phân biệt được loại rau nào trồng trong nhà lưới, loại rau nào trồng bên ngoài nhà lưới. “Rau trồng trong nhà lưới do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên an toàn, được người tiêu dùng ưa chuộng. Nếu tính chi phí so với trồng rau thông thường, tôi chỉ tốn phần thuốc dưỡng khi rau còn nhỏ, ngoài ra không cần đầu tư khoản chi phí nào khác, tiết kiệm được 70% chi phí sản xuất cho mỗi mùa vụ” - ông Tuấn cho hay.
Rau sẽ được trồng luân chuyển theo mùa. Đối với các loại rau trồng trong nhà lưới, mẫu mã đẹp, giòn, thơm ngon, đảm bảo chất lượng và đặc biệt là sạch, an toàn. Cây rau có thời gian thu hoạch từ 30 - 45 ngày/đợt thu (tùy từng giống rau) so với trồng rau thông thường. Trung bình, vườn rau nhà lưới của gia đình ông Tuấn cho thu hoạch trên 750 kg rau/tháng đối với các loại rau. Năng suất rau tăng hơn 30% so với sản xuất rau thông thường. Trong 1 tháng, lợi nhuận kinh tế mang lại trên diện tích gieo trồng của gia đình đạt hơn 10 triệu đồng.
Bên cạnh trồng rau, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tận dụng phần đất trống của nhà lưới, gia đình ông Tuấn đã kết hợp trồng thử nghiệm 150 chậu hoa cúc vạn thọ. Tuy trồng thử nghiệm nhưng cây sinh trưởng tốt và đã được xuất bán phục vụ trong dịp Tết vừa qua với giá mỗi chậu bán ra là 25.000 đồng/chậu. Sau khi trừ chi phí các loại, ông Tuấn thu về 15.000 đồng/chậu.
Ông Bùi Trung Văn - Phó Chủ tịch UBND xã An Nhơn cho biết: Mô hình Trồng rau trong nhà lưới của gia đình ông Trần Văn Tuấn không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn góp phần thay đổi tập quán sản xuất của người dân, qua đó mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp tại địa phương. Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu khá cao so với người dân, tuy nhiên, việc làm này đã giảm được nhân lực, tiết kiệm thời gian chăm sóc và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con địa phương. Ngoài tăng nguồn thu nhập, đây cũng là dịp giúp người dân tiếp cận với những phương pháp trồng rau sạch. Cũng trong thời gian tới, chính quyền địa phương khuyến khích các hộ nông dân trao đổi, học tập kinh nghiệm và mạnh dạn đầu tư mô hình trồng rau theo hướng công nghệ cao với mục đích cung cấp nhiều nông sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng và nâng cao nguồn thu nhập cho gia đình.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin