Một buôn nhỏ vốn chỉ quen với cây lúa, cây bắp, nay đã quen với cây dâu, con tằm. Nghề tằm tang đã mang lại sự trù phú cho Đa Huynh, mảnh đất nằm lặng lẽ ven hạ lưu suối Cam Ly, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà.
Cây dâu, con tằm mang lại đời sống ấm no cho người dân Đa Huynh |
Anh K’Nhen - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tổ dân phố Đa Huynh, nơi bà con vẫn quen tên cũ - buôn Đa Huynh đưa khách xuống thăm nhà chị K’Déo, người đầu tiên trồng dâu, nuôi tằm ở buôn Đa Huynh. Cái thôn nhỏ nằm ngay thị trấn Đinh Văn, xưa nay người K’Ho sống bằng trồng lúa, trồng bắp, trồng cây cà phê. Nay người Đa Huynh đã chuyển sang nuôi tằm.
Chị K’Déo vốn là con gái Đa Huynh. Cũng như ông bà, cha mẹ của mình, chị quen trồng cây lúa, trỉa bắp, cây dâu, con tằm với chị là những cây trồng vật nuôi xa lạ. Cơ hội đến khi quê chồng của chị, buôn B’Nong Rết phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm. Về thăm gia đình chồng, chị thấy bà con khá lên vì con tằm. Vậy là chị mày mò học nghề, học cách trồng dâu, cho tằm ăn, làm tằm lên né, phơi kén, thu kén... Ban đầu còn bỡ ngỡ, nhiều lứa tằm còn hao hụt, chị không nản lòng và tiếp tục học hỏi bà con kĩ thuật chăn nuôi. Con tằm không phụ người có công, những mẻ kén trắng muốt được chị thu hoạch mỗi tháng đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Mới đó đã 5 năm, 6 sào dâu đủ cho gia đình chị nuôi mỗi tháng hai hộp tằm, thu nhập từ 20 tới 25 triệu đồng.
Từ tấm gương của chị K’Déo, bà con buôn Đa Huynh bắt đầu mày mò trồng dâu, nuôi tằm. Anh K’Nhen kể lại, thôn có 200 hộ, hộ nào cũng có diện tích ruộng nước để trồng lúa theo truyền thống người K’Ho Srê. Nhiều chân ruộng chỉ trồng được một vụ lúa vì phụ thuộc nước trời, lúa chỉ đủ cho gia đình ăn trong năm. Mọi chi tiêu sinh hoạt đều dựa vào trồng cà phê, đi làm thuê, làm mướn. Học theo gương chị K’Déo trồng dâu, nuôi tằm, bà con bỏ bớt những ruộng lúa một vụ, chuyển sang trồng dâu cao sản. Những cây dâu S7 CB có phiến lá to, năng suất tốt đã giúp bà con đủ lá để nuôi tằm. Bà con học từ những hộ người K’Ho đã nuôi tằm trước đó, học từ các hộ người Kinh ở các thôn lân cận. Rồi UBND thị trấn Đinh Văn cũng mở các lớp tập huấn trồng dâu nuôi tằm cho người Đa Huynh. Bà con đã biết nuôi tằm trên giá, dùng máy cắt lá dâu, biết canh nhiệt độ để con tằm khỏe mạnh nhất.
Trồng dâu, nuôi tằm, người Đa Huynh vẫn không quên cây lúa. Nhà nào cũng có từ hai sào tới cả ha trồng lúa. Với giống cao sản OM 4900, bà con thu được trung bình 5 tạ/vụ/sào, dư lúa ăn quanh năm. Tiền từ bán kén, làm thuê, trồng cà phê... được bà con để dành xây nhà, mua xe, cho con cái tới trường, mua sắm các vật dụng sinh hoạt. Đa Huynh hôm nay đường sá khang trang, nhà cửa được xây dựng rộng rãi, kiên cố. Chị K’Mi, một hộ nuôi tằm trong thôn cho biết, bà con nuôi tằm rất đoàn kết, cùng hỗ trợ dâu, hộ có dư chia bớt cho hộ thiếu. Giống tằm con cũng được chia sẻ, nhà tằm nào cho giống tốt, đơn vị thu mua nào cho giá cao, bà con đều chia sẻ cho nhau. Những người có kỹ thuật tốt hướng dẫn những người mới nuôi, chỉ cách để con tằm lên né đẹp, kén tằm cứng, năng suất cao. Cũng vì vậy, người Đa Huynh càng ngày càng phát triển rộng diện tích dâu tằm. Nhiều bạn trẻ đã tham gia trồng dâu, nuôi tằm, ứng dụng thêm nhiều kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm hiện đại tăng năng suất và chất lượng kén tằm. Anh K’Nhen chia sẻ, từ khi nuôi tằm, người Đa Huynh khá lên rõ rệt. Một lứa tằm chỉ có 17 ngày từ khi mang tằm về cho tới khi được gỡ kén. Chỉ cần cho tằm ăn lá dâu đầy đủ, giữ vệ sinh, tránh ruồi là bà con đã có những ký kén trắng muốt. Từ bốn năm trở lại đây, giá kén trên địa bàn huyện Lâm Hà đều giữ ổn định ở mức khá cao. Vì vậy, người Đa Huynh có nguồn thu rất tốt từ tằm. Theo anh K’Nhen, Đa Huynh có xấp xỉ 200 hộ gia đình thì đã có trên 100 hộ trồng dâu, nuôi tằm. Số hộ trồng dâu, nuôi tằm đang ngày càng tăng, chứng minh cho sức hút từ vật nuôi này, vật nuôi đã mang lại no ấm cho mảnh đất ven sông.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin