Với chiến lược ngoại giao kinh tế giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030, Lâm Đồng đã và đang xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ với một bản kế hoạch cụ thể.
Đại diện tổ chức JICA, Nhật Bản làm việc cùng Hiệp hội Hoa Đà Lạt |
Tỉnh Lâm Đồng xác định rõ mục tiêu: Tạo sự thống nhất và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Đồng thời, phát huy vai trò tiên phong của ngoại giao kinh tế trong việc huy động nguồn lực bên ngoài, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng cường tiềm lực, sức cạnh tranh và năng lực thích ứng của nền kinh tế, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả. Bám sát các nội dung chỉ thị của Ban Bí thư, nghị quyết của Chính phủ, đảm bảo việc tổ chức chỉ đạo điều hành và triển khai, thực hiện đồng bộ, hiệu quả, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ XI đề ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cũng nêu rõ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về ngoại giao kinh tế triển khai trong giai đoạn 2022-2026 bao gồm: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về công tác ngoại giao kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, chủ động thu hút nguồn lực từ bên ngoài nhằm tạo động lực tăng trưởng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng; đẩy mạnh công tác nghiên cứu dự báo, đánh giá, tham mưu chiến lược về kinh tế quốc tế; gắn kết, trao đổi thông tin với người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành và bố trí nguồn lực triển khai công tác đối ngoại và ngoại giao kinh tế; tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ và tạo thế đan xen lợi ích kinh tế với các đối tác truyền thống.
Hiện tại, tỉnh Lâm Đồng đã quan hệ hợp tác hữu nghị với các đối tác thiết lập quan hệ cấp địa phương như: tỉnh Champasak và tỉnh Bolykhamxay (CHDCND Lào), tỉnh Đông Flanders (Bỉ), vùng Occitanie (Pháp), thành phố Guri (tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc)… Các tổ chức quốc tế, các đối tác nước ngoài có quan hệ hợp tác như: Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối thịnh vượng chung - Australia (CSIRO)...
Trong giai đoạn tới, tỉnh tiếp tục tranh thủ các quan hệ chính trị đối ngoại để thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế phục vụ phát triển. Từ đó, mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ, tạo chuyển biến thực chất, chú trọng tính hiệu quả trong quan hệ kinh tế với các đối tác. Thông qua sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam thiết lập mối quan hệ hợp tác, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến với tỉnh Lâm Đồng, hợp tác khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương. Tiếp tục tìm hiểu, kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác với địa phương các nước theo lộ trình chiến lược hội nhập quốc tế của tỉnh trên từng lĩnh vực như: kinh tế số, thương mại số, đầu tư và hợp tác chuyên ngành..., trong đó lựa chọn các lĩnh vực, địa phương, các nước có thế mạnh phù hợp với lợi thế của tỉnh để nghiên cứu ký kết hợp tác, phát huy và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế. Từ đó, tạo chuyển biến trong việc đôn đốc, triển khai hiệu quả các thỏa thuận quốc tế đã ký kết. Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong các hoạt động đối ngoại lớn của tỉnh để thúc đẩy các kết quả, dự án cụ thể. Thu hút, tranh thủ các nguồn lực phục vụ phát triển; xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị xúc tiến vận động viện trợ phi Chính phủ tại địa phương; tiếp tục triển khai Chương trình Xúc tiến vận động viện trợ phi Chính phủ nước ngoài của tỉnh Lâm Đồng.
Trong xu thế chung của hội nhập, Lâm Đồng đã có định hướng chọn những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh luôn đổi mới, linh hoạt, thích ứng các điều kiện, từ đó bám sát thực tiễn diễn biến nhanh; đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng. Thời gian qua, tỉnh cũng đã nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính, bớt rườm rà thủ tục; nhạy bén tình hình, nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế; đánh giá, nhận định và đưa ra đối sách đúng. Với định hướng của Chính phủ: tìm điểm cân bằng, hài hòa giữa tỷ giá và lãi suất; giữa tăng trưởng và lạm phát; điểm dung hòa tình hình trong nước và ngoài nước; chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; khi xây dựng các thể chế phải tham khảo ý kiến các đối tượng chịu tác động. Tình hình thay đổi thì đối sách phải thay đổi kịp thời; kịp thời phổ biến các quy định mới về thương mại của nước sở tại cho doanh nghiệp và người sản xuất; tăng cường xúc tiến thương mại, đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp; tiếp tục thúc đẩy các ngành kinh tế đối ngoại, nhất là du lịch quốc tế, xuất khẩu…
Với kế hoạch triển khai công tác ngoại giao kinh tế trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030, đã cho thấy nỗ lực tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; đẩy mạnh vận động, thu hút nguồn lực từ bên ngoài nhằm củng cố các động lực tăng trưởng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm của tỉnh Lâm Đồng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin