Giai đoạn năm 2019 - 2023, toàn huyện Lâm Hà mới đạt kết quả giải ngân gần 250 triệu đồng nguồn vốn Đề án Phát triển bền vững dâu tằm tơ Lâm Đồng, tương ứng với tỷ lệ gần 27% kế hoạch.
Cụ thể, toàn huyện Lâm Hà trong năm 2020 giải ngân chưa đến 100 triệu đồng hỗ trợ chuyển đổi giống cây dâu tằm năng suất, chất lượng cao cho 125 hộ với gần 29 ha, bằng 21,2% kế hoạch.
Tương tự, năm 2021, nguồn vốn hỗ trợ này giải ngân tăng lên gần 150 triệu đồng cho 135 hộ với gần 30 ha, nhưng chỉ mới đạt 59,4% kế hoạch.
Trong khi đó, cũng trong 2 năm 2020, 2021 với tổng kinh phí phân bổ hỗ trợ khoảng 470 triệu đồng nâng cấp cơ sở nuôi tằm con tập trung công nghệ cao, xây dựng mô hình tự động hóa, cơ giới hóa trồng dâu, nuôi tằm ở huyện Lâm Hà không thực hiện được do không có hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã đăng ký tham gia.
Đề án đến năm 2022 không cấp kinh phí hỗ trợ. Năm 2023 phân bổ 200 triệu đồng hỗ trợ mở rộng cơ sở nuôi tằm con tập trung công nghệ cao, huyện Lâm Hà đang khảo sát chọn lựa hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia.
Theo UBND huyện Lâm Hà, với nguồn vốn hỗ trợ một lần tỷ lệ kinh phí 30% nâng cấp, mở rộng cơ sở nuôi tằm con tập trung công nghệ cao, 50% cơ giới hóa trồng dâu nuôi tằm, tối đa không quá 70 triệu đồng/mô hình là còn thấp, nên hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã không tham gia, dẫn đến tỷ lệ giải ngân đề án không đạt kế hoạch nêu trên.
Bên cạnh đó, tình trạng sản xuất dâu tằm tơ ở huyện Lâm Hà vẫn còn thói quen chạy theo thời vụ, giá cả, thị trường, thiếu gắn kết theo chuỗi giá trị giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà phân phối trên thị trường…
Để khắc phục những hạn chế trong triển khai Đề án Phát triển bền vững dâu tằm tơ thời gian tới, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng nên chăng điều chỉnh tỷ lệ các hạng mục hỗ trợ phù hợp hơn với thực tế sản xuất của từng địa phương. Đồng thời nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển chuỗi liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng ổn định lâu dài…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin