(LĐ online) - Cái nắng có phần chói chang những ngày đầu hè như tô thắm thêm cho nụ cười của những người nông dân trên cánh đồng trĩu hạt.
Những con đường bê tông nội đồng giúp bà con thuận lợi hơn trong sản xuất nông nghiệp |
Nhờ đồng loạt xuống giống sản xuất vụ lúa Đông Xuân năm 2023 khá sớm, đúng thời vụ, chăm sóc tốt nên năng suất lúa khá cao, nông dân thêm phấn khởi.
Lúa nước ở Đam Rông chủ yếu tập trung tại khu vực ba xã Đạ M’rông, Đạ Tông, Đạ Long. Với đặc thù địa hình có nhiều sông suối xen kẽ, có một số đá, nên các vùng lúa bị chia cắt thành các cánh đồng lớn, tiêu biểu như cánh đồng Liêng Trang 1, Cil Mup, Đạ Nhinh 1, 2 (xã Đạ Tông), cánh đồng thôn Đa Xế, Đồng Cọp (xã Đạ M’rông)…
Tại một số cánh đồng ruộng bậc thang, diện tích nhỏ khó đưa máy gặt xuống nên người dân vẫn dùng liềm, cắt tay khi thu hoạch |
Nhìn từ trên cao, những khoảnh ruộng nhỏ san sát, liền kề, trên triền dốc thoai thoải, dễ khiến người ta liên tưởng đến mùa vàng trên những thửa ruộng bậc thang của núi đồi nơi vùng cao Tây Bắc. Tuy không uốn lượn quanh co, những mảnh ruộng bậc thang mùa lúa chín nơi đây cũng tạo nên một bức tranh thiên nhiên vô cùng sống động.
Những đứa trẻ theo cha mẹ ra đồng khi nghỉ hè |
Từ bao đời nay, người dân tộc Cil và M’Nông cùng sinh sống tại khu vực này đã tạo nên một vùng bản sắc văn hóa truyền thống đa dạng. Bên cạnh lúa rẫy truyền thống, từ khoảng 20 năm nay, chính quyền địa phương chuyển giao kỹ thuật và vận động Nhân dân làm quen với cây lúa nước, vừa để đảm bảo phát triển đời sống kinh tế.
Niềm vui bên những bông lúa trĩu hạt |
Ông Trần Tấn Hưng - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông cho biết, tuy diện tích ở lúa ở Đam Rông không nhiều như một số địa phương khác nhưng hiện nay lúa vẫn là một trong những cây trồng chủ lực ở địa phương. Nhờ đó, vấn đề lương thực ở địa phương phần nào được đảm bảo.
Từ năm 2015, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND huyện và các xã tiến hành các biện pháp chỉ đạo, vận động Nhân dân thực hiện đồng trà, đồng vụ. Chính quyền địa phương đã chỉ đạo khung thời vụ, chọn giống phù hợp và năng suất, hướng dẫn bà con cách chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh…
Nhờ được chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng lúa nước, xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng; bên cạnh đó, hỗ trợ các giống lúa năng suất, trang thiết bị máy móc, thực hiện các mô hình lúa chất lượng cao… đã phần nào giải quyết được bài toán thiếu lương thực vào mùa giáp hạt, giúp bà con dân tộc thiểu số ổn định đời sống.
Niềm vui được mùa lúa |
Trước đây, với lối canh tác du canh du cư, sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm đã vô hình trung tạo ra những khó khăn trong việc đảm bảo đưa nước tới chân ruộng cũng như các nguy cơ sâu, bệnh hại trên cây lúa.
Để nâng cao năng suất, ngành nông nghiệp tập trung hướng dẫn, vận động người dân tập sản xuất lúa đồng trà, đồng vụ, tổ chức các buổi lễ xuống đồng với sự tham gia của chính quyền địa phương.
Các thành viên trong dòng họ thực hiện đổi công mỗi mùa thu hoạch |
Cũng nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mà năng suất lúa trung bình cũng tăng lên, có diện tích tăng hơn từ 1,5 – 2 tấn/ha. Nhờ đó mà đời sống của Nhân dân đã phần nào được cải thiện, những mùa đói giáp hạt cũng đã đi qua, tạo tiền đề để thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Việc thu hoạch lúa giờ đây đỡ vất vả hơn trước nhờ sự hỗ trợ của máy móc. Tại một số cánh đồng bằng phẳng, máy xuống tận ruộng, quá trình thu hoạch và vận chuyển lúa từ ruộng cũng dễ dàng hơn nhờ hệ thống đường nội đồng, xe máy, xe công nông đi lại, chuyên chở thuận tiện.
Đối với các khu vực ruộng bậc thang, người dân vẫn sử dụng phương pháp gặt tay, gánh, tuốt lúa truyền thống. Đây cũng là dịp để các thành viên trong dòng họ, xóm làng đổi công giúp nhau, duy trì mối quan hệ tốt đẹp trong cộng đồng dân cư.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin