Xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng có đến 90% hộ dân làm nông nghiệp. Do đó, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của bà con Nhân dân ở địa phương vùng sâu, vùng xa này.
Vườn chanh dây của anh Hồ Đăng Thành được chuyển đổi từ cây cà phê năng suất thấp |
Ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện, tổng diện tích gieo trồng của xã là trên 1.700 ha. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi đang được dịch chuyển theo hướng khai thác tiềm năng, thế mạnh, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật, phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Hướng đến nâng cao sản lượng, chất lượng cây trồng, vật nuôi, làm tăng thu nhập cho gia đình và xã hội.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn xã đã có 8 hộ tại thôn Ma Bó và thôn Chơ Rung chuyển đổi diện tích đất lúa 1 vụ kém hiệu quả sang trồng cây củ năng với diện tích 1,8 ha. Bên cạnh đó, xã Đa Quyn đã thành lập Tổ hợp tác Trồng dâu, nuôi tằm tại thôn Chơ Rung với 6 thành viên.
Ngoài ra, Hội Nông dân xã tiếp tục vận động, hỗ trợ Nhân dân tham gia mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp như mô hình liên kết trồng cây mắc ca với diện tích 3,5 ha với sự tham gia của 6 hộ. Các hộ dân trên địa bàn xã còn liên kết trực tiếp với các thương lái trong và ngoài địa phương để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như cà phê, chanh dây, sầu riêng, rau, quả các loại.
Hiện tại, xã Đa Quyn có 90,15 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đang chăm sóc vườn chanh dây trĩu quả, ông Hồ Đăng Thành (thôn Toa Cát) chia sẻ, 6 sào đất trước đây trồng cà phê cho năng suất thấp được ông chuyển đổi sang trồng ớt và cà chua. Từ tháng 3 năm nay, ông tiếp tục đầu tư, cải tạo vườn để trồng 640 gốc chanh dây. 2 tháng trở lại đây, vườn đã bắt đầu cho trái bói. Ông Thành cho hay: “Nếu có vốn đầu tư và có kinh nghiệm thì việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với phương thức canh tác truyền thống. Đồng thời, có thể chủ động kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất thận trọng khi chuyển đổi vì giá cả nông sản vẫn còn khá bấp bênh, chưa ổn định”.
Bà Ma Thạnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Quyn cho biết, để giúp hội viên nông dân có vốn đầu tư phát triển sản xuất, Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đức Trọng cho hội viên vay vốn. Bên cạnh các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, Hội cũng phát huy tốt nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để xây dựng mô hình liên kết trong phát triển kinh tế hộ gia đình với Dự án Chăn nuôi, vỗ béo bò thịt.
Theo bà Ma Thạnh, trước đây, bà con tại địa phương có thói quen nuôi trâu, bò thả rông. Từ năm 2021, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân với số tiền 600 triệu đồng, 12 hộ dân tại 3 thôn Chơ Rung, Ma Bó và Tơ Mrang đã có điều kiện để mua bò về nuôi. Đồng thời, xây dựng chuồng trại, trồng cỏ, nuôi theo mô hình khép kín.
Sau hơn 2 năm tham gia dự án, ông Cil Yũ Ha Phúc (thôn Ma Bó) khẳng định: “Việc nuôi nhốt bò trong chuồng rất hiệu quả vì tôi tiết kiệm được nhiều thời gian chăn bò thả rông. Trồng hơn 3 sào cỏ, tôi chỉ cần tranh thủ 1 tiếng mỗi ngày để cắt cỏ, sau đó đi làm việc khác. Đồng thời, tận dụng được phân bò để trồng trọt”. Từ nguồn vay 50 triệu đồng của Quỹ Hỗ trợ nông dân để mua được 3 con bò giống, đến nay, gia đình ông Ha Phúc đã đầu tư thêm với đàn bò 8 con. Để trang bị kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho bà con Nhân dân, Hội Nông dân xã Đa Quyn thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và định hướng chăn nuôi hữu cơ cho các hộ dân. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với các tổ chức, ban, ngành mở các lớp hội thảo, tập huấn cho hội viên nông dân có kiến thức khoa học - kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, như hội thảo phân bón, hội thảo đầu bờ...
Từ việc chủ động tăng gia sản xuất, tích cực ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã Đa Quyn giảm còn 3,29%. Bà con đã mạnh dạn chuyển đổi, tuy nhiên, theo bà Ma Thạnh, nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn như thiếu chuỗi liên kết, đầu ra thiếu ổn định. Bên cạnh đó, là xã vùng sâu, vùng xa nên vẫn còn tình trạng nông sản bị thương lái ép giá. Do đó, xã Đa Quyn vẫn đang mong muốn và cố gắng xây dựng, cũng như phát triển các chuỗi liên kết trong thời gian tới để bà con có thể phát triển nông nghiệp, vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin