Vườn cam cara đầu dòng trong nhà kính

DIỆP QUỲNH 05:43, 08/09/2023

Cam cara, thứ cam nổi tiếng với hương vị chua - ngọt đậm đà, với màu ruột đỏ đặc trưng là sản vật danh tiếng của đất Lâm Đồng. Và khá đặc biệt, cây cam cara được trồng trong nhà lưới đã mang lại năng suất và chất lượng cao, đồng thời, trở thành vườn cam đầu dòng trên đất Đơn Dương.

Vườn cam cara nhà lưới của anh Lê Văn Tuấn
Vườn cam cara nhà lưới của anh Lê Văn Tuấn

Gia đình anh Lê Văn Tuấn, thôn Đông Hồ, xã Pró đang cắt cam. Diện tích 6 sào cam cara tuổi lên 6 đang cho thu hoạch hàng tấn trái/vụ cắt. Điều đặc biệt, cam nhà anh được trồng trong nhà lưới, với sự chuyển giao trực tiếp của ông Mai Viết Phương, Việt kiều Australia, người đã mang cây cam cara về cho nông dân Lâm Đồng.

Anh Lê Văn Tuấn kể lại, 6 năm trước, anh được ông Mai Viết Phương và các cộng sự tới thăm, kiểm tra đất đai của gia đình. Nhận thấy mảnh đất triền thoai thoải hợp với cây cam, ông Phương chuyển giao giống, kỹ thuật canh tác chuẩn cho gia đình. Điều khá đặc biệt là cây cam cara, khác với các dòng cam nội địa hoặc cam navel, rất thích hợp để trồng trong nhà lưới, dưới mái che bóng. Anh Tuấn chia sẻ: “Trồng trong nhà lưới cây cam lớn rất nhanh, chỉ 2 năm sau trồng đã cho trái, 3 năm là gia đình sống được với cây cam. Hiện, cây cam 6 năm tuổi gốc rất to, cây sai trái quanh năm. Và trái cam trồng trong nhà lưới khác hẳn với cam trồng ngoài trời”.

Quả thật, cầm trái cam thu hoạch từ vườn của anh Lê Văn Tuấn thấy rõ sự thích hợp của cây cam nhà kính. Thay vì trái cam nhỏ, vừa thì trái cam cara trồng trong nhà kính rất to, trung bình 350 gr/trái, 3 - 4 trái là được một kí cam. Cắt ngang trái vẫn giữ được màu đỏ cam đặc biệt, vị ngọt - chua đậm đà. Anh Tuấn chia sẻ, trồng cam cara trong nhà lưới còn có ích lợi ở chỗ cây cam không bị côn trùng gây hại, không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều. Tốc độ lớn của cam cara nhà lưới cao hơn trồng ngoài trời tới 30%. Cây cũng rất dễ chăm sóc, cần rất ít nước. Theo anh Tuấn, mùa nắng gắt, cây cam cần tưới 2 lần/tuần, mùa mưa không cần tưới. Cây ưa phân hữu cơ nên anh cho cây “ăn” phân thường xuyên. Phân hữu cơ giúp đất tơi xốp, bộ rễ phát triển mạnh, cây ra hoa, kết quả rất tốt.

Hiện tại, với 6 sào cam lên 6 đang thời kì rộ, anh Tuấn thu được trung bình 150 kg cam/cây. Với trên 300 gốc cam, anh Tuấn thu được xấp xỉ 400 tấn trái/năm. Giá bán của cam cara thu tại vườn là 50 ngàn đồng/kg, đã có hợp đồng bao tiêu với một doanh nghiệp, sau khi trừ hết chi phí, anh thu được khoảng 500 triệu đồng/năm. Bởi vậy, anh Tuấn đã tiếp tục trồng thêm vườn cam cara nhà lưới với diện tích 4 sào. Đánh giá sau một vài năm, khi vườn cam nhỏ đến tuổi thu hoạch, anh sẽ có 60 tấn cam/năm. Anh Tuấn nhận xét, so với một số cây ăn trái khác, cây cam cara dễ trồng, dễ đầu tư, nhanh thu hồi vốn. Nhà lưới trồng cam chỉ cần đầu tư 17 - 20 triệu đồng/sào, giống từ 225 - 250 ngàn đồng/cây. Mức tổng đầu tư chỉ gần 35 - 40 triệu đồng/sào, chỉ cần 5 năm là thu hồi đủ vốn. Cây cam cara có thể cho trái 25 năm, về sau người nông dân chỉ cần chăm sóc là có thu hoạch. Đặc biệt, do đặc thù địa lý, vì là cam vùng cao nên cam cara ít chịu ảnh hưởng cạnh tranh từ những vùng cam khác, giá ổn định trong nhiều năm. Cây cam cara cũng cho trái quanh năm, vụ chính vào tháng sát tết âm lịch nên người nông dân có cam cung ứng liên tục, thuận lợi cho thu nhập.

Được biết, vườn cam của anh Lê Văn Tuấn trực tiếp được chuyển giao từ ông Mai Viết Phương, với nguồn giống chuẩn và chế độ chăm sóc tốt. Bởi vậy, đây là khu vườn được rất nhiều nông hộ có nhu cầu trồng cam từ Lâm Đồng và các tỉnh lân cận tới học tập. Đây cũng là khu vườn đạt chuẩn lấy giống, với nguồn chồi sạch bệnh, chuẩn giống để nhân rộng giống cam. Bà Lê Thị Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Đại Nghĩa (xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương), đối tác của ông Mai Viết Phương, doanh nghiệp chuyên làm giống cho biết, chồi giống cam cara do Công ty Đại Nghĩa sản xuất đều lấy từ vườn của anh Lê Văn Tuấn. Vườn cũng vừa được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng công nhận vườn cam cara đầu dòng, là một trong những vườn đầu dòng chất lượng cao, là nơi lấy chồi nhân giống, cho ra đời những cây cam cara khỏe mạnh, giúp người nông dân canh tác tốt hơn. Bà Lê Thị Nghĩa đánh giá: “Triển vọng cây cam cara có thể nói là rất khả quan. Đây là giống cam ăn ngon, dinh dưỡng cao, lại rất phù hợp với vùng sinh thái các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh của Lâm Đồng. Không chỉ trồng trong nhà lưới, nông dân cũng có thể trồng ngoài trời. Và vườn giống của anh Lê Văn Tuấn cung cấp cho chúng tôi nguồn giống khỏe mạnh, sạch bệnh, đảm bảo cây giống cam cara chất lượng phục vụ việc mở rộng diện tích cam cara trên địa bàn Tây Nguyên”.