Nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu ở Di Linh

NGỌC NGÀ 06:13, 14/09/2023

Xác định rõ tiềm năng về cây dược liệu trên địa bàn, huyện Di Linh đã triển khai những nhiệm vụ cụ thể để phát triển cây dược liệu.

Di Linh có khoảng 84 ngàn ha rừng đó là tiềm năng lớn để địa phương này phát triển mạnh mẽ cây dược liệu
Di Linh có khoảng 84 ngàn ha rừng đó là tiềm năng lớn để địa phương này phát triển mạnh mẽ cây dược liệu

Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng dược liệu cung cấp cho công nghiệp dược và y dược học cổ truyền trong và ngoài nước ngày càng tăng. Bởi vậy, năm 2021, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tỉnh Lâm Đồng cũng đã xây dựng Đề án Phát triển sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ dược liệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. Đó là cơ sở quan trọng để các địa phương, trong đó có huyện Di Linh, xác định tiềm năng và triển khai hướng phát triển cây dược liệu phù hợp với đặc thù từng địa phương.. 

Ông Vũ Hồng Long - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Di Linh thông tin: Di Linh có khoảng 84 ngàn ha rừng và 67 ngàn ha đất canh tác nông nghiệp được phân bố theo các tiểu vùng khí hậu. Đó là điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển các chủng loại dược liệu có giá trị dược tính cao. Hiện, trong tự nhiên Di Linh có nhiều loài dược liệu có tên trong sách đỏ Việt Nam như: đẳng sâm, hà thủ ô đỏ, hoàng liên ô rô, lan gấm... 

Theo ông Trần Nhật Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, địa phương  xác định việc khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Từng bước đưa cây dược liệu trở thành một trong những sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có giá trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện và nâng cao thu nhập cho người dân. 

Hiện, việc phát triển cây dược liệu được huyện Di Linh triển khai theo hai hướng gồm: Bảo tồn, khai thác bền vững nguồn dược liệu tự nhiên và phát triển vùng trồng dược liệu. Địa phương  đã tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng cụ thể một số khu vực rừng tự nhiên để xác định sự phân bố, trữ lượng, chủng loại một số loài dược liệu để xây dựng kế hoạch bảo tồn phù hợp. Đồng thời, triển khai các quy định việc quản lý, bảo tồn, khai thác dược liệu dưới tán rừng để các địa phương, đơn vị chủ rừng thực hiện. Việc khai thác  của các đối tượng được cho phép (bao gồm chủ rừng, hộ nhận khoán, Nhân dân trong vùng…) phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chí bền vững. Đơn cử như tại rừng phòng hộ Hòa Bắc - Hòa Nam sẽ thực hiện bảo tồn những loại dược liệu, gồm: Các loài trà hoa vàng, sâm cau, chè dây, sâm bố chính, xáo tam phân với quy mô khoảng 100 ha rừng.

Đối với hướng đi phát triển vùng trồng dược liệu, huyện Di Linh thực hiện theo hai hướng gồm: trồng dược liệu dưới tán rừng và trồng dược liệu trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Việc trồng dược liệu dưới tán rừng được huyện Di Linh thực hiện đối với các loại dược liệu sinh trưởng phù hợp dưới các loại tán rừng khác nhau. Cụ thể, đối với rừng lá rộng sẽ ưu tiên phát triển các loại cây dược liệu như: đinh lăng, trà hoa vàng, hà thủ ô đỏ, xáo tam phân, nghệ đen, gừng, chè dây… Còn dưới tán rừng lá kim sẽ phù hợp để phát triển các giống cây dược liệu như: đẳng sâm, nghệ đen, gừng, thiên niên kiện, xáo tam phân, hoàng đằng, sâm cau, húc khắc… Việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng được thực hiện bằng các giải pháp trồng dưới tán và trồng xen kẽ tại các quỹ đất trống nhỏ lẻ, manh mún trong rừng, chân đồi, ven sông, suối thuộc quỹ đất lâm nghiệp. UBND huyện Di Linh cho biết, địa phương phấn đấu đến năm 2025 phát triển 67 ha dược liệu trồng dưới tán rừng.

Đối với việc phát triển dược liệu trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp, hiện huyện Di Linh đang tiếp tục rà soát, chuyển đổi 150 ha đất nông nghiệp kém hiệu quả (có giá trị sản xuất dưới 50 triệu đồng/ha/năm) và diện tích cây nông nghiệp khác có hiệu quả kinh tế thấp hơn sang trồng các loại cây dược liệu phù hợp như: đương quy, đẳng sâm, các loại nấm dược liệu, diệp hạ châu,… 

Để từng bước phát triển cây dược liệu, huyện Di Linh đang đẩy mạnh tuyên truyền trong toàn dân về khai thác bền vững các nguồn dược liệu trong tự nhiên và việc trồng cây dược liệu tại những vị trị thích hợp. Địa phương khuyến khích nông dân chuyển đổi một số diện tích trồng cây ngắn ngày có giá trị kinh tế thấp sang trồng dược liệu. Các xã và thị trấn Di Linh đang tiến hành rà soát những khu vực có điều kiện thuận lợi để triển khai trồng các loại dược liệu phù hợp với khí hậu, đất đai, sinh thái của từng vùng. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn tham gia chuyển đổi các diện tích sản xuất có năng suất thấp sang sản xuất các loại dược liệu, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất dược liệu và liên kết với người dân để phát triển dược liệu bền vững.

Bên cạnh đó, huyện Di Linh cũng yêu cầu Hạt Kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng rà soát, đánh giá, dự kiến các vị trí đất lâm nghiệp có thể phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, xây dựng kế hoạch phát triển cây dược liệu trên những diện tích rừng mà đơn vị quản lý. Đồng thời, hướng dẫn, vận động người dân đang nhận khoán bảo vệ rừng tham gia bằng cách khoanh nuôi tái sinh làm giàu rừng và khuyến khích trồng một số loài dược liệu phù hợp dưới tán rừng để bảo vệ, phát triển rừng bền vững và nâng cao hiệu quả kinh tế từ rừng.

Song song với việc khơi dậy nguồn lực trong Nhân dân, huyện Di Linh cũng đẩy mạnh kêu gọi đầu tư và chuẩn bị sẵn sàng các vấn đề về kỹ thuật, quản lý, xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường để từng bước đưa cây dược liệu có chỗ đứng vững chắc trong cơ cấu phát triển nông nghiệp của địa phương và góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng đời sống người dân.