Nông nghiệp Đà Lạt và lộ trình ''đi trước đón đầu''

NGUYỆT THU 06:11, 14/09/2023

Nhiều năm gần đây, nền nông nghiệp TP Đà Lạt đã luôn tiên phong “đi trước đón đầu” về công nghệ mới. Qua đó, giúp nông dân Đà Lạt nâng cao trình độ canh tác, mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tạo doanh thu ngày càng bền vững.

Nông dân Đà Lạt luôn biết “đi trước đón đầu” ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại để nâng cao giá trị nông sản
Nông dân Đà Lạt luôn biết “đi trước đón đầu” ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại để nâng cao giá trị nông sản

Bên cạnh yếu tố “ thiên thời - địa lợi” mà trời phú cho Đà Lạt thì yếu tố tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật hiện đại, mạnh dạn đầu tư, xây dựng mô hình mới, cách làm mới, gắn với cây trồng phù hợp là điều mà những người nông dân Đà Lạt luôn hướng tới.

Trên cơ sở định hướng chiến lược và chỉ đạo kịp thời của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân Đà Lạt tích cực phát triển sản xuất, ngày càng tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao mang thương hiệu Đà Lạt.

Đặc biệt, nhờ công tác tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Đà Lạt lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 27/10/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng, Nghị quyết số 06-NQ/ThU ngày 24/12/2021 của Thành ủy Đà Lạt về phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP Đà Lạt giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; các cấp ủy đảng, Mặt trận, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện. Đến nay, các nghị quyết của Đảng đã từng bước đi vào thực tiễn sản xuất và đời sống của người dân. Qua đó, góp phần quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao, tạo ra những sản phẩm có năng suất, chất lượng cao.

Kinh tế nông nghiệp Đà Lạt chuyển dịch đúng hướng, các chương trình, dự án khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao được thành phố quan tâm chỉ đạo triển khai; quan hệ sản xuất đã được củng cố, đổi mới; từng bước hình thành các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị. Thương hiệu nông sản, thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” ngày càng khẳng định; rác thải nông nghiệp đã được thu gom và xử lý; các làng hoa đã được đầu tư, phát triển theo lộ trình; các điểm du lịch nông nghiệp trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách.

Theo báo cáo, đến nay, toàn TP Đà Lạt giá trị xuất khẩu ngành Nông - lâm - thủy theo giá hiện hành đạt 5.091 tỷ đồng. Trong đó, ngành Nông - lâm chiếm 13.96% cơ cấu kinh tế. Tổng diện tích hoa ứng dụng công nghệ cao là 1.986 ha. Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên một đơn vị diện tích đạt khoảng 970 triệu đồng/ha/năm.

Về sản phẩm rau Đà Lạt, theo thống kê của cơ quan chức năng thành phố, diện tích gieo trồng rau hiện đạt 10.548 ha, sản lượng 441.961 tấn rau các loại. Trong đó, diện tích rau ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 2.773 ha. Đặc biệt, với sản phẩm dâu tây Đà Lạt hiện nay bà con đã gieo trồng đạt 160 ha, trong đó khoảng 140 ha dâu tây được ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao như sử dụng giống dâu tây mới năng suất, chất lượng ngon và ngọt hơn, trồng trong nhà kính, sử dụng chăm sóc, bón phân, tưới nước qua hệ thống nhỏ giọt… cho giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân của dâu tây theo phương pháp ứng dụng công nghệ cao đạt từ 3 - 4 tỷ đồng/ha/năm.

Bên cạnh đó, nông nghiệp Đà Lạt vẫn giữ các sản phẩm chủ lực như chè với diện tích khoảng 236,85 ha, trong đó có khoảng 230 ha chè được bà con ứng dụng công nghệ cao, sản lượng đạt 3.032 tấn. Cà phê vẫn được duy trì 5.156 ha với sản lượng đạt. 9.660 tấn khô, trong đó có khoảng 1.811 ha cà phê ứng dụng công nghệ cao.

Năm 2022, thành phố đã thực hiện 34 mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ với tổng kinh phí là 2,17 tỷ đồng. Phát triển đa dạng về mẫu mã, nâng cao về chất lượng của các mặt hàng nông sản của địa phương thông qua chương trình OCOP, hỗ trợ bao bì cho 11 đơn vị với kinh phí 1,795 tỷ đồng.  Kết quả có 57 sản phẩm  được chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó 2 sản phẩm 5 sao. Hỗ trợ hình thành 2 điểm giới thiệu và bán hàng sản phẩm OCOP. Đến nay, tổng diện tích ứng dụng công nghệ cảm biến, điều khiển qua hệ thống công nghệ thông tin đạt 60 ha. 

Ngoài các công nghệ đã được áp dụng rộng rãi trong sản xuất như nhà kính, nhà lưới, tưới tự động...; các công nghệ mới như canh tác thủy canh, khí canh đạt 30 ha, công nghệ IoT đạt 300 ha, nông nghiệp hữu cơ đã và đang từng bước được người nông dân, doanh nghiệp, tổ hợp tác ứng dụng trong sản xuất.

Dưới sự chỉ đạo của tỉnh, thành phố, các phòng chức năng của thành phố đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, sử dụng phát huy mạnh mẽ thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, nhãn hiệu “Cà phê Cầu đất”, nhãn hiệu “Hồng Đà Lạt”, nhãn hiệu “Dâu tây Đà Lạt”. 

Đến nay, Phòng Kinh tế đã tham mưu cấp nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được 768 nhãn hiệu. Trong đó có 653 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh hoa; 91 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh rau, 10 cơ sở du lịch canh nông và 17 cơ sở kinh doanh cà phê. Riêng nhãn hiệu “Cà phê Cầu đất"  đã cấp được 22 nhãn hiệu và cấp 46 nhãn hiệu “Hồng Đà Lạt”, 21 nhãn hiệu “Dâu tây Đà Lạt”. Có thể nói, hiện nay, thương hiệu nông sản của Đà Lạt đã và đang từng bước được  đón nhận tích cực cả trong nước và trên thế giới.

Về định hướng phát triển nông nghiệp, nông sản Đà Lạt, ông Nguyễn Đình Thiện - Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP Đà Lạt cho biết: Thực hiện theo Nghị quyết 06 của Thành ủy “về phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP Đà Lạt giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục  đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, thông minh trong nông nghiệp theo hướng bền vững về môi trường, từng bước nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp như thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất. Chuyển giao quy trình canh tác nông sản theo tiêu chuẩn như: VietGAP, GlobalGAP, HACCP, hữu cơ… để hình thành vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế theo chuỗi giá trị an toàn thực phẩm tạo dấu hiệu nhận diện trên thị trường.

Thành phố đang tiếp tục định hướng, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu: từng bước giảm ô nhiễm môi trường nông nghiệp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững; tiếp tục triển khai việc thu gom, xử lý, rác thải trong sản xuất nông nghiệp rác thải nông nghiệp; từng bước giảm thiểu tác động của nhà kính đến cảnh quan môi trường. Xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm nông nghiệp thông minh trên cơ sở phát triển liên kết chuỗi giá trị bền vững hiệu quả; trong đó xác định theo tiêu chí “Doanh nghiệp là nòng cốt, kinh tế tập thể, hợp tác xã là trung tâm, nông dân là chủ thể sản xuất hàng hóa”.