(LĐ online) - Ngày 25/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp chủ trì buổi tiếp và làm việc với doanh nghiệp định kỳ tháng 9 của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Lãnh đạo các sở, ngành tham dự buổi làm việc với doanh nghiệp cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp |
Trong chương trình, có 4 đơn vị đăng ký làm việc và đều có đặc điểm chung là doanh nghiệp thực hiện dự án trên đất rừng và đang có vướng mắc về tiền thuê đất.
Công ty Cổ phần Tuyền Lâm Hill (Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm) nhận chuyển nhượng tài sản đã đầu tư tại dự án “Khu nghỉ dưỡng, hội nghị - hội thảo, khách sạn cao cấp quốc tế” của Công ty cổ phần Đất Việt - VP. Đến ngày 13/9/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định số 1630/QĐ-UBND về việc không chấp thuận cho Công ty Tuyền Lâm Hill tiếp tục thuê đất tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, Phường 3, TP Đà Lạt.
Công ty TNHH Minh Tú (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm): Năm 2008, diện tích rừng được giao cho doanh nghiệp làm dự án không đủ, do dân lấn chiếm từ trước năm 2005, có không ảnh. Doanh nghiệp liên tục bị thanh tra (trong khoảng thời gian 2015-2022), bị quy trách nhiệm diện tích rừng bị mất và trữ lượng rừng bị mất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi đầu tư 11 năm, nhưng vẫn bị cưỡng chế tài khoản và hoá đơn… Ngoài ra, người lao động của doanh nghiệp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo Giám đốc Công ty An Việt Thế Kỷ 21: Mọi vi phạm của Công ty đã thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ đầy đủ. Năm 2015, kiểm lâm ra văn bản Công ty để bị lấn chiếm 33 ha rừng, bị xử phạt 1,4 tỷ đồng. Công ty được tư vấn nên đóng tiền phạt trước rồi thiếu đủ tính sau. Sau đó, doanh nghiệp cùng cơ quan Nhà nước tính toán lại thì diện tích rừng bị mất có 12ha đất ngoài lâm nghiệp, theo quy định không phải bồi thường môi trường rừng. Công ty đề xuất cơ chế thực hiện kiểm kê rừng để tính toán trữ lượng bồi thường mà không phải thuê đơn vị khác, vì chi phí thuê tốn kém hơn chi phí doanh nghiệp đã nộp dư.
Công ty TNHH Hiếu Hoá kiến nghị về việc bị áp thuế đất trồng rừng ở huyện Đơn Dương.
Vấn đề của Công ty Cổ phần Tuyền Lâm Hill, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp, xác nhận: Doanh nghiệp chỉ nhận chuyển nhượng tài sản trên đất, chứ không phải chuyển nhượng dự án, nên phải làm lại thủ tục thuê đất. Hơn nữa, doanh nghiệp chưa có giấy chứng nhận đầu tư, nên một số thủ tục khác chưa thực hiện được. Vì vậy, ông Hiệp giao Sở Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 10 hướng dẫn doanh nghiệp các thủ tục liên quan để được cấp chứng nhận đầu tư và thực hiện các thủ tục khác để tiếp tục dự án.
Theo ông Hoàng Sĩ Bích - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng: Nguồn gốc hồ sơ rừng do Công ty TNHH Minh Tú thuê đơn vị tư vấn của doanh nghiệp thực hiện không đủ điều kiện để thẩm định. Đầu năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gởi Công ty Minh Tú, nhưng đơn vị không thống nhất (số liệu giữa Sở và doanh nghiệp).
Ông Bùi Văn Kính - Phó Cục trưởng Cục Thuế, cho biết: Để được miễn thuế ưu đãi đầu tư, đơn vị phải làm hồ sơ, nếu không phải nộp thuế. Sau 90 ngày không thực hiện nộp thuế thì bị cưỡng chế phong tỏa tài khoản ngân hàng. Nếu doanh nghiệp không đủ tiền trong tài khoản, thì cơ quan thuế áp dụng biện pháp tiếp theo là bị cưỡng chế sử dụng hóa đơn.
Đó cũng là lý do Công ty TNHH Minh Tú bị cơ quan thuế thực hiện biện pháp cưỡng chế tài khoản và hoá đơn. Ông Kính cho biết thêm: Đầu tháng 9, doanh nghiệp đã có đơn xin giãn nộp thuế, cơ quan thuế đã rà soát và chấp thuận cho doanh nghiệp nộp dần, nhưng doanh nghiệp không ký vào biên bản.
Bà Lê Thị Thêu - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giải thích về chế độ trợ cấp thất nghiệp của Công ty TNHH Minh Tú không được thực hiện, do Công ty chưa đóng BHXH cho bất cứ người lao động nào.
Về vấn đề của Công ty An Việt Thế Kỷ 21, theo ông Hoàng Sĩ Bích: Việc đền bù môi trường rừng theo đề xuất của doanh nghiệp sẽ được các chuyên viên thẩm định và trao đổi lại với doanh nghiệp để có một phương pháp tính toán phù hợp làm cơ sở chi trả lại khoản đã nộp của doanh nghiệp.
Đối với Công ty TNHH Hiếu Hoá, ông Bùi Văn Kính, thông tin: Doanh nghiệp thuê đất trồng rừng là đối tượng được miễn giảm, nhưng do doanh nghiệp không làm hồ sơ miễn giảm nên đã bị áp thuế. Sau khi kiểm toán doanh nghiệp mới nộp hồ sơ xin miễn giảm và đã được cơ quan thuế chấp thuận, nhưng khoản tiền nợ hiện nay là chu kỳ mới và phần phạt chậm nộp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp, yêu cầu các sở ngành liên quan phải giải quyết vấn đề của doanh nghiệp và có văn bản trả lời trong tháng 10. Tuy vậy, ông Hiệp cũng nhắc nhở các sở ngành rút kinh nghiệm khi thẩm định, cũng như doanh nghiệp không nên sơ suất khi nhận bàn giao diện tích rừng mà chưa xác định chính xác hoặc thống nhất với số liệu với cơ quan chức năng.
Đối với trường hợp của Công ty TNHH Minh Tú, thời điểm đó, nếu có ghi nhận diện tích rừng đang được người dân sử dụng sản xuất nông nghiệp thì sẽ không giao cho doanh nghiệp... Thêm nữa, doanh nghiệp nên ổn định lại tổ chức, thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với người lao động, để người lao động được hưởng cách chính sách BHXH.
Ông Hiệp cũng yêu cầu ngành Thuế cần phải tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến về pháp luật thuế. Vì thực tế, tình trạng doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất khá phổ biến, nhưng nhiều doanh nghiệp không biết là phải làm hồ sơ miễn giảm, dẫn đến gặp khó khăn khi vi phạm quy định về quản lý thuế…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin