Triển vọng trồng rau màu an toàn trong nhà màng

HƯƠNG LY 06:28, 25/09/2023

Tích cực đổi mới, đoàn kết làm giàu và giảm nghèo bền vững, nhiều nông dân xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng đã chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật trong sản xuất rau màu; từ đó, từng bước nâng cao chất lượng nông sản, ổn định kinh tế gia đình.

Mô hình trồng cà chua beef trong nhà màng của nông dân Ninh Loan đạt năng suất ổn định và cho thu nhập khá
Mô hình trồng cà chua beef trong nhà màng của nông dân Ninh Loan đạt năng suất ổn định và cho thu nhập khá

“Đưa cho được những sản phẩm rau sạch, chất lượng đến cho người tiêu dùng là điều mà nông dân chúng tôi ưu tiên và luôn đặt lên hàng đầu” - đó là lời khẳng định của ông Vũ Quang Duy trú tại thôn Nam Hải, xã Ninh Loan, một trong những người tiên phong trồng rau màu trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả tại địa phương.

Dẫn chúng tôi tham quan hết một lượt vườn cà chua beef đang độ cho trái của gia đình, ông Duy kể rằng: Cũng giống như đa phần các hộ dân nơi đây, là một người con xa xứ, ông Duy rời quê hương Nam Định từ những năm 1981 và đến với vùng đất Ninh Loan để xây dựng kinh tế mới. Kể từ đó, ông luôn chăm chỉ lao động sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, chủ yếu là trồng cà phê. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, bằng sự năng động, nhạy bén và thích tiếp thu những cái mới, cái hay, ông Duy vẫn luôn chủ động tìm hiểu những giống cây trồng mới, chất lượng cao cho năng suất vượt trội hơn.

“So với trồng cây lâu năm như cà phê, thì cà chua beef và dưa leo baby cho thu hoạch sớm và không đòi hỏi kỹ thuật và công chăm sóc nhiều, khí hậu cũng rất phù hợp với các loại rau màu này. Hơn thế nữa, trồng rau màu trong nhà màng áp dụng công nghệ cao sẽ cung cấp được những sản phẩm rau sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm; qua đó, nâng cao chất lượng cũng như giá trị mặt hàng, đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng và phù hợp với xu hướng thị trường sử dụng thực phẩm sạch, hữu cơ hiện nay. Chính vì vậy, tôi chủ động chuyển đổi một phần diện tích cà phê đã già cỗi sang hướng sản xuất này vào năm 2016” - ông Duy chia sẻ.

Tuy thời gian đầu, phải đối mặt với nhiều vấn đề như cải tạo đất, kỹ thuật chăm sóc chưa thành thục, nhưng qua thời gian tiếp tục kiên trì, vườn rau của gia đình ông Duy đã phát triển tốt và có đầu ra ổn định. Với chi phí đầu tư ban đầu là 250 triệu đồng trên diện tích đất 2,6 sào, đến nay, mỗi năm vườn rau sạch của ông Duy đã có thể cho thu hơn 50 tấn rau, thu 3 - 4 vụ/năm; phần lớn là các thương lái trên địa bàn huyện và TP Hồ Chí Minh đến tận vườn để thu mua. Sau khi đã trừ chi phí, trung bình thu nhập từ vườn rau khoảng 400 - 500 triệu đồng/vụ. 

Cũng có xuất phát điểm từ trồng cà phê, chàng thanh niên Vũ Xuân Lợi trú tại thôn Nam Hải cho biết, qua các lần tích cực tham quan, học hỏi các mô hình tiên tiến ở các địa bàn lân cận, anh Lợi cũng đã “bén duyên” với giống cà chua beef cách đây tầm 3 năm. “Nhận thấy giá cả cà phê mỗi lúc mỗi bấp bênh, cùng trên một diện tích canh tác thu nhập không được cao, nên những năm gần đây, gia đình tôi đã chuyển đổi sang trồng các loại rau ăn quả, chủ yếu là cà chua beef trên diện tích đất 4 sào. Nhờ mạnh dạn đầu tư nhà màng và áp dụng công nghệ cao ngay từ ban đầu nên vườn cà chua của gia đình đến mùa thu hoạch luôn sai quả và đạt năng suất cao” - anh Lợi nói.

Theo ông Phạm Anh Tiệp - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Loan, thời gian qua, các cấp Hội đã nỗ lực phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học - kỹ thuật, điểm trình diễn; thông qua đó, tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả. Từ các mô hình trồng rau trong nhà màng áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật có những tín hiệu đáng mừng như nhà nông Vũ Quang Duy, Vũ Xuân Lợi đã cho thấy đây là cách làm hiệu quả trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. 

Vì vậy, thời gian tới, các cấp Hội sẽ trực tiếp phối hợp tuyên truyền, vận động hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Cùng với đó, hỗ trợ hội viên nông dân quảng bá các sản phẩm nông sản đặc trưng tại địa phương; đăng tải, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản; giới thiệu những mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả giữa nông dân với doanh nghiệp để hội viên có thêm thông tin và lựa chọn các hình thức liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản...