(LĐ online) - Ngày 6/11, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã chỉ đạo chấn chỉnh công tác đấu thầu qua mạng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong thời gian qua, công tác đấu thầu nói chung và đấu thầu qua mạng nói riêng trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng được các đơn vị quan tâm, triển khai mạnh mẽ, đảm bảo theo đúng tỷ lệ và lộ trình do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định, tạo môi trường đấu thầu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và mang lại hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác đấu thầu qua mạng trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại, hạn chế như: Một số chủ đầu tư, bên mời thầu lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu (E-HSMT), đánh giá hồ sơ dự thầu (E-HSDT) chưa đảm bảo theo quy định, chưa chặt chẽ dẫn đến các nhà thầu tham gia dự thầu có nhiều kiến nghị liên quan đến các tiêu chí trong E-HSMT, một số gói thầu phải điều chỉnh E-HSMT hoặc tổ chức đấu thầu lại, làm kéo dài thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu; việc đánh giá E-HSDT, E-HSĐXTC, E-HSĐXKT chưa bám sát yêu cầu của E-HSMT và các quy định hiện hành; một số chủ đầu tư, bên mời thầu để xảy ra tình trạng khiếu kiện trong đấu thầu kéo dài; đăng tải thông tin về kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu chưa đảm bảo nội dung, thời gian theo quy định; công tác giải quyết kiến nghị thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư còn chậm trễ, đôi lúc chưa hợp lý, chưa đảm bảo đầy đủ theo quy định của pháp luật về đấu thầu dẫn đến rất nhiều đơn kiến nghị của các nhà thầu trong thời gian vừa qua.
Do đó, để kịp thời khắc phục các hạn chế, chấn chỉnh và tăng cường hiệu quả công tác đấu thầu qua mạng trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc, Giám đốc các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng trực thuộc cấp huyện và các đơn vị chủ đầu tư, bên mời thầu thực hiện nghiêm túc: Tiếp tục quán triệt, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đấu thầu theo đúng quy định của Luật Đấu thầu; Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ, của UBND tỉnh về chấn chỉnh công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Đối với công tác lựa chọn nhà thầu qua mạng, tập trung thực hiện các nội dung sau: Về cung cấp, đăng tải thông tin đấu thầu: Các chủ đầu tư/bên mời thầu nghiêm túc thực hiện việc đăng tải đầy đủ các thông tin về kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo mời thầu, báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu,… đảm bảo thời gian và đầy đủ thông tin
Về việc lập, thẩm định và phê duyệt E-HSMT: Chủ đầu tư/bên mời thầu chịu trách nhiệm lựa chọn các đơn vị tư vấn đấu thầu đảm bảo năng lực, kinh nghiệm; các cá nhân tham gia trực tiếp vào việc lập E-HSMT, đánh giá E-HSDT phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Đấu thầu, có năng lực và am hiểu về tính chất của gói thầu; E-HSMT phải bao gồm đầy đủ nội dung yêu cầu theo đúng mẫu quy định tại các Thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành.
Đối với việc đánh giá E-HSDT, E-HSĐXKT, E-HSĐXTC: Việc đánh giá E-HSDT, E-HSĐXT, E-HSĐXTC phải đảm bảo nguyên tắc trung thực, khách quan, công bằng, phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá trong E-HSMT, tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác liên quan; tuyệt đối không thiên vị hoặc gây khó khăn cho bất kỳ nhà thầu nào trong quá trình đánh giá; cần phối hợp với các đơn vị liên quan xác minh tính hợp pháp của các tài liệu nhà thầu gửi kèm theo hồ sơ tham dự thầu để đảm bảo nhà thầu được lựa chọn đáp ứng năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu.
Đối với việc thẩm định các nội dung trong đấu thầu: Công tác thẩm định phải đảm bảo nguyên tắc độc lập, trung thực, khách quan, công bằng, phải tuân thủ theo quy định; báo cáo thẩm định phải đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định, có nhận xét, đánh giá đối với từng nội dung cụ thể và có kiến nghị phù hợp với quy định pháp luật. Trường hợp thuê tư vấn thẩm định, chủ đầu tư phải thực hiện rà soát, kiểm tra lại việc thẩm định của đơn vị tư vấn và đánh giá hồ sơ của tư vấn đấu thầu, đảm bảo theo các quy định về đấu thầu trước khi phê duyệt kết quả;
Trong quá trình thẩm định Báo cáo đánh giá E-HSDT, E-HSĐXTC, E-HSĐXKT nếu phát hiện các sai sót trong quá trình đánh giá ảnh hưởng tới kết quả lựa chọn nhà thầu hoặc phát hiện bên xét thầu loại bỏ E-HSDT không phù hợp quy định, đơn vị thẩm định phải kiến nghị chủ đầu tư, bên xét thầu thực hiện lại công tác đánh giá theo đúng quy định.
Đối với công tác phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết, thực hiện hợp đồng: Việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng với nhà thầu đảm bảo đúng thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật.
Việc xử lý các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại trong đấu thầu, cần thường xuyên nắm bắt các thông tin, phản ánh, kiến nghị về các hành vi tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu để kịp thời xác minh; xử lý kiến nghị phải đảm bảo thời gian theo quy định của Luật Đấu thầu; xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu và đăng tải công khai các hành vi vi phạm theo đúng quy định;
Người có thẩm quyền, người đứng đầu chủ đầu tư nâng cao vai trò, trách nhiệm trong quản lý công tác đấu thầu, kịp thời giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu theo đúng trình tự, thẩm quyền và thời gian quy định tại Điều 91, Điều 92 Luật Đấu thầu; nghiên cứu cụ thể hồ sơ để giải quyết kiến nghị của Nhà thầu đảm bảo thấu đáo và phù hợp quy định, không để xảy ra tình trạng khiếu nại, kiến nghị kéo dài, vượt cấp; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng nội dung kiến nghị vượt cấp của Nhà thầu được cơ quan thẩm quyền xác định là phù hợp, dẫn đến thay đổi kết quả lựa chọn nhà thầu, hủy thầu.
Đối với các kiến nghị của Nhà thầu không đúng quy định, cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực, có dấu hiệu cản trở, làm kéo dài thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư căn cứ các quy định để xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin