Trong hai năm diễn ra đại dịch COVID-19, thương mại điện tử Việt Nam đã chứng kiến làn sóng tăng trưởng thứ nhất và thứ hai với cùng đặc trưng nổi bật là số người mua sắm trực tuyến tăng nhanh và đông đảo doanh nghiệp cũng như hộ kinh doanh tích cực triển khai hoạt động chuyển đổi số. Tuy nhiên, từ giữa năm 2022 đến nay, nền kinh tế đã bộc lộ những khó khăn nghiêm trọng và có thể kéo dài đến hết năm 2023.
Mặc dù vậy, khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) với hàng nghìn doanh nghiệp trên cả nước cho thấy, lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 20 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng này có thể được duy trì trong giai đoạn ba năm 2023-2025. Thành tựu trên mang lại sự khích lệ to lớn đối với cộng đồng kinh doanh trực tuyến. Tuy nhiên, quy mô của TMĐT nước ta còn nhỏ, chiếm khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Xét riêng lĩnh vực bán lẻ hàng hoá, năm 2022, tỷ lệ bán lẻ hàng hoá trực tuyến (online retail) so với tổng mức bán lẻ hàng hoá khoảng 7,2%.
Mặc dù mới ở giai đoạn phát triển ban đầu và quy mô còn nhỏ nhưng sự phát triển của TMĐT đã bộc lộ nhiều yếu tố không bền vững. Ba yếu tố điển hình bao gồm khoảng cách phát triển giữa hai TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với 61 địa phương khác rất lớn dấu hiệu thu hẹp còn mờ nhạt, nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo chính quy ở các trường đại học chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu và hoạt động kinh doanh TMĐT gây tác động ngày càng xấu tới môi trường.
Báo cáo Chỉ số TMĐT những năm gần đây đã chỉ ra sự cần thiết phải triển khai các chính sách và giải pháp nhằm giải quyết ba vấn đề lớn nêu trên. Từ năm 2019 VECOM đã đề xuất Chương trình Phát triển TMĐT bền vững và trong những năm qua đã tích cực triển khai một số hoạt động cụ thể. Trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025, VECOM sẽ tư vấn, hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất chính sách và pháp luật hướng tới phát triển bền vững kinh tế số nói chung và TMĐT nói riêng, đồng thời, tuyên truyền, vận động cộng đồng kinh doanh trực tuyến tích cực triển khai các hoạt động cụ thể.
Năm 2023, VECOM tiếp tục hoàn thiện phương pháp tính chỉ số TMĐT. Bên cạnh việc tính toán dựa vào kết quả khảo sát hàng nghìn doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực kinh doanh VECOM còn sử dụng nhiều kênh thông tin định lượng tin cậy khác. Khi các thiết bị tính toán cá nhân và điện thoại di động thông minh đã phổ cập, việc truy cập internet dễ dàng với chi phí hợp lý thì tên miền quốc gia “.vn” sẽ được chú ý hơn khi đánh giá tiêu chí hạ tầng và nguồn nhân lực. Mức độ tham gia các nền tảng bán lẻ trực tuyến, quy mô sử dụng dịch vụ chuyển phát, thu nhập trung bình của người dân ở mỗi địa phương… sẽ được xem xét đối với tiêu chí giao dịch doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C). Đồng thời, mức độ tham gia các nền tảng cung cấp giải pháp bán hàng đa kênh hay xuất khẩu trực tuyến trên các nền tảng giao dịch quốc tế sẽ được cân nhắc trong tiêu chí giao dịch doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).
Việc hoàn thiện phương pháp tính chỉ số TMĐT qua từng năm phản ảnh tốt hơn sự phát triển TMĐT trên cả nước cũng như ở từng địa phương. Do đó, VECOM tin tưởng chỉ số tiếp tục là nguồn thông tin hữu ích cho mọi đối tượng quan tâm tới kinh doanh trực tuyến, bao gồm các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu và tư vấn, các cơ quan xây dựng chính sách và pháp luật… Đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương như Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch các tỉnh có thể đề xuất các hoạt động cụ thể thuộc phạm vi quản lý của mình để thúc đẩy từng chỉ tiêu thành phần trong chỉ số chung, qua đó góp phần phát triển TMĐT tại địa phương. Các cơ sở đào tạo, bao gồm các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề có thể nắm bắt kịp thời sự phát triển TMĐT trên cả nước cũng như ở từng địa phương để đưa ra những dự báo xác đáng về nguồn nhân lực, phục vụ tốt hơn hoạt động đào tạo của mình.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin