Vú sữa Hoàng Kim, cây trồng mới tại Lâm Đồng đã cho thấy độ phù hợp về khí hậu, thổ nhưỡng. Một gia đình nông dân tại Thôn 5, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm đã có một vườn vú sữa Hoàng Kim trưởng thành, ra hoa, kết trái rất khả quan.
Chị Như Hoa và con gái bên “rừng” vú sữa Hoàng Kim |
Gia đình chị Trần Minh Nguyệt Như Hoa - anh Nguyễn Minh Đức là một trong những hộ đầu tiên trên địa bàn Bảo Lâm trồng thử vú sữa Hoàng Kim. Năm 2019, sau khi cải tạo mảnh đất trồng cà phê, anh chị xuống giống 350 cây vú sữa Hoàng Kim, thứ trái cây có màu vàng tươi, vị ngọt mát, rất ít hột. Ngay từ khi xuống giống, do đã tìm hiểu về cây vú sữa Hoàng Kim, gia đình đã trồng khá thưa do anh Đức tìm hiểu thông tin cho thấy, cây vú sữa Hoàng Kim khi trưởng thành sẽ rất to. Và, sau 4 năm canh tác, cây vú sữa Hoàng Kim của gia đình anh chị đã rất lớn, với chiều cao lên tới 3- 4 m.
Vừa dùng sào thu hoạch những trái vú sữa vàng tươi, chị Như Hoa vừa nhận xét, ít loại cây trồng nào dễ chăm như cây vú sữa Hoàng Kim. Cây gần như không có sâu bệnh, không phải dùng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào, chỉ cần tưới nước, bỏ phân đều đặn là đủ để cây sinh trưởng và phát triển tốt. Chị chia sẻ: “Nhiều người vào thăm nói vườn vú sữa Hoàng Kim nhà tôi như một mảnh rừng, mà đúng là trồng như trồng rừng thật. Hồi cây nhỏ thì còn phải chăm ít nhiều chứ từ năm 2022 tới nay, cây to, không cần phải chăm sóc gì, rất dễ sống”. Mảnh vườn 350 cây vú sữa Hoàng Kim cao ngợp, những tán lá to bản tạo nên một khung cảnh xanh mát.
Vú sữa Hoàng Kim bị côn trùng chích hút trái, khiến trái bị “tật”, vẹo, không đều và đẹp trái. Để phòng ngừa côn trùng chích trái, gia đình anh chị Như Hoa - Minh Đức tiến hành bọc trái sau khi thành hình. Theo chị Hoa, từ khi cây ra bông tới khi trái chín, có thể thu hoạch được là 3 tháng. Sau khi có bông được tầm 20 ngày, khi trái bằng ngón tay cái, gia đình tiến hành bọc trái bằng túi chuyên dụng. Túi sẽ giúp trái tránh được côn trùng, không bị chích hút cũng như lên màu vàng rạng rỡ. Khi thu hoạch, chỉ cần cắt luôn túi như bọc ngoài chống sốc, giúp việc bảo quản trái tốt hơn, mang đi xa không bị hỏng, dập.
Chị Như Hoa cho biết, vú sữa Hoàng Kim ra trái rải rác quanh năm nhưng vụ chính là vào giáp Tết Âm lịch. Từ năm 2021, anh chị đã được thu lứa bói. Vụ trái năm 2022, 350 cây vú sữa thu được 17 tấn trái, trung bình 50 kg/cây. Với giá bán tại vườn từ 25-35 ngàn đồng tùy size trái, gia đình có một khoản thu vừa phải. Chị Hoa nhận xét: “So với trồng các loại cây ăn trái có giá như sầu riêng, bưởi thì vú sữa Hoàng Kim thu nhập không bằng. Tuy nhiên, vú sữa ra trái rất nhanh, lại ít sâu bệnh, mức đầu tư thấp, người trồng rất khỏe. Vì vậy, gia đình vẫn giữ nguyên vườn vú sữa Hoàng Kim để có khoản thu nhập ổn định. Được thêm một điều là năng suất trái sẽ tăng từng năm, thu nhập sẽ ngày càng tốt hơn”.
Một điều chị Như Hoa nhấn mạnh là khác với nhiều loại trái, khi hái xuống khỏi cây, trái vẫn tiếp tục chín thì trái vú sữa Hoàng Kim khi rời khỏi thân cây gần như giữ nguyên chất lượng như khi còn trên cành. Trái rất khó chín thêm sau khi đã thu hoạch. Vì vậy, khi hái, chị chỉ chọn những trái đã chín thật sự. Chỉ khi hái chín, trái mới đạt độ ngọt, độ mềm cho phép, đến tay người tiêu dùng đạt chất lượng ngon ngọt nhất. Chị luôn khuyến cáo những gia đình trồng vú sữa Hoàng Kim cần thu hoạch khi trái chín hẳn, không hái trái ương vì sẽ không ngon, ảnh hưởng tới giá trị trái.
Bà K’Uỳnh - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lộc An cho biết, vườn vú sữa của gia đình anh chị Như Hoa - Minh Đức là một vườn cây ăn trái đặc sắc của xã. Vú sữa Hoàng Kim của gia đình cho trái thơm, ngọt, dễ bán trên thị trường, ít bị cạnh tranh. Trồng loại cây này tuy thu nhập không cao bằng sầu riêng, bưởi nhưng chi phí đầu tư thấp, chăm sóc nhẹ nhàng, ít công, thu nhập vẫn cao hơn trồng cà phê và nhiều loại cây trồng khác. Bởi vậy, Lộc An thường xuyên khuyến cáo nông dân đa dạng hoá cây trồng, tránh phụ thuộc vào một vài loại cây, giảm ảnh hưởng xấu nếu thị trường thay đổi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin