Ðức Trọng: Kinh tế - xã hội trên đà phục hồi tích cực

NHẬT MINH 06:25, 20/11/2023

UBND huyện Đức Trọng vừa tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2023; bàn phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024. Theo đánh giá, tình hình kinh tế của huyện dần phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19.

Sơ chế sản phẩm sau thu hoạch tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại 
nông sản Phong Thúy
Sơ chế sản phẩm sau thu hoạch tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy

Năm 2023 là năm thứ ba Đức Trọng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIII, kinh tế - xã hội của huyện phát triển khá tích cực trên các lĩnh vực.

Trong đó, ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản ước thực hiện 8.400,5 tỷ đồng, đạt 100,3% so với kế hoạch, tăng 6,58% so cùng kỳ; ngành Công nghiệp và Xây dựng ước thực hiện 10.244 tỷ đồng, đạt 98,9% kế hoạch, tăng 7,44% so cùng kỳ; ngành Dịch vụ ước thực hiện 7.292 tỷ đồng, đạt 10,07% kế hoạch và tăng 10,1% so cùng kỳ.  Thu ngân sách nhà nước do huyện quản lý ước thực hiện 849,4 tỷ đồng, đạt 70% dự toán tỉnh giao và bằng 88%  so với cùng kỳ. Tình hình giải ngân vốn đầu tư công ước thực hiện đạt 100% kế hoạch. Huyện cũng chỉ đạo triển khai 2 đề án khai thác quỹ đất, tạo vốn đầu tư hạ tầng tại khu quy hoạch Trung tâm Hành chính quảng trường huyện Đức Trọng, quy hoạch khu dân cư và chợ Phi Nôm, tạo nguồn lực đầu tư hạ tầng đến năm 2025  để huyện Đức Trọng đạt tiêu chí đô thị loại III và trở thành thị xã. 

Trong năm, các công trình, dự án trọng điểm của huyện và tỉnh trên địa bàn huyện như: Dự án Hồ Ta Hoét, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế đầu tư khu đô thị Nam sông Đa Nhim; Khu  công nghiệp Phú Bình, nhà máy xử lý rác thải tập trung huyện… đã được UBND tỉnh, huyện và các ngành chức năng đặc biệt quan tâm, chỉ đạo hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án.

Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng được quan tâm, thực hiện. Trong năm, đã giải quyết việc làm cho 4.620 lao động đạt 103% so với kế hoạch; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp bằng cấp, chứng chỉ đạt 24%. Có 2 trường được công nhận mới đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ tham gia Bảo hiểm y tế toàn dân ước thực hiện 91,5%.

Song song đó, huyện đã triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách giảm nghèo; lồng ghép hiệu quả chương trình, đề án giảm nghèo nhằm tạo việc làm, thu nhập cho người nghèo, nhất là hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội hóa thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững... Đến nay, đã có 14/14 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 7/14 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội của huyện Đức Trọng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.Trong 15 chỉ tiêu theo Nghị quyết của HĐND huyện về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội huyện Đức Trọng năm 2023, có 2 chỉ tiêu không đạt so với kế hoạch đề ra, gồm: Thu ngân sách nhà nước và trồng cây xanh, trồng xen cây lâm nghiệp, cây đa mục đích, trồng rừng mật độ dày làm giải phân cách, tỷ lệ che phủ rừng. Ngoài ra, tình trạng phá rừng, san gạt, cải tạo mặt bằng, khai thác khoáng sản trái phép, lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn còn diễn ra trên một số địa bàn xã; tình hình an ninh trật tự tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là tội phạm ma túy, kinh tế, tai nạn giao thông; công tác giải quyết đơn thư còn chậm...

Năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) theo Nghị quyết HĐND  huyện Đức Trọng khóa XII. Vì vậy, đồng chí Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng đã  chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc huyện, UBND các xã, thị trấn cần tập trung tìm các giải pháp nhằm thực hiện tốt 2 chỉ tiêu chưa đạt được; đồng thời, tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trên các lĩnh vực.

Mặt khác, tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ tiểu thương kinh doanh, buôn bán, chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, kết nối mở rộng thị trường; tập trung công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn huyện, đặc biệt là Dự án Hồ chứa nước Ta Hoét, khu dân cư và chợ Phi Nôm, khu Trung tâm Hành chính quảng trường huyện. 

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác chỉnh trang đô thị, chấn chỉnh trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường, xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, đặc biệt là các địa phương dọc Quốc lộ 20, 27; quan tâm đến công tác cải cách hành chính, kịp thời đề xuất, trang bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ làm việc của công chức, bộ phận 1 cửa, đảm bảo duy trì, vận hành có hiệu quả và giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân...



Liên kết hữu ích