Xác định được lực cản, tìm ra các giải pháp nên Lâm Đồng đã và đang xây dựng các điều kiện tốt nhất để khơi dòng thu hút nguồn vốn FDI trong năm 2024 và các giai đoạn tiếp theo.
Lâm Đồng định hướng các giải pháp khơi dòng vốn FDI |
• CHƯA ĐẠT NHƯ KỲ VỌNG
Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, tính đến nay, tỉnh có gần 100 dự án FDI còn hiệu lực hoạt động với tổng vốn đăng kí đầu tư gần 13.000 tỷ đồng, quy mô diện tích sử dụng đất khoảng 2.247 ha. Các dự án tập trung lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chăn nuôi, sản xuất giống cây trồng, trồng nấm, ươm tơ, du lịch dịch vụ, dệt may. Đến nay, đã có 87 dự án đi vào hoạt động, chiếm khoảng 88,8% tổng số vốn đăng kí, vốn thực hiện gần 7.000 tỷ đồng, 10 dự án hoàn thành một phần và đang trong quá trình triển khai, xây dựng. Một số quốc gia có nhiều dự án FDI vào tỉnh Lâm Đồng điển hình như Hàn Quốc 16 dự án, Nhật Bản 11 dự án.
Năm 2023, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 7 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.886,1 tỷ đồng, quy mô diện tích 99,7 ha. So với năm 2022, số dự án được chấp thuận mới giảm 12 dự án, vốn đăng ký đầu tư giảm 17.309,1 tỷ đồng, quy mô diện tích giảm 401,1 ha. So với cùng kỳ năm 2022, số dự án cấp mới giảm 13 dự án, vốn đăng ký đầu tư giảm 16.812,9 tỷ đồng, quy mô diện tích giảm 256,1 ha. Dự kiến đến hết năm, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư thêm 3 dự án, nâng tổng số dự án được cấp mới trong năm 2023 là 16 dự án, với tổng vốn đăng ký dự kiến khoảng 16.461 tỷ đồng.
Ông Tôn Thiện San - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Mặc dù, số lượng dự án đầu tư được quyết định chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư năm 2023 giảm so với năm 2022 nhưng tổng vốn đầu tư đăng ký năm 2023 tăng gấp 2 lần so với năm 2022.
Các dự án ngoài ngân sách đã và đang triển khai thực hiện đã góp phần xây dựng và phát triển hạ tầng, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, đóng góp cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nhiều nhà đầu tư có tiềm lực đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng dân cư, khu du lịch dịch vụ; một số dự án lớn đã được lựa chọn nhà đầu tư triển khai thực hiện. Địa phương đã hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư Ấn Độ khảo sát một số dự án kêu gọi đầu tư và các trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin tại tỉnh Lâm Đồng tiến hành ký kết 50 biên bản ghi nhớ và hợp đồng nguyên tắc.
Trong năm 2023, UBND tỉnh cũng đã nhận diện các nguyên nhân dẫn đến việc thu hút các dự án đầu tư ngoài ngân sách chưa đạt như kỳ vọng. Về nguyên nhân khách quan, bối cảnh kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; một số thời điểm lãi suất cho vay ngân hàng tăng cao, dẫn đến việc nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng; giá vật tư, nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao, tác động trực tiếp đến chi phí đầu tư; tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến bất thường, lượng mưa lớn kéo dài nhiều ngày, gây sạt lở đất đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách.
Bên cạnh đó, một số cơ chế, chính sách quy định liên quan đến lĩnh vực đầu tư (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp…) còn bất cập, nhiều nội dung chưa đồng bộ, gây lúng túng cho các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện. Một số dự án phải thực hiện thủ tục kê khai tài nguyên rừng mới đủ điều kiện để gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng, điều chỉnh tiến độ nên thời gian thực hiện thủ tục kéo dài.
Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng ít có lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI so với các tỉnh, thành phố khác do không có cảng biển, chưa có đường cao tốc liên vùng… Về nguyên nhân chủ quan, hệ thống quy hoạch trên địa bàn tỉnh đang trong quá trình lập, trình phê duyệt như Quy hoạch tỉnh, Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận; tiến độ lập một số quy hoạch phân khu, chi tiết xây dựng còn chậm so với yêu cầu, đã ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư; công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư chưa kịp thời; công tác giám sát đầu tư chưa được quan tâm đúng mức, chưa kịp thời xử lý các dự án chậm tiến độ, chưa quyết liệt trong xử lý các dự án chậm tiến độ, vi phạm quy định về đất đai, lâm nghiệp…
Về phía nhà đầu tư, năng lực tổ chức thực hiện dự án còn yếu, thiếu chuyên nghiệp; nắm bắt không đầy đủ trình tự, thủ tục thực hiện, không chủ động liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện; chất lượng hồ sơ dự án do nhà đầu tư lập để thực hiện các thủ tục hành chính không đạt yêu cầu, dẫn đến phải thực hiện nhiều lần; một số nhà đầu tư còn thiếu quyết tâm trong triển khai thực hiện…
Tại Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên diễn ra tại TP Đà Lạt vào tháng 9/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng: Thời gian tới, bên cạnh tích cực tham vấn, đề xuất ban hành quy chế đặc thù cho Tây Nguyên, cần đẩy mạnh cải cách cơ chế, chính sách, thể chế... dẫn dắt các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước gồm FDI, vốn doanh nghiệp, tư nhân vào Tây Nguyên, tạo động lực mạnh mẽ cho Tây Nguyên phát triển nhanh, hài hòa, bền vững, mà Lâm Đồng được xem là địa phương động lực, tiềm năng của vùng. |
• CẦN “CHẤT” HƠN “LƯỢNG”
Đồng chí Võ Ngọc Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Để nâng cao lượng và chất trong thu hút FDI, tháo gỡ các “điểm nghẽn”, UBND tỉnh đã đề nghị các sở, ban, ngành và UBND các huyện, TP Đà Lạt và Bảo Lộc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương triển khai các giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài đã được nêu tại Quyết định số 308 ngày 28/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 và chỉ đạo của UBND tỉnh.
Trong đó, tập trung các giải pháp trọng tâm: Tiếp tục rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Chủ động tiếp cận, hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai,... theo quy định để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ (điện, nước, hạ tầng giao thông vận tải, viễn thông, logistics,...) để tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trong dài hạn.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh xử lý các thủ tục hành chính về đầu tư kinh doanh; triển khai hiệu quả các dịch vụ hành chính công điện tử cho các nhà đầu tư. UBND các huyện, thành phố trên cơ sở xác định những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chủ động rà soát, chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, đất đai, hạ tầng, lao động,... để sẵn sàng đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương với việc thực thi không đúng quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương hoàn thành các hồ sơ, thủ tục để thu hút nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu kông nghiệp Phú Bình; tiếp tục giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Lộc Sơn, Phú Hội để tạo quỹ đất sạch sẵn sàng đón làn sóng đầu tư nước ngoài.
Xác định được lực cản, tìm ra các giải pháp khơi dòng, Lâm Đồng đã và đang xây dựng các điều kiện tốt nhất thu hút FDI trong năm 2024 và các giai đoạn tiếp theo.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin