Xứ cà phê Lâm Viên, với những vườn cà phê Arabica chênh vênh sườn dốc, những cánh đồng Robusta trĩu hạt và những người nông dân gắn bó với cây cà phê. Canh tác trên vườn ruộng, người nông dân gặp nhiều rủi ro trong lao động. Cùng với các ngành, các cấp chính quyền của địa phương Lâm Đồng, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm mục tiêu cải thiện điều kiện làm việc của người lao động trong ngành hàng cà phê, một lớp tập huấn về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và phương pháp đánh giá rủi ro ATVSLĐ tại nơi làm việc đã được nhiều nông dân Lâm Đồng thấm dần và lan tỏa tới cộng đồng xung quanh.
![]() |
Nông dân vùng sâu Di Linh đã chú ý tới cải thiện điều kiện lao động, giữ an toàn trong sản xuất |
• CON ĐƯỜNG NHỎ CỦA NDONG K’HEM
Ndong K’Hem là cô nông dân trẻ thôn Đồng Đò, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, thủ phủ cà phê Robusta. Quanh K’Hem đều là những nông dân K’Ho giản dị. Mùa cà phê chín sắp bắt đầu, người Di Linh đang mừng vì cà phê được giá. Còn với những hộ nông dân thôn Đồng Đò, bà con đang chuẩn bị những chiếc xe máy thật tốt, thắng xe chắc chắn, khung sườn lắp ráp cẩn thận. Vì không giống những năm trước vác cà phê bằng vai, một vài năm nay, người Đồng Đò đã làm đường, vận chuyển cà phê bằng xe máy thay vì sức người.
K’Hem bảo, hồi mùa dịch, cô được tham gia lớp tập huấn của ILO cùng với nhiều nông dân khác. Ở lớp học, cô được giảng viên hướng dẫn cách làm sao để cải thiện điều kiện lao động của người trồng cà phê trong tình hình thực tế của từng địa phương, từng nông hộ. Làm sao để nhìn thấy nguy cơ và xử lý để giảm thiểu nguy cơ với chi phí thấp, phù hợp với điều kiện của từng gia đình, từng xóm. Cô kể: “Xưa nay, người Đồng Đò thường vận chuyển cà phê từ rẫy lên đường lớn bằng sức người. Cà phê hái xong, đóng bao là thanh niên, người già gì cũng vác lên đường. Mà Đồng Đò quê em đất đồi khá dốc, vác rất mệt. Nhiều người vác nặng sẩy chân té, bị đau chân phải nghỉ cả mùa cà phê”. Sau lớp học, K’Hem vận động người nhà, đầu tiên là làm con đường cho xe máy chạy ngay trong vườn. Rồi cô tổ chức các lớp trao đổi nhỏ trong thôn, hướng dẫn bà con để ý tới các hoạt động dễ gặp nguy hiểm trong lúc trên rẫy, bắt đầu từ chuyện làm đường. Vậy là học K’Hem, học nhau, người Đồng Đò làm đường để vận chuyển cà phê bằng xe máy, giảm gánh nặng lên vai người.
K’Minh, một nông dân Đồng Đò bảo, K’Hem đã hướng dẫn bà con rất nhiều những việc làm nhỏ thôi nhưng giúp công việc thuận lợi hơn. Sự chuyển giao kỹ thuật của các cán bộ nông nghiệp, sự hướng dẫn chi tiết, cụ thể, gần gũi của một nông dân, đồng thời là hàng xóm như K’Hem đã giúp bà con có ý thức hơn trong lao động.
• TỪ NÔNG HỘ ĐẾN TỔ HỢP TÁC
Mùa cà phê 2023, Tổ hợp tác sản xuất cà phê Đạ Nghịt rộn rã chuẩn bị cho vụ mùa. Mua túi đựng cà phê loại nhỏ, sửa lại con đường bê tông nho nhỏ chạy giữa các vườn… thành viên của tổ đang chuẩn bị vào những ngày thu hoạch gấp gáp. Những thay đổi ấy được tác động từ một người nông dân, Y Cường Long Dưng.
Y Cường Long Dưng là con em của xứ cà phê Arabica, thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương, mảnh đất với những sườn dốc nhấp nhô. Y Cường cũng được tham gia lớp tập huấn cải thiện điều kiện lao động của ILO và những lợi ích mang lại cho anh và cộng đồng là rất hiệu quả. Y Cường chia sẻ: “Trong lớp học, nông dân chúng tôi được biết rõ hơn những kiến thức về sản xuất an toàn, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao chất lượng lao động cho người nông dân. Từ lớp học, tôi xác định được rằng cần quan tâm đầu tư cải thiện điều kiện lao động, vì chính bản thân mình và người xung quanh. Và cũng từ các cải tiến, tổ hợp tác cà phê Đạ Nghịt của chúng tôi đã vươn lên”.
Y Cường kể, xong lớp học, về vườn nhà, nhìn đâu anh cũng thấy những sai sót có thể gây nguy hiểm trong quá trình lao động. Đầu tiên, anh dùng ống nhựa chạy lại hết các đường dây điện đang mắc trong căn nhà kho, tránh trường hợp dây hở, bị chuột cắn dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Rồi anh dùng thép hàn chặt, cố định lại hệ thống dây cua-roa của máy phát điện, tránh tình trạng mắc tay hay mắc công cụ vào máy. Con đường nhỏ chạy giữa các vườn cà phê, anh vận động bà con mở rộng thêm, bỏ tiền mua thêm xi măng để trát kĩ những đoạn sạt lở. Với những khu vườn quá sâu, gập ghềnh không thể vận chuyển bằng xe máy, Y Cường vận động bà con thay hết những bao đựng cà phê loại to sang bao loại nhỏ. Anh bảo, xưa bà con tiếc tiền, tiếc công, toàn xài bao 50 kg, vác đường dốc rất nguy hiểm. Nay bà con chuyển sang bao 10 - 20 kg, vừa nhẹ nhàng, vừa an toàn cho người nông dân.
Là thành viên nòng cốt của Tổ hợp tác liên kết cà phê Đạ Nghịt, những cải tiến của Y Cường Long Dưng được thành viên ủng hộ nhiệt tình. Và niên vụ 2023, tổ đã hợp tác dựng được một nhà kính chuyên phơi cà phê Arabica hái chín, phục vụ sản xuất cà phê chất lượng cao. Y Cường bảo, có nhà kính bà con bớt hẳn công phơi, công kéo ra kéo vào, công trùm bao, trùm bạt vì mùa thu hoạch cà cũng vẫn còn những cơn mưa cuối mùa. Và nhà kính cũng giúp hạt cà phê Đạ Nghịt được bảo quản tốt hơn, chất lượng cao hơn và sẽ bán được với giá tốt hơn, giúp người nông dân tăng thu nhập từ chính đồng ruộng. Những cải tiến của Y Cường được cả trưởng thôn Đạ Nghịt, Mặt trận thôn cũng như chính quyền xã Lát ủng hộ và cùng anh vận động bà con làm theo. Y Cường Long Dưng cũng chia sẻ, anh được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, của xã, của huyện để đưa những cải tiến của mình vào sản xuất.
Những nông dân trồng cà phê đã tham gia các lớp cải thiện điều kiện lao động. Và, những bước chân của họ đã đồng hành, cùng những người nông dân khác mở lối, cải thiện dần điều kiện lao động, nâng cao chất lượng hạt cà phê, nâng cao mức sống của những người nông dân xứ cà phê cao nguyên.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin