Thông qua nhiều chương trình, đề án trong năm 2023, toàn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, tăng sản lượng tiêu thụ nông sản theo hợp đồng, góp phần phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao trên địa bàn.
Hợp tác xã Nông nghiệp Tiến Huy, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng liên kết với hàng chục nông hộ sản xuất rau các loại, đạt lợi nhuận từ 300 - 500 triệu đồng/ha/năm |
Theo Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Lâm Đồng, trong năm 2023, các cấp, ngành trong toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết với 13 dự án cấp tỉnh và 14 dự án cấp huyện, tổng nguồn vốn lần lượt gần 9 tỷ đồng và 5,5 tỷ đồng. Lũy kế đến nay toàn tỉnh Lâm Đồng có 124 dự án, kế hoạch hỗ trợ liên kết được phê duyệt với tổng kinh phí gần 111 tỷ đồng. Trong đó có 45 dự án, kế hoạch chuỗi cấp tỉnh và 79 dự án, kế hoạch chuỗi cấp huyện.
Riêng tổng nguồn vốn phê duyệt hỗ trợ chuỗi liên kết trong năm 2023 hơn 30,8 tỷ đồng, trong đó vốn chương trình mục tiêu quốc gia hơn 25,8 tỷ đồng (bao gồm vốn năm 2022 chuyển sang) và 5 tỷ đồng ngân sách tỉnh Lâm Đồng. Dự kiến tổng kinh phí giải ngân đến hết ngày 31/1/2024 từ nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia đạt hơn 23 tỷ đồng, chiếm hơn 89,4%.
Thống kê đến hết năm 2023, toàn tỉnh Lâm Đồng phát triển 234 chuỗi liên kết, tăng 21 chuỗi so với năm 2022. Quy mô liên kết trong trồng trọt với 28.159 hộ sản xuất 52.897 ha, đạt sản lượng 589.261 tấn. Trong chăn nuôi với 2.933 hộ liên kết nuôi 584.600 con gà; 187.000 con chim cút; 245.200 con heo, 27.460 con bò sữa, 1.600 con bò thịt; 326,5 ha dâu tằm…, sản lượng đạt 163.780 tấn. Tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh Lâm Đồng thông qua chuỗi theo giá hiện hành đạt hơn 30.862 tỷ đồng.
Cụ thể mô hình liên kết thu hút số hộ tham gia, diện tích đất sản xuất, tương ứng với sản lượng trong năm 2023 gồm: 87 chuỗi rau, củ, quả (2.802 hộ, 4.168 ha, 257.902 tấn); 45 chuỗi cây ăn quả (1.662 hộ, 4.431 ha, hơn 164.022,6 tấn); 26 chuỗi cà phê (21.607 hộ, 40.979 ha, 142.661 tấn); 11 chuỗi chè (338 hộ, 818 ha, 9.547 tấn); 10 chuỗi dược liệu (351 hộ, hơn 263 ha, 6.977 tấn); 7 chuỗi hoa (378 hộ, 282,8 ha, 138 triệu cành); 7 chuỗi lúa (674 hộ, 680 ha, 6.930 tấn); 6 chuỗi mắc ca (823 hộ, 1.035 ha, 670 tấn); 3 chuỗi nấm hương (42 hộ, 30 ha, 310 tấn).
Tương tự đối với sản phẩm chăn nuôi liên kết trong năm 2023 gồm: 13 chuỗi dâu tằm (633 hộ, 326.5 ha, 588 tấn); 4 chuỗi heo (247 hộ, 245.200 con, 52.739 tấn); 4 chuỗi bò sữa (1.677 hộ, 27.460 con, 98.164 lít sữa); 3 chuỗi bò thịt (168 hộ, 1.600 con, 480 tấn); 3 chuỗi mật ong (100 hộ, 8.225 con, 265 tấn); 2 chuỗi gà thịt (38 hộ, 416.600 con, 6.826 tấn); 1 chuỗi gà đẻ trứng (18 hộ, 168.000 con, gần 3.952 tấn); 1 chuỗi chim cút (13 hộ, 187.000 con, hơn 306 tấn); 1 chuỗi cá tầm ( 8 hộ, 8 ha, 800 tấn), 1 chuỗi trùn quế (9 hộ, 0,1 ha, 30 tấn).
Đến nay, tỷ lệ nông sản toàn tỉnh Lâm Đồng tiêu thụ theo hợp đồng đạt gần 62,2%, tương ứng 2.710.235 tấn. Trong đó, tiêu thụ qua chuỗi (753.041 tấn); sản xuất theo chứng nhận an toàn (764.620 tấn); qua cơ sở chế biến (842.574 tấn); mua bán, thời vụ, cung ứng vật tư (350.000 tấn). Thông qua các hợp đồng liên kết, 100% sản phẩm tiêu thụ đều được kiểm soát nguồn gốc, chất lượng. Toàn tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành 30 bộ tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, quy cách sản phẩm bơ 034, chuối Laba, dâu tây, cải thảo, khoai tây, xà lách, cà chua, súp lơ, bó xôi, cải bắp, ớt chuông, cà phê Arabica; chè Ô long; dưa leo Baby; bí ngòi; cà rốt; hành tây; sầu riêng atisô, mắc ca; các loại hoa hồng, đồng tiền, cát tường, cẩm chướng, lily, lan vũ nữ, cúc, lay ơn; hồng môn; lan hồ điệp.
Bà Nguyễn Thùy Quý Tú - Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Lâm Đồng đánh giá: “Đến hết năm 2023, kết quả phát triển chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cơ bản đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu kế hoạch đề ra về số lượng, diện tích, sản lượng, số hộ tham gia. Nhiều dự án, kế hoạch từ tỉnh đến huyện đã triển khai hiệu quả và tiến độ giải ngân nguồn vốn hỗ trợ đạt cao hơn so với các năm trước. Việc tham gia các chuỗi liên kết sản xuất theo kế hoạch, quy trình tiêu chuẩn, tạo ra các sản phẩm đồng nhất, chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân...”.
Và đây cũng được xem là tiền đề quan trọng giúp doanh nghiệp tạo ra vùng nguyên liệu lớn, mở rộng sản xuất, hỗ trợ trong công tác xây dựng mã số vùng trồng, nâng cao vị thế đối với nông sản xuất khẩu của tỉnh Lâm Đồng...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin