BÁO XUÂN GIÁP THÌN 2024:
Đưa nông sản Lâm Đồng vươn xa

VIỆT QUỲNH 07:56, 13/02/2024

Cùng chọn gắn bó với các loại nông sản đặc trưng của quê hương để khởi nghiệp; cùng hòa vào “dòng chảy” hiện đại khi tận dụng sức mạnh của các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, 2 cô gái Lâm Đồng được nhận giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn năm nay - Nguyễn Thanh Huyền (Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Anh Maca) và Nguyễn Thị Tường Thảo (Phó Giám đốc HTX Vườn nhà Đà Lạt) là đại diện tiêu biểu cho thế hệ trẻ năng động, tự tin, dám làm và dám đổi mới để đưa nông sản kết tinh từ miền “đất lành” vươn xa. 

Nguyễn Thanh Huyền và Nguyễn Thị Tường Thảo là đại diện tiêu biểu cho thế hệ trẻ Lâm Đồng năng động, tự tin, với mong muốn đưa nông sản kết tinh từ miền “đất lành” vươn xa
Nguyễn Thanh Huyền và Nguyễn Thị Tường Thảo là đại diện tiêu biểu cho thế hệ trẻ Lâm Đồng năng động, tự tin, với mong muốn đưa nông sản kết tinh từ miền “đất lành” vươn xa

“XÂY GIẤC MƠ” MẮC CA THƯƠNG HIỆU VIỆT
Trước thềm xuân mới, Nguyễn Thanh Huyền có mặt tại Thủ đô Hà Nội để đón nhận tin vui khi sản phẩm mắc ca của Công ty TNHH Hoàng Anh Maca vinh dự là 1 trong 5 đại diện của Lâm Đồng được Bộ Công thương vinh danh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023. Đây là “quả ngọt” của gần 10 năm Huyền cùng chồng rời Úc về Việt Nam, kiên trì, bền bỉ thực hiện giấc mơ xây dựng thương hiệu mắc ca cho riêng mình dựa vào vùng nguyên liệu trên chính quê hương Lâm Hà, Lâm Đồng.
Công ty TNHH Hoàng Anh Maca ra đời vào năm 2015, là “đứa con” tinh thần của Huyền và chồng là anh Nguyễn Hoàng Anh - Giám đốc Công ty, người đã có nền tảng kiến thức về mắc ca trong khoảng thời gian học tập và làm việc tại Úc. Đó là thời điểm mà ngành mắc ca vẫn còn khá non trẻ tại Việt Nam. “Chưa có nhiều người đi trước để học hỏi, hầu như mọi kiến thức chúng tôi đều phải tự mày mò nghiên cứu từ các tài liệu nước ngoài” - Thanh Huyền chia sẻ. Hoàng Anh Maca đã phải mất hơn 3 năm để vừa nghiên cứu, thử nghiệm các giống mắc ca phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại Lâm Đồng, cũng như thuyết phục bà con nông dân trồng mới thêm thay vì chặt bỏ vùng nguyên liệu. 

Nguyễn Thanh Huyền tại lễ vinh danh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023
Nguyễn Thanh Huyền tại lễ vinh danh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023

 

Đáp đền lại khoảng thời gian miệt mài ban ngày học ở vườn, ban đêm học trên máy tính của họ, đến nay, Công ty TNHH Hoàng Anh Maca đã xây dựng được vùng nguyên liệu 70 ha đạt chuẩn Global GAP, đồng thời, liên kết với hơn 200 ha mắc ca trồng giống chuẩn theo chương trình Khuyến nông Quốc gia tại huyện Lâm Hà. Công ty cũng có nhà máy chế biến và sản xuất tại huyện Đơn Dương, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 20 công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Hoàng Anh Maca đặt chất lượng và độ an toàn của sản phẩm lên hàng đầu, sử dụng công nghệ sấy lạnh và rang bằng tia hồng ngoại để đảm bảo diệt khuẩn 100%. 

Đến nay, sản phẩm mắc ca của công ty đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao và xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Trong năm 2023, công ty đạt doanh thu 11 tỷ đồng và đang mở rộng mảng chế biến sâu hạt mắc ca, nhằm phát triển ngành mắc ca Việt.

Thanh Huyền chia sẻ: “Chúng tôi xác định bước từng bước chậm, thận trọng nhưng chắc chắn với khát vọng đưa mắc ca Việt lên bản đồ mắc ca thế giới. Chính vì vậy mà Hoàng Anh Maca luôn đồng hành với nông dân từ khâu chọn giống, cung cấp máy móc đến tư vấn kỹ thuật, quy trình chăm sóc để đảm bảo vùng nguyên liệu sạch, chất lượng và bền vững, xây dựng chuỗi giá trị cao”.
Từ một cô giáo dạy múa tưởng chừng như không liên quan gì đến nông nghiệp và kinh doanh, cô gái sinh năm 1992 dần trở thành một nông dân thực thụ ở trang trại, cũng như thường xuyên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại và hội chợ sản phẩm OCOP để kết nối với các đầu mối tiêu thụ sản phẩm và xây dựng kênh bán lẻ trực tiếp đến khách hàng. Thanh Huyền cũng quan tâm đến các nền tảng thương mại điện tử như OCOP247, alibaba và tiktok Shop. Đặc biệt, cô đã xây dựng kênh tiktok hiện có hơn 5.000 lượt theo dõi và 9.000 lượt thích để mở rộng quảng bá và tiếp thị sản phẩm.

Nguyễn Thị Tường Thảo nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2023 do Trung ương Đoàn trao tặng cho những “nhà nông trẻ” xuất sắc
Nguyễn Thị Tường Thảo nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2023 do Trung ương Đoàn trao tặng cho những “nhà nông trẻ” xuất sắc

CÔ GÁI TRUYỀN CẢM HỨNG CỦA “MÓN LẠ VƯỜN NHÀ”
Năm qua là một năm khá bận rộn với Nguyễn Thị Tường Thảo - Phó Giám đốc HTX Vườn nhà Đà Lạt khi cô liên tục có mặt tại các chương trình xúc tiến thương mại, tập huấn, hội thảo,... trong và ngoài tỉnh. Tại đây, cô chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn bà con nông dân và đoàn viên, thanh niên các địa phương xây dựng kênh cũng như livestream bán nông sản trên các nền tảng thương mại điện tử. 
Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng cho những “nhà nông trẻ” xuất sắc mà Tường Thảo nhận được vào tháng 11/2023 vừa vặn đánh dấu cột mốc tròn một năm cô gái trẻ bỏ phố về quê - rời TP Hồ Chí Minh cùng 2 tấm bằng đại học để trở về Đà Lạt gắn bó với… rau, củ. Trong một năm đó, cùng với tình yêu và niềm tự hào về nông sản Đà Lạt, từ những bước chập chững đầu tiên, Thảo tự mày mò tạo các kênh truyền thông, đặc biệt là kênh tiktok “Món lạ Vườn nhà” để quảng bá các sản phẩm rau, củ đặc trưng của HTX Vườn nhà Đà Lạt. Các video clip về ớt trái cây Sweet Palermo, ớt Snack, Bí sợi mỳ, Chanh ngón tay... của Thảo nhanh chóng lên xu hướng với hàng triệu lượt xem, tạo nền tảng để cô bắt đầu các phiên livestream bán hàng.
Sau gần 1 năm hoạt động, kênh tiktok “Món lạ Vườn nhà” của Tường Thảo hiện đã có gần 284.000 lượt theo dõi và 2,2 triệu lượt thích. 

Mô hình kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử của cô gái sinh năm 1994 đã thu về cho HTX Vườn nhà Đà Lạt hơn 10 tỷ đồng doanh thu, góp phần đưa nông sản Lâm Đồng đến với cả nước với biên lợi nhuận 20% tổng doanh thu và tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên tại địa phương. 

Bên cạnh việc kinh doanh, Tường Thảo còn thường xuyên đồng hành với tiktok, Trung ương Đoàn và Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp có mặt tại các tỉnh Bắc Kạn, Bắc Giang, Sơn La, Đồng Tháp,... Cô tham gia hỗ trợ bà con Bắc Giang livestream bán đặc sản vải thiều Lục Ngạn; hỗ trợ sản phẩm OCOP của tỉnh Gia Lai - Mật Ong Phương Di đi từ số 0 đến con số hơn 2.000 sản phẩm bán ra trên nền tảng tiktok,... Mỗi chuyến đi là một dấu ấn đáng nhớ và là trải nghiệm đáng quý đối với cô gái trẻ, bởi “trước đây, em làm mọi thứ chỉ bằng bản năng và gói gọn trong sự hiểu biết của mình. Nhưng khi được tham gia vào những hoạt động trên, em vừa là người truyền cảm hứng, đồng thời cũng học hỏi được rất nhiều kỹ năng và kiến thức bổ ích từ các bạn tiktoker khác từ khắp mọi miền” - Thảo nói. 
Năm 2023, Tường Thảo được Hội LHTN Việt Nam tỉnh Lâm Đồng trao chứng nhận “Thanh niên khởi nghiệp xuất sắc”. Tường Thảo chia sẻ: “Từ câu chuyện của chính bản thân mình, em luôn mong muốn truyền cảm hứng để các bạn trẻ khác cũng mạnh dạn đổi mới, ứng dụng các nền tảng số để quảng bá nông sản của địa phương đi xa. Khi có người hướng dẫn, các bạn sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian mày mò, nghiên cứu. Và với kinh nghiệm của mình, em luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn các bạn từ những bước đầu đó”.