BÁO XUÂN GIÁP THÌN 2024:
Người đàn bà miệt mài trên hành trình tìm nhập giống tằm

NGỌC NGÀ 08:17, 12/02/2024

Đó là cách nhớ, là cách gọi, là ấn tượng của nhiều người trồng dâu, nuôi tằm trên đất Lâm Đồng khi nhắc về hành trình 30 năm tìm nhập giống tằm của bà Nguyễn Thị Phương Lan. Và hành trình ấy vẫn đang tiếp tục…

Sản lượng tơ của Lâm Đồng hiện đạt trên 2 nghìn tấn/năm
Sản lượng tơ của Lâm Đồng hiện đạt trên 2 nghìn tấn/năm

30 NĂM CHƯA BAO GIỜ NGƠI NGHỈ
“Khó quá, khó lắm!” ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thuỷ sản Lâm Đồng đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần với chúng tôi như thế khi nói về nút thắt lớn nhất, rào cản cao nhất trong việc phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Lâm Đồng. Bởi thế nên dù có lợi thế về thiên nhiên, con người nhưng ngành dâu tằm tơ của Lâm Đồng hàng chục năm qua vẫn chưa thực sự phát triển mạnh mẽ.
Theo các cơ quan chức năng, nhu cầu trứng giống tằm phục vụ sản xuất của Lâm Đồng khoảng 350.000 đến 400.000 hộp/năm và hiện đang phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn giống nhập từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Lâm Đồng hiện có 4 tổ chức, cá nhân nhập khẩu trứng giống tằm từ Trung Quốc và khoảng 200 cơ sở nuôi tằm con tập trung cung ứng giống tằm con cho 15 nghìn nông hộ. Bà Nguyễn Thị Phương Lan - Giám đốc Công ty TNHH Minh Quang Lâm (TP Bảo Lộc) được xem là “cánh chim đầu” đã dành trọn 30 năm để miệt mài tìm và nhập khẩu trứng giống tằm.

Bà Nguyễn Thị Phương Lan - người suốt 30 năm miệt mài tìm và nhập khẩu trứng giống tằm
Bà Nguyễn Thị Phương Lan - người suốt 30 năm miệt mài tìm và nhập khẩu trứng giống tằm

“Vẫn biết lỗ - lãi là chuyện thường trong kinh doanh. Nhưng đã chọn việc nhập trứng giống tằm thì có những thời điểm biết chắc lỗ vẫn làm. Vì nếu sợ lỗ mà không làm thì hàng nghìn nông dân trồng dâu, nuôi tằm sẽ bị ảnh hưởng”, bà Phương Lan chia sẻ. Việc nhập khẩu trứng giống tằm chưa được thực hiện chính ngạch nên có nhiều rủi ro, nhất là việc trứng giống về đến biên giới thì bị chất đống, không được bảo quản theo đúng quy trình nên bị bể dập, hư hại rất nhiều. Nguồn giống quyết định chính trong việc trồng dâu, nuôi tằm. Trường hợp độ nở của trứng không đạt sẽ ảnh hưởng đến 70% hiệu quả sản xuất. “Tổn thất lớn nhất phải kể đến là 6 chuyến hàng về nước trong giai đoạn xảy ra dịch bệnh COVID-19. Khi nguồn trứng giống về đến sân bay Tân Sơn Nhất, nhiệt độ quá nóng đã khiến 4.500 tờ trứng bị hư hỏng. Mỗi chuyến hàng đó chúng tôi lỗ khoảng 1 tỷ đồng”, bà Lan chia sẻ. 

Khó khăn là thế nhưng hành trình nhập khẩu trứng giống tằm của bà Phương Lan vẫn chưa lúc nào ngơi nghỉ. Hiện nay, mỗi tuần, công ty của bà vẫn tìm nhập 400 đến 700 tờ trứng giống từ Trung Quốc. 

Nguồn giống sau khi về nước sẽ được bà chuyển cho các cơ sở ươm tằm con ở Lâm Đồng để các cơ sở này ấp nở và chuyển cho đại lý và nông dân. Trung bình, mỗi tờ trứng cho ra khoảng 3 - 5 nghìn con giống. Bà Phương Lan cho hay: “Hiện, để một tờ trứng giống tằm về đến Việt Nam phải trải qua 4 chặng vận chuyển với nhiều trung gian khác nhau. Do vậy, chi phí riêng cho 4 chặng này mất khoảng 200.000 đồng/tờ, tương đương 20% giá trị tờ trứng. Khi nguồn giống đến tay người nuôi tằm sẽ phải bỏ ra tổng chi phí lên đến 900.000 - 920.000 đồng/tờ”. 
Hiện nay, công tác nghiên cứu, sản xuất trứng giống tằm trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu để phục vụ sản xuất. Nên dẫu việc nhập khẩu trứng giống tằm còn lắm gian truân song đó đang là giải pháp duy nhất để duy trì và phát triển ngành dâu tằm tơ của Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung. 

Các tờ trứng giống tằm nhập từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, đến tay người nuôi tằm chi phí lên đến 900.000 - 920.000 đồng/tờ

GÓP TIẾNG NÓI CHUNG
Theo Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nghề dâu tằm Việt Nam hiện đang phát triển với tốc độ cao và đứng thứ 5 thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ, Uzbekistan và Thái Lan. Nghề này đóng góp khoảng 2% tổng giá trị nông sản xuất khẩu của cả nước với trên 100 triệu USD. Ngành dâu tằm tơ tập trung lớn nhất vùng Tây Nguyên với 77% diện tích của cả nước. Với giá kén vàng từ 110.000 - 120.000 đồng/kg, kén trắng từ 170.000 - 205.000 đồng/kg như hiện nay, người trồng dâu, nuôi tằm có thu nhập cao gấp 2 đến 3 lần so với lúa, chè, mía. Phát triển ngành dâu tằm tơ bền vững là nhiệm vụ mà ngành Nông nghiệp Việt Nam đang ra sức kiếm tìm giải pháp. Tồn tại lớn nhất hiện nay của ngành dâu tằm tơ là vấn đề giống. Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Hiện nay, Việt Nam có các cơ sở sản xuất trứng tằm và nguồn trứng tằm lưỡng hệ kén trắng mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu, 90% trứng tằm lưỡng hệ đang nhập từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Điều này dẫn đến khó khăn trong kiểm tra chất lượng, kiểm soát dịch bệnh, rủi ro cho người sản xuất còn cao và ngành chăn nuôi tằm phát triển thiếu bền vững. 
Cũng chung trăn trở này, ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Lâm Đồng được mệnh danh “thủ phủ” dâu tằm tơ của cả nước. Địa phương có lợi thế phát triển nhưng việc sản xuất hiện nay đang phụ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu tiểu ngạch từ Trung Quốc. 
Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Lâm Đồng cho hay, hiện nay diện tích dâu của tỉnh đạt khoảng gần 10 nghìn ha, sản lượng kén đạt khoảng 16 nghìn tấn (chiếm 80% cả nước), sản lượng tơ trên 2 nghìn tấn. Mỗi năm, địa phương cần 350.000 - 400.000 hộp trứng tằm lưỡng hệ phục vụ sản xuất. Lâm Đồng luôn nỗ lực tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu trứng giống tằm tiếp cận các nguồn vốn vay và chính sách ưu đãi về thuế… song vẫn còn nhiều khó khăn đặt ra. Ông Châu cho rằng, cần tạo điều kiện để hỗ trợ cho doanh nghiệp được nhập khẩu chính ngạch trứng tằm để đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị có chức năng tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu, sản xuất trứng giống tằm, hạn chế phụ thuộc vào nước ngoài.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Quang Tú - Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam, cho rằng: “Các cơ quan tập trung xây dựng chiến lược phát triển ngành Dâu tằm tơ Việt Nam. Đồng thời đàm phán với Trung Quốc ở tầm cấp quốc gia để nhập trứng tằm bằng con đường chính ngạch …”.

Hiện nay, người trồng dâu, nuôi tằm có thu nhập cao gấp 2 đến 3 lần so với các cây trồng khác

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phương Lan cho biết, từ năm 2017, công ty của bà đã cùng Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam và Sở NN & PTNT tỉnh Lâm Đồng sang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) khảo sát, tham quan trực tiếp các cơ sở sản xuất trứng giống tằm. Đến năm 2018, họ cử 2 đoàn đến Lâm Đồng để kiểm tra, đánh giá và xem xét trứng giống tằm của họ có phù hợp với điều kiện của Lâm Đồng hay không và có thể tiến tới hợp đồng sản xuất cung ứng trứng tằm lưỡng hệ cho Lâm Đồng. Đến nay, việc nhập khẩu trứng giống tằm từ Trung Quốc vào theo đường chính ngạch vẫn chưa thể thực hiện được vì trình tự thủ tục kiểm dịch thông quan trứng giống tằm theo quy trình chung, giống với các loại sản phẩm động vật khác nên thời gian làm thủ tục kéo dài. Trong khi đó, quy trình kỹ thuật bảo quản trứng giống tằm chỉ cho phép từ khi trứng bắt đầu xuất khỏi kho lạnh ở Trung Quốc về đến các tỉnh của Việt Nam trong vòng 5-7 ngày là nở nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tằm con.
Ước mơ của bà Phương Lan là được nhập chính ngạch trứng giống tằm. Bà có mặt ở tất cả các hoạt động liên quan đến phát triển trứng giống tằm cũng như việc phát triển ngành dâu tằm tơ bền vững. Tại đó, bà Nguyễn Thị Phương Lan luôn đóng góp những ý kiến chất lượng nhưng cũng đầy trăn trở. Bởi “Nhu cầu trứng giống tằm phục vụ sản xuất của Lâm Đồng đang rất lớn, vậy nên mong muốn lớn nhất của đời tôi là có thể liên kết với Trung Quốc để xây dựng được khu sản xuất trứng giống tại Lâm Đồng. Đây là cách giúp địa phương chủ động về giống, góp phần giúp nông dân giảm giá thành trong sản xuất”.
Bà Nguyễn Thị Phương Lan cho rằng, cùng với việc đàm phán với Trung Quốc nhập khẩu trứng giống tằm chính ngạch, cần xây dựng kho lạnh để bảo quản và chủ động nguồn trứng. Đồng thời tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào sản xuất trứng tằm và xây dựng mô hình mẫu lớn nuôi giống tằm lưỡng hệ trong nước.