Chậm giải ngân vốn đầu tư công - những nút thắt cần tháo gỡ (Bài 2)

LÊ HOA 06:18, 19/06/2024

Bài 2: Các dự án lớn “dậm chân” tại chỗ

Không chỉ các dự án xây dựng đường ĐT729 kết nối tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Bình Thuận và đường ĐT722 kết nối tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Đắk Lắk; hay Dự án xây dựng đường bộ Cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) theo phương thức PPP, là các dự án được xếp hạng dự án quan trọng quốc gia có tác động liên vùng của địa phương chậm tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó, các dự án trọng điểm của tỉnh như hồ thủy lợi, hồ chứa nước đến đến nay vẫn còn vướng công tác giải phóng mặt bằng; chưa xong công tác chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; đang hoàn thiện hồ sơ đánh giá tác động môi trường… dẫn đến việc giải ngân còn chậm.

Mô hình một đoạn cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương
Mô hình một đoạn cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương

Mặc dù các đơn vị chủ đầu tư đã quan tâm việc thu hồi đất, chủ động vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng thi công, nhưng vẫn còn khó khăn. Cụ thể là công tác giải phóng mặt bằng ở Dự án xây dựng Hồ chứa nước Ta Hoét, huyện Đức Trọng; Dự án xây dựng Hồ chứa nước Ka Zam, huyện Đơn Dương; đường vành đai TP Đà Lạt... Vướng mắc trong công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác do thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành Trung ương đơn cử như Dự án xây dựng Hồ chứa nước Ta Hoét, huyện Đức Trọng tuyến đường ĐT722 kết nối tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Đắk Lắk… Thiếu mỏ vật liệu, mỏ đất đắp để phục vụ thi công các dự án do trước khi khai thác đất san lấp phải lập hồ sơ, thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định… Dự án Hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà đang tạm dừng thi công do khu vực thi công cụm công trình đầu mối có hiện tượng sạt trượt, sụt lún đất…

Nguyên nhân chủ quan, được xác định do các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công; nhân lực chưa đầy đủ; chỉ đạo của Tỉnh ủy trong công tác xử lý cán bộ phát sinh; chưa tập trung giải quyết những khó khăn, như: chủ đầu tư và các địa phương chưa thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng; giải pháp thi công chưa hợp lý; các đơn vị thi công chưa tích cực triển khai…

Các dự án lớn được bố trí kế hoạch vốn năm 2024 có tổng vốn trên 3 ngàn tỷ đồng (chiếm 44,3% tổng kế hoạch vốn) gồm 4 dự án: Dự án đầu tư xây dựng đường bộ Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương 1.075 tỷ đồng, Dự án xây dựng đường bộ Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc 1.800 tỷ đồng, Dự án cơ sở hạ tầng nhằm Phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng vay vốn JICA 141,5 tỷ đồng, tuyến đường ĐT722 kết nối tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Đắk Lắk 55,6 tỷ đồng. Hiện mới chỉ giải ngân 2,1 tỷ đồng (Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm Phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng vay vốn JICA giải ngân chi phí tư vấn), đạt 0,07% kế hoạch (tính đến đầu tháng 5/2024). 

Các dự án lớn, trọng điểm có thời gian chuẩn bị đầu tư kéo dài; công tác khảo sát ban đầu của nhà thầu tư vấn chưa đảm bảo, nên có dự án phải xử lý kỹ thuật, điều chỉnh làm mất nhiều thời gian; công tác lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu một số dự án chưa đảm bảo theo quy định, chưa chặt chẽ, dẫn đến các nhà thầu kiến nghị và kéo dài thời gian tổ chức - lựa chọn nhà thầu. 

Cụ thể, Dự án xây dựng đường Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc: dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 11/2022. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục phối hợp với nhà đầu tư đề xuất dự án bám sát các bộ, ngành Trung ương để triển khai công tác thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi; tiếp thu, giải trình ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (thường trực Hội đồng thẩm định liên ngành) gửi thông báo thẩm định.

Còn Dự án xây dựng đường bộ Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 12/2022. Hiện nay, tỉnh đang đôn đốc nhà đầu tư đề xuất dự án trình Báo cáo cuối kỳ hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các sở, ngành có liên quan để xin ý kiến góp ý ngay sau khi nhà đầu tư nộp hồ sơ. Các khu tái định cư phục vụ hai dự án cao tốc: các địa phương đang lập quy hoạch khu vực dự kiến triển khai dự án để có cơ sở lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư.

Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm Phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng vay vốn JICA (giai đoạn 1): 172 tỷ đồng, dự án chưa khởi công trong năm 2023 do Bộ Tư pháp rà soát để cấp ý kiến pháp lý cho thỏa thuận vay vốn ODA. Đến ngày 26/2/2024, Bộ Tài chính đã có văn bản số 1966/BTC-QLN về việc thông báo Thỏa thuận vay của dự án đã có hiệu lực từ ngày 21/01/2024.

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản yêu cầu tập trung thực hiện các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với từng giai đoạn thực hiện dự án. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, đặc biệt là hai dự án xây dựng đường cao tốc, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất một số giải pháp. Trong đó, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các chủ đầu tư cần bám sát các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh nhằm xây dựng tiến độ, chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư triển khai thực hiện với mục tiêu đến ngày 30/6/2024 đạt tỷ lệ giải ngân từ 50% kế hoạch trở lên, đến ngày 31/12/2024 đạt từ 95% kế hoạch trở lên và đến ngày 31/1/2025 đạt 100% kế hoạch vốn bố trí. Mới đây, UBND tỉnh ban hành văn bản quy định sẽ lấy kết quả thực hiện các công trình, dự án trọng điểm làm tiêu chí để xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu…    

(CÒN NỮA)