Nhìn lại 10 năm đào tạo nghề cho lao động nông thôn

03:12, 22/12/2022
Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp cốt yếu nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước hình thành lực lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
 
Số lao động nghề nông nghiệp hỗ trợ theo Đề án 1956 có việc làm bình quân đạt tỷ lệ 96,6%.
Số lao động nghề nông nghiệp hỗ trợ theo Đề án 1956 có việc làm bình quân đạt tỷ lệ 96,6%
 
Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956), sau 10 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, trang bị kiến thức, chuyển đổi nghề nghiệp cho nhiều lao động. 
 
Để triển khai các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Trung ương, các bộ, ngành, tháng 8/2010, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1946 về việc phê duyệt “Đề án đào tạo nghề nông thôn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020” cũng như ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo Đề án 1956. UBND tỉnh cũng ban hành Đề án Đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động giai đoạn 2016 - 2020, văn bản xây dựng Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2017 - 2020. 
 
Đặc biệt là việc thực hiện Quyết định số 2125 năm 2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng về phê duyệt “Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp gắn với Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2017 - 2020”. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao là cơ quan chủ trì đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo, kịp thời, đạt mục tiêu và hiệu quả.
 
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, qua 10 năm thực hiện Đề án 1956, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn luôn được cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh chỉ đạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đã mang lại những chuyển biến tích cực. Quá trình thực hiện đã góp phần nâng chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề nông thôn, nâng cao thu nhập (bình quân đầu người một tháng chung toàn tỉnh theo giá hiện hành từ trên 1,5 triệu đồng năm 2010 lên trên 3,1 triệu đồng năm 2018 và đến năm 2020 lên 5 triệu đồng). 
 
Số liệu theo niên giám thống kê năm 2020 cho biết, tổng số lao động đang làm việc hàng năm trên địa bàn tỉnh 779.590 lao động. Trong đó, tổng số lao động nông thôn là 482.864 người. Tổng số lao động nông lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh 249.469 lao động và lao động đã qua đào tạo nghề nông nghiệp theo các chính sách hỗ trợ của Đề án 1956 là 24.214 người. 
 
Riêng số lao động hỗ trợ theo Đề án 1956 thì số người có việc làm bình quân đạt tỷ lệ 96,6%. Nhiều học viên tham gia lớp đào tạo trồng và chăm sóc cà phê, kỹ thuật trồng rau, hoa đều nằm trong vùng nguyên liệu có nhiều doanh nghiệp. Toàn tỉnh có 122 mô hình, điển hình tiêu biểu trong hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp như: Mô hình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn cho các thành viên Hợp tác xã nông nghiệp chăn nuôi bò sữa Cầu Sắt; trồng, chăm sóc cây cà phê Hợp tác xã Lâm Viên; Mô hình Trồng và chăm sóc rau theo hướng VietGAP tại huyện Đơn Dương. Mô hình lớp trồng dâu, nuôi tằm, chăm sóc sầu riêng cho các hợp tác xã tại huyện Cát Tiên, Lâm Hà và Đạ Huoai, lao động có việc làm sau đào tạo 100% và có thu nhập khá (trên 5 triệu đồng/người/ tháng)…
 
Đặc biệt, công tác đào tạo nghề nông nghiệp đã đáp ứng cho hầu hết số học viên sau khi kết thúc khóa học, đối với số lao động học nghề nông nghiệp (nghề trồng, chăm sóc, thu hoạch bảo quản cà phê, trồng dâu nuôi tằm, thú y,…) sau khi được đào tạo đã nắm vững các kỹ thuật, áp dụng vào thực tế sản xuất. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp đạt 65,9 %, nâng tỷ lệ lao động nông thôn đã qua đào tạo nghề đạt 52%. Công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn học nghề cũng đặc biệt được chú trọng. Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, quá trình triển khai đề án cũng bộc lộ nhiều tồn tại, vướng mắc. Cụ thể, về quy định mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học cho đối tượng được đào tạo là quá thấp. Tương tự, thù lao giảng dạy cho giảng viên hiện nay là 47.000 đồng/giờ còn thấp, không thu hút được giảng viên đứng lớp. Ngoài ra, quy định về điều kiện người học nghề được hỗ trợ đào tạo trong độ tuổi lao động là chưa phổ rộng hết lực lượng lao động hiện có nhu cầu học nghề hiện nay. 
 
Bên cạnh đó, việc triển khai đề án gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho cán bộ cấp xã nên chưa gắn trách nhiệm cán bộ xã với đào tạo nghề, khó tuyển sinh. Công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn chưa thật sự đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Xây dựng nông thôn mới. Các nghề nông nghiệp đào tạo còn truyền thống chưa có tính mới, đột phá, chưa có mô hình điển hình tiên tiến…
 
Để tiếp tục nâng cao việc đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. Kế hoạch này gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Trong đó, mục tiêu chung là phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo lên 60%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 30% và thu nhập của dân cư nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Mục tiêu cụ thể, phấn đấu đào tạo nghề nông nghiệp trên 10.000 lao động nông thôn, trong đó tập trung đào tạo để nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ.
 
CHÍNH PHONG