(LĐ online) - Những ngày cuối năm 2022, lứa bò sữa đầu tiên với số lượng 57 con đã được huyện Cát Tiên nhập về để bàn giao cho 4 hộ nông dân. Phát triển chăn nuôi bò sữa được Đảng bộ, chính quyền huyện Cát Tiên kỳ vọng sẽ là bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị thu nhập cho người dân.
|
Anh Trần Huy Rin (bìa trái) là chia sẻ niềm vui với lãnh đạo ngành nông nghiệp của tỉnh, huyện khi tham gia dự án |
NHỮNG NGƯỜI TIÊN PHONG
Sau nhiều ngày tháng chờ đợi, anh Trần Huy Rin (Tổ dân phố 1, thị trấn Phước Cát) vẫn chưa hết hồi hộp khi lứa bò sữa đầu tiên đã “cập bến”. Đây là những con bò sữa giống được anh và các nông hộ đi trực tiếp tuyển chọn tại trang trại của Tập đoàn TH Truemilk ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.
Lựa chọn có phần mạo hiểm này được anh Trần Huy Rin đưa ra sau khi đã cân nhắc và tham khảo kỹ lưỡng nhiều nguồn thông tin khác nhau. Anh Rin cho biết, không phải ngày một ngày hai mà anh đã phải chuẩn bị từ rất lâu, mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng để sửa sang chuồng trại, mua sắm các thiết bị phục vụ chăn nuôi bò sữa cũng như tiến hành trồng thêm 1 ha cỏ voi.
Trước đây, gia đình anh cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi bò thịt. Qua tìm hiểu, anh nhận thấy đã có rất nhiều địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương tự như huyện Cát Tiên đã thành công và làm giàu từ mô hình chăn nuôi bò sữa.
|
Các nông hộ đi tuyển chọn bò sữa tại tỉnh Nghệ An |
Đồng thời, với nguồn đất đai rộng lớn thuận lợi cho trồng cỏ, trồng cây ngô sinh khối và nguồn nguyên liệu dồi dào từ trồng lúa như rơm, rạ, cám gạo… sẽ là những điều kiện thuận lợi giúp người dân giảm chi phí đầu vào khi tiến hành nuôi bò sữa, từ đó sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế.
Đó cũng là suy nghĩ của các hộ dân Nguyễn Xuân Hải, Trần Văn Phong (cùng ở Thôn 1, Quảng Ngãi) và Huỳnh Thái Dương (Tổ dân phố 13, thị trấn Cát Tiên). Theo các hộ dân, những năm gần đây, giá bò thương phẩm giảm, không ổn định nên lợi nhuận từ chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản đã giảm đáng kể và bấp bênh, không ổn định. Chính vì vậy, việc chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi bò sữa là việc làm cần thiết và phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Và, cũng chính họ đã tiên phong thành lập nên HTX Bò sữa Cát Tiên, mở ra hướng đi mới cho chính mình. Bên cạnh niềm vui, có một chút lo lắng thi thoảng hiện lên trên gương mặt của những người nông dân chất phác, chịu thương chịu khó. Nhưng trong lòng ai cũng giữ vững niềm tin và sẵn sàng khi đón nhận những thử thách mới.
|
Anh Trần Huy Rin đã đầu tư hàng tỷ đồng để cái tạo chuồng trại, lắp đặt hệ thống máy móc hiện đại |
TỪ SUY NGHĨ TẠO NÊN BƯỚC ĐỘT PHÁ
Cát Tiên là một huyện thuần nông, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất, chăn nuôi. Vì vậy, việc nâng cao thu nhập cũng như đời sống cho bà con từ lĩnh vực này không chỉ là nỗi trăn trở của các cấp, các ngành trong huyện mà còn là nỗi lo của đồng chí Đặng Trí Dũng – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Đà Lạt, khi còn là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, người được phân công trực tiếp phụ trách địa bàn.
Đồng chí Đặng Trí Dũng nhận thấy, nhu cầu thị trường sữa tươi đang rất lớn, và từ thực tế các nông hộ ở các địa phương trong và ngoài tỉnh đã có thu nhập ổn định, bền vững với hiệu quả cao từ nuôi bò sữa. Đồng thời, với lợi thế sẵn có từ ngành chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản, huyện Cát Tiên hoàn toàn có đủ các điều kiện phát triển chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao.
Chính vì vậy, trong những lần về công tác tại địa phương, đồng chí Đặng Trí Dũng đã đi khảo sát thực tế và chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện Cát Tiên và Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt. Để rồi, sau những buổi làm việc với tinh thần trách nhiệm cao giữa các cấp, chính quyền địa phương, huyện Cát Tiên và Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt đã ký biên bản ghi nhớ về việc phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn.
|
Anh Trần Huy Rin đã đầu tư hàng tỷ đồng để cái tạo chuồng trại, lắp đặt hệ thống máy móc hiện đại |
Đến ngày 19/05/2022, UBND huyện Cát Tiên đã ra Quyết định số 529 QĐ-UBND ban hành Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Cát Tiên giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đây là tiền đề, bước khởi đầu của ngành chăn nuôi bò sữa Cát Tiên.
Để triển khai Đề án, đồng chí Đặng Trí Dũng đã chỉ đạo quyết liệt đến các cơ quan huyện Cát Tiên đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về tính khả thi cũng như tiềm năng của đề án. Ban Chỉ đạo của huyện và các xã, thị trấn thành lập các tổ hỗ trợ chăn nuôi bò sữa để hỗ trợ người dân, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc liên quan; tổ chức rà soát, nắm chắc địa phương mình còn bao nhiêu hộ có điều kiện thuận lợi cho phát triển chăn nuôi bò sữa.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc – Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết: Đối với huyện Cát Tiên, Đảng bộ, chính quyền huyện cũng xác định đây là bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân và góp phần từng bước chuyển đổi tư duy “sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp”.
Huyện Cát Tiên cũng đã tổ chức cho người dân đi thăm quan thực tế các mô hình chăn nuôi bò sữa tại huyện Đơn Dương, huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) để học tập kinh nghiệm chăn nuôi. Đồng thời, tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại với bà con nông dân nhằm lắng nghe tâm tư, tình cảm cũng như những băn khoăn, thắc mắc của bà con liên quan đến chăn nuôi bò sữa.
|
Lãnh đạo huyện Cát Tiên và Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt ký thỏa thuận khung về liên kết, hợp tác phát triển chăn nuôi bò sữa |
… ĐẾN CÁI BẮT TAY HỢP TÁC LỊCH SỬ
Để triển khai và phát triển mô hình này, Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt có vai trò dẫn dắt và làm cầu nối thúc đẩy chuỗi liên kết phát triển và đi theo đúng hướng. Đến nay, Công ty đã chủ động phối hợp với các cấp, chính quyền huyện Cát Tiên triển khai công tác khảo sát, đào tạo cán bộ, từng bước xây dựng và hình thành chuỗi liên kết chăn nuôi bò sữa.
Theo đó, Công ty sẽ đồng hành với bà con nông dân huyện Cát Tiên theo hướng cầm tay chỉ việc và xuống thực tế từng hộ gia đình để tư vấn kỹ thuật làm chuồng nuôi, cũng như các điều kiện cần thiết khác; cam kết thu mua 100% sữa tươi tại địa phương với giá cạnh tranh, đảm bảo người dân và doanh nghiệp cùng có lợi.
|
Lãnh đạo huyện Cát Tiên khen thưởng các hộ dân tiên phong trong chăn nuôi |
Đại diện Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt cam kết cung cấp con giống bò sữa cao sản cho các hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết đến hết năm 2024; hỗ trợ trả chậm 50% kinh phí mua 500 bò cái tơ có chửa đầu tiên và tiền trả chậm sẽ được cấn trừ thông qua tiền sữa mà các hộ dân bán cho Dalatmilk theo hợp đồng mua bán sữa; thu mua toàn bộ lượng sữa tươi đạt chất lượng sản xuất ra từ đàn bò theo hợp đồng đã ký trước khi các hộ nhận bò.
Ông Vijay Kumar Pandey - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần thực phẩm Sữa TH chia sẻ: TH là doanh nghiệp đã tạo ra cuộc cách mạng sữa tươi sạch tại Việt Nam. Hiện TH đã có đàn bò tiệm cận 70 nghìn con, xác lập kỷ lục thế giới với cụm trang trại bò sữa tập trung công nghệ cao, có quy trình khép kín lớn nhất.
“Hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chúng tôi hiểu rằng không thể để bất kỳ người nông dân nào ở lại phía sau. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi hợp tác trực tiếp tới từng nông hộ thay vì các trang trại lớn như trước kia. Tất cả chỉ là sự khởi đầu, Tập đoàn TH thông qua Đà Lạt Milk sẽ có nhiều hành động thiết thực để hỗ trợ người dân phát triển đàn bò sữa phù hợp với đặc thù của địa phương”, ông Vijay Kumar Pandey nói.
Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đánh giá sự quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Cát Tiên trong triển khai thực hiện Đề án Phát triển chăn nuôi bò sữa tại địa phương nhằm tạo thêm nhiều ngành nghề và cơ hội cho người nông dân để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Về phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tạo những điều kiện tốt nhất để hỗ trợ huyện Cát Tiên thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển chăn nuôi bò sữa.
Thực hiện Đề án Phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030, huyện Cát Tiên phấn đấu đến năm 2025, quy mô tổng đàn bò sữa trên địa bàn huyện đạt trên 2.700 con; đến năm 2030, tổng đàn bò sữa đạt khoảng từ 8.000 - 10.000 con, trong đó có khoảng từ 4.000 đến 5.000 bò tơ thay thế và có từ 4.000 đến 5.000 con cho khai thác sữa với sản lượng sữa đạt khoảng 80 tấn sữa/ngày. |
HOÀNG SA – HỒNG THẮM