Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã và đang triển khai gấp rút việc tổ chức lấy ý kiến góp ý của Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án luật lớn, có tác động mạnh mẽ đến toàn xã hội, đến quyền và lợi ích của người dân, vì thế thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Ghi nhận bước đầu tại Lâm Đồng có nhiều nội dung góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các sở, ngành và các tổ chức thành viên của Mặt trận.
Các đại biểu tham gia góp ý trách nhiệm, sôi nổi cho Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội nghị do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức |
Tại khoản 2, Điều 89, Chương VII: Hầu hết các đại biểu thống nhất đề nghị xem xét bỏ cụm từ “Thu nhập” và hoàn thiện “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo về điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” vì yếu tố “thu nhập” sẽ khó xác định.
Tại khoản 1, Điều 122, Chương IX: Hầu hết các đại biểu thống nhất như dự thảo. Có ý kiến cho rằng, việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất phải được thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định tại các Điều 70, 71, Chương V. Do vậy, đề xuất điều chỉnh: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất phải tuân thủ theo tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định”.
Tại khoản 1, Điều 166, Chương XIII: Hầu hết các đại biểu thống nhất như dự thảo. Tuy nhiên, có ý kiến đề xuất, khi hết thời hạn, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp phải làm thủ tục gia hạn để tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định.
Tại các huyện, thành phố trong tỉnh, Mặt trận các xã, thị trấn đều có hướng dẫn Ban Công tác Mặt trận khu dân cư thường xuyên thông tin tuyên truyền, phổ biến đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn được biết về việc sửa đổi Luật Đất đai để mọi tầng lớp Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, phản ánh trung thực, ý chí, nguyện vọng, lợi ích Nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, đề nghị tập trung một số vấn đề có liên quan trực tiếp đến người dân ở cơ sở như: Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân...
Các tổ chức thành viên và Nhân dân huyện Đơn Dương kiến nghị: về tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đề nghị đất quy hoạch sau 3 năm không thực hiện thì bãi bỏ quy hoạch, thu hồi giao lại cho người dân để ổn định cuộc sống. Cũng có ý kiến cho rằng sau 1 năm không thực hiện thì thu hồi, giao lại cho dân. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Có ý kiến đề nghị tại Điều 138 về Công nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, tổ chức tôn giáo đang sử dụng đất, đề nghị bỏ từ “đang” để đảm bảo sự phát triển của các tôn giáo phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Ngoài ra, đa số ý kiến đề nghị đơn giản các thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo được quyền lợi của người sử dụng đất. Phân cấp rõ chức năng cấp giấy quyền sử dụng đất cho từng cấp để tránh sự chồng chéo, đảm bảo tính chặt chẽ, đúng thẩm quyền. Đối tượng đăng ký sử dụng đất nên thực hiện theo nhu cầu của người đăng ký, có thể đăng ký theo hộ gia đình, cá nhân, vợ chồng hoặc đồng sở hữu... Đề nghị xây dựng giá đất trong thời hạn 5 năm, hàng năm có sự điều chỉnh hệ số cho phù hợp để tránh tình trạng lãng phí. Cần có chính sách giám sát giá đất để đảm bảo tính ổn định và nên mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa: đề nghị cho các đối tượng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa và cây trồng khác.
Luật gia Bùi Thanh Long - thành viên Tổ Tư vấn chính sách pháp luật (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh) có ý kiến thống nhất với các quy định về trường hợp và các điều kiện để giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Tuy nhiên, cũng cần bổ sung thêm một tiêu chí nữa là “nằm trong quy hoạch”. Về “Hộ gia đình sử dụng đất” dự thảo luật lần này quy định theo hướng bỏ đối tượng là hộ gia đình sử dụng đất. Đề nghị cần tiếp tục duy trì quy định cũ về hộ gia đình trong dự thảo luật vì đây là chủ thể có tính lịch sử, tham gia sâu vào quan hệ đất đai và nhiều giấy tờ pháp lý khác như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Mặt khác cho phù hợp Hiến pháp 2013 quy định nhiều yếu tố liên quan đến “gia đình”.
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh góp ý: Đối với nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất tại khoản 2 Điều 89, Luật Đất đai (sửa đổi) “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”, quy định như vậy là đúng nhưng chưa đủ để bảo đảm bình đẳng, nhất là bình đẳng giới. Vì chủ thể được bồi thường là người có đất bị thu hồi. Như vậy, con dâu hoặc con rể (trên thực tế chủ yếu là con dâu) sống chung với gia đình nhà chồng hoặc nhà vợ là người trực tiếp sử dụng đất bị thu hồi, bị mất nguồn sinh kế nhưng lại bị loại khỏi các chính sách bồi thường cũng như hỗ trợ của Nhà nước khi nhà nước thu hồi đất. Đề nghị bổ sung và giải thích cụm từ “Người sống cùng với người có đất bị thu hồi” tại Điều 3 của dự thảo luật nhằm tránh gây ra sự hiểu lầm khác nhau. Theo đó, đề nghị bổ sung “chủ thể” này cần ít nhất 3 điều kiện: con dâu hoặc con rể, vợ hoặc chồng của người có đất bị thu hồi, trực tiếp sử dụng đất mà bố mẹ chồng hoặc bố mẹ vợ, chồng hoặc vợ là người có đất bị thu hồi; thời gian sống cùng và trực tiếp sử dụng đất từ khi kết hôn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin