Thời gian qua, không ít người đã bị các đối tượng sử dụng chiêu trò lừa đảo “nâng cấp sim điện thoại” nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Các chuyên gia cảnh báo, người dân cần cảnh giác để không trở thành nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo nói trên.
Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, sim điện thoại không chỉ đơn thuần đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc mà còn được ví như “chìa khóa” để đăng nhập vào các ứng dụng quan trọng mang tính chất cá nhân như tài khoản ngân hàng, ví điện tử. Do đó, nhiều đối tượng tội phạm công nghệ cao đã sử dụng chiêu trò mạo danh nhân viên các nhà mạng viễn thông để gọi điện, nhắn tin yêu cầu người dùng chuyển đổi, nâng cấp sim điện thoại lên 4G, 5G. Sau đó, các đối tượng này đã chiếm đoạt quyền sử dụng sim điện thoại, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân.
Tin nhắn có tính chất lừa đảo "nâng cấp sim điện thoại" gửi đến người bị hại. (Ảnh chụp màn hình) |
Cuối tháng 2/2023, anh Nguyễn Văn P ở phường Quỳnh Lâm, Thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình nhận được tin nhắn thông báo sim điện thoại của anh sẽ bị khóa sau 2 tiếng nếu không kịp thời nâng cấp sim lên 4G. Tiếp đó, một đối tượng gọi điện tự nhận là nhân viên nhà mạng. Người này đọc rất đầy đủ các thông tin cá nhân của anh P và yêu cầu anh nhắn tin theo hướng dẫn để nâng cấp sim lên 4G. Sau khi thao tác theo hướng dẫn nói trên, lập tức anh P nhận được thư điện tử thông báo mật khẩu tài khoản ngân hàng đã bị thay đổi. Nhanh chóng đến ngân hàng là thủ tục khóa tài khoản thì anh P phát hiện ra tài khoản vừa bị rút số tiền 30 triệu đồng.
Anh P chỉ là một trong số rất nhiều người đã trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa “nâng cấp sim điện thoại”. Thủ đoạn các đối tượng phạm tội thường sử dụng là mạo danh là nhân viên của các nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone, Vietnamobile... gọi điện đến số thuê bao của bị hại nhằm hướng dẫn người bị hại cách để nâng cấp sim 3G lên 4G hoặc 4G lên 5G. Các đối tượng cũng đã tìm hiểu rõ thông tin cá nhân của người bị hại bao gồm: họ tên, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của bị hại nhằm tạo lòng tin với người bị hại. Sau đó, các đối tượng sẽ yêu cầu người bị hại cung cấp dãy số (mã OTP) có trong tin nhắn do nhà mạng gửi đến để chúng “hoàn tất thủ tục nâng cấp sim”.
Ngay khi có được mã OTP, đối tượng phạm tội sẽ chuyển SIM thành ESIM, chiếm đoạt và toàn quyền sử dụng số điện thoại của người bị hại. Lúc này, các đối tượng sẽ gọi lên tổng đài của ngân hàng nơi bị hại mở tài khoản để cấp lại tài khoản đăng nhập internet banking qua tin nhắn điện thoại. Sau đó, đối tượng sẽ đăng nhập vào tài khoản ngân hàng điện tử của người bị hại, thực hiện đổi mật khẩu tài khoản ngân hàng điện tử, chuyển hết tiền trong tài khoản đó sang nhiều tài khoản của chúng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Theo đánh giá của cơ quan công an, lừa đảo “nâng cấp sim điện thoại” không phải là thủ đoạn mới nhưng vẫn có nhiều người bị mắc lừa. Nguyên nhân là do nhiều người chưa ý thức được các nguy cơ tiềm ẩn khi công khai các thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Đây là sơ hở để đối tượng phạm tội có thể lấy được lòng tin của người bị hại ngay từ cuộc gọi đầu tiên.
Người dân nên đề cao cảnh giác để không trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo “nâng cấp sim điện thoại”. Ảnh minh họa |
Để tránh chiêu trò lừa đảo “nâng cấp sim điện thoại”, ngoài việc hạn chế đưa các thông tin cá nhân lên mạng xã hội, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác đối với các cuộc gọi từ số máy lạ, cuộc gọi dưới danh nghĩa nhân viên các nhà mạng viễn thông. Trung tá Nguyễn Đức Hải, Đội trưởng Đội 4, Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi mời chào nâng cấp sim điện thoại, người dân cần gọi đến tổng đài, đường dây nóng của nhà mạng xác minh lại thông tin; phải hỏi rõ thủ tục, các bước thực hiện như thế nào. Người dân cũng cần tra cứu, tìm hiểu thông tin để nắm chắc mục đích, ý nghĩa của các cú pháp tin nhắn trước khi thực hiện. Tuyệt đối không thực hiện tin nhắn theo các cú pháp như: **21 (SĐT) # gửi 901; DS (số seri sim điện thoại) gửi 901…
Trường hợp có nhu cầu thay đổi sim điện thoại mới hoặc muốn nâng cấp sim điện thoại lên 4G, 5G, người dân nên đến thực hiện trực tiếp tại các địa điểm giao dịch, các chi nhánh của các nhà mạng viễn thông, thay vì thông qua các cuộc gọi yêu cầu từ người lạ. Nếu có chương trình hỗ trợ đổi sim, nâng cấp sim tại nhà thì nhân viên các nhà mạng sẽ đến tận nơi kèm theo những giấy tờ minh chứng rõ ràng trước khi hỗ trợ khách hành nâng cấp, đổi sim. Bên cạnh đó, hệ thống các ngân hàng hiện nay đã dần nâng cấp công tác bảo mật của ngân hàng, cụ thể thông qua sinh trắc hay smart OTP. Để tránh việc bị chiếm đoạt tài sản, người dân cần tìm hiểu thông tin một cách cẩn thận và nâng cấp khả năng bảo mật cho tài khoản ngân hàng của mình.
Trong trường hợp phát hiện các dấu hiệu lừa đảo, người dân cần bình tĩnh, nhanh chóng thông báo kịp thời cho cơ quan Công an gần nhất; đường dây nóng của lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; lực lượng cảnh sát hình sự của công an các đơn vị địa phương để có những hướng dẫn phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
(Theo dangcongsan.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin