Quyết định số 178 ngày 12/11/2001 và các Nghị định số 01/1995, số 135/2005 và số 168/2016 của Chính phủ quy định về việc giao nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo, bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ tham gia bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời, thụ hưởng các chính sách theo quy định như khai thác lâm sản phụ, kinh phí chi trả dịch vụ môi trường góp phần phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Thế nhưng, tại huyện Bảo Lâm, công tác giao khoán QLBVR đang dần hé lộ nhiều góc khuất trái quy định của pháp luật. Từ đó đã gây nên những hệ lụy như để mất rừng, mất đất lâm nghiệp và kéo theo các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương! Những góc khuất trong giao khoán rừng, đất lâm nghiệp đang được Công an huyện Bảo Lâm vào cuộc điều tra, làm rõ.
Tiểu khu 491 (Thôn 5, xã Lộc Nam) nơi xảy ra nhiều sai phạm trong giao khoán QLBVR theo Quyết định 178 của Chính phủ |
Theo quy định, công tác giao khoán QLBVR được thẩm định nghiêm ngặt từ việc chọn đối tượng giao khoán đến thiết lập phương án lấy việc quản lý, phát triển rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc làm thước đo. Qua đó, tạo điều kiện để các đối tượng nhận khoán tiếp cận các chính sách của Nhà nước, giữ rừng và tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Thế nhưng, việc giao khoán QLBVR do đơn vị chủ rừng là Ban Quản lý rừng Bảo Lâm (nay là Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đam B’ri) lại thực hiện trái ngược hoàn toàn.
• LẬP KHỐNG HỒ SƠ ĐỂ GIAO KHOÁN RỪNG, ĐẤT LÂM NGHIỆP
Năm 2006, áp dụng các quy định tại Quyết định 178 thi hành các Nghị định 01 và 135 của Chính phủ, Ban Quản lý rừng Bảo Lâm đã lập hồ sơ xây dựng phương án giao khoán 130 ha rừng, đất lâm nghiệp tại Tiểu khu 491 (Thôn 5, xã Lộc Nam) cho 7 hộ dân quản lý, bảo vệ, trồng rừng sản xuất và sản xuất nông - lâm kết hợp. Trong đó, diện tích đất có rừng là 20,6 ha (gồm rừng lồ ô và rừng hỗn hợp lá rộng) và diện tích đất trống, đồi trọc không có rừng là gần 110 ha.
Căn cứ quy định của pháp luật, thì đối tượng được nhận khoán QLBVR theo Quyết định 178 của Chính phủ xếp theo thứ tự ưu tiên là hộ, cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, hộ nghèo, gia đình chính sách sinh sống tại địa phương có nhu cầu nhận khoán. Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước vừa góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, tăng độ che phủ rừng; đồng thời, tạo điều kiện để người nhận khoán hưởng lợi các chính sách ưu đãi từ rừng có thêm nguồn thu nhập thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế khi tham gia nhận khoán.
Thế nhưng, trong quá trình triển khai giao khoán rừng, đất lâm nghiệp tại Tiểu khu 491, Ban Quản lý rừng huyện Bảo Lâm đã kết hợp với UBND xã Lộc Nam lập khống hồ sơ thủ tục giao khoán sai đối tượng. Cụ thể, trong hồ sơ bàn giao thể hiện có 7 hộ dân được giao nhận khoán rừng, đất lâm nghiệp tại Tiểu khu 491, gồm các hộ: K’Châu, Ka Phấn, Lê Đọt và Đỗ Viết Tĩnh cùng ngụ tại xã Lộc Nam (huyện Bảo Lâm); 3 hộ khác ngoài địa phương gồm: Đỗ Quang Thông (ngụ xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm), Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Thị Hồng (cùng ngụ tại phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc). Trong các hộ dân nói trên, chỉ có hộ ông Đỗ Quang Thông nhận 25,3 ha (3,9 ha rừng hỗn hợp lá rộng, 13 ha rừng lồ ô và 7,9 ha đất lâm nghiệp trống) trực tiếp tham gia QLBV và trồng rừng.
Ông Đỗ Quang Thông, một trong các hộ có tên trong danh sách nhận khoán cho biết: “Trong 7 hộ có tên trong danh sách nhận khoán, tuy không sinh sống tại xã Lộc Nam nhưng chỉ có gia đình tôi thực hiện QLBV và trồng rừng thật sự. Những hộ dân còn lại đều được Ban Quản lý rừng Bảo Lâm và UBND xã Lộc Nam “nhờ” ký, lăn tay hoặc tự giả mạo chữ ký để lập khống hồ sơ giao khoán rừng, đất lâm nghiệp sai quy định cho doanh nghiệp. Diện tích rừng, đất lâm nghiệp của các hộ này được Công ty Phương Minh có trụ sở tại phường Lộc Sơn (TP Bảo Lộc) hợp tác với bà San Kim Chi (sinh năm 1982, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) đầu tư trồng rừng thu lợi trái quy định. Trong suốt thời gian nhận đất, nhận rừng giao khoán, bà Chi cũng chỉ trồng rừng đúng 1 lần và khai thác lâm sản vào năm 2016 rồi dừng để đất trống, đồi trọc đến nay”.
• QUYỀN LỢI VỀ TAY AI?
Với việc áp dụng Quyết định 178 của Chính phủ, theo quy định, các hộ nhận khoán tại Tiểu khu 491 xã Lộc Nam nói riêng và trên toàn địa bàn huyện Bảo Lâm nói chung được Nhà nước cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ QLBVR và khoanh nuôi tái sinh rừng theo quy định hiện hành; được thu hái lâm sản phụ trong quá trình bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng theo quy định. Được sử dụng cây nông nghiệp lâu năm sản xuất nông - lâm kết hợp hoặc trồng xen với cây rừng bản địa lâu năm theo thiết kế trồng rừng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Cùng với đó, các hộ nhận khoán được nhận tiền công (kinh phí) giao khoán để trồng, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng theo hợp đồng giao nhận khoán QLBVR.
Cùng với các quyền lợi được hưởng, các hộ nhận khoán có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng như trồng rừng, QLBV, khoanh nuôi các diện tích rừng hiện hữu trên diện tích nhận khoán; đồng thời, có trách nhiệm QLBV, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm dẫn đến mất rừng, mất đất giao khoán.
Trên thực tế, trong 7 hộ nhận khoán rừng, đất lâm nghiệp tại Tiểu khu 491 (xã Lộc Nam), ngoài ông Đỗ Quang Thông thì 6 hộ còn lại chỉ có tên trong danh sách giao khoán nhưng không hề được nhận rừng, đất lâm nghiệp. Điều đó đồng nghĩa với việc, trong suốt thời gian 15 năm (từ 2006 - 2021), các hộ dân này không thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến việc nhận khoán như trồng rừng, khoanh nuôi và QLBVR. Cùng với đó, các hộ dân này cũng không được thừa hưởng bất cứ quyền lợi nào từ chính sách giao khoán rừng, đất lâm nghiệp của Nhà nước theo Quyết định 178 của Chính phủ.
Ông K’Châu, một trong những hộ dân có tên trong danh sách nhận khoán tại Tiểu khu 491 cho biết: “Năm 2006, tôi được UBND xã Lộc Nam, trực tiếp là ông K’Hem - lúc đó là Phó Chủ tịch UBND xã gọi lên ký hợp đồng nhận giao khoán rừng, đất lâm nghiệp. Quá bất ngờ, nên tôi hỏi nhận rừng, đất lâm nghiệp ở đâu thì ông Hem nói đây chỉ là thủ tục, còn đất này giao lại cho Công ty Phương Minh. Vì thế, gia đình tôi không hề nhận đất, nhận rừng gì cả và cũng không có hợp đồng giao khoán. Vì không nhận rừng, đất lâm nghiệp nên mọi quyền lợi liên quan gia đình tôi đều không được hưởng”.
Còn ông Đỗ Quang Thông phản ánh: “Gia đình tôi làm hồ sơ thủ tục nhận đất, nhưng chỉ đảm nhận việc QLBV diện tích rừng tự nhiên. Riêng phần diện tích đất trống, thì được Công ty Phương Minh mượn lại giao cho bà Chi trồng cây keo lá tràm. Trong suốt thời gian QLBVR và khoanh nuôi rừng tái sinh, gia đình tôi cũng không được nhận bất cứ đồng nào từ kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng của Nhà nước cấp”.
Như vậy, rõ ràng, việc giao khoán QLBVR tại Tiểu khu 491 chỉ thể hiện trên giấy thông qua các hồ sơ, thủ tục mà Ban Quản lý rừng Bảo Lâm và UBND xã Lộc Nam lập khống. Vậy những quyền lợi mà các hộ dân có trong danh sách nhận khoán tại Tiểu khu 491 thuộc về tay ai? Vấn đề này đang được cơ quan điều tra Công an huyện Bảo Lâm vào cuộc xác minh làm rõ theo quy định của pháp luật.
(Còn nữa)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin