Những góc khuất trong giao khoán quản lý, bảo vệ rừng tại Bảo Lâm (bài cuối)

NGUYỄN QUÂN 05:24, 24/04/2023

Toàn huyện Bảo Lâm có 4 mô hình rừng cộng đồng tại xã Lộc Phú, Lộc Bảo và Lộc Nam, với tổng diện tích giao khoán hơn 859 ha được giao cho 99 hộ dân tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ (QLBV). Song, tại cả 4 mô hình rừng cộng đồng nói trên đều để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng, kéo theo nhiều hệ lụy cần được cơ quan chức năng điều tra làm rõ để xử lý theo quy định, đảm bảo công tác phát triển rừng bền vững, góp phần tăng độ che phủ rừng trên địa bàn. 

Cơ quan chức năng khám nghiệm, điều tra một vụ phá rừng xảy ra tại rừng cộng đồng Thôn 4 (xã Lộc Phú)
Cơ quan chức năng khám nghiệm, điều tra một vụ phá rừng xảy ra tại rừng cộng đồng Thôn 4 (xã Lộc Phú)

ĐỂ XẢY RA NHIỀU SAI PHẠM

Theo kết quả kiểm tra cho thấy, tại 4 cộng đồng dân cư Lộc Nam, Lộc Bảo và Lộc Phú được giao rừng, đất lâm nghiệp cho các nhóm hộ QLBV đều xảy ra nhiều sai phạm.

Cụ thể, tại xã Lộc Nam, theo danh sách cộng đồng nhóm hộ nhận giao khoán rừng, đất lâm nghiệp được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lâm Đồng phê duyệt vào tháng 12/2009 có 15 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) do ông K’Đản (Thôn 1, xã Lộc Nam) làm nhóm trưởng. Đến ngày 2/2/2015, UBND huyện Bảo Lâm ban hành Quyết định 308 về việc giao khoán rừng, đất lâm nghiệp cho cộng đồng nhóm hộ đồng bào DTTS các Thôn 1, 2 và 4 (xã Lộc Nam). Nhóm hộ này do ông Nguyễn Duy Minh (ngụ tại phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc) làm đại diện. Diện tích giao khoán là 209,74 ha tại Tiểu khu 490 (Thôn 5, xã Lộc Nam). Trong đó, diện tích có rừng là 93,32 ha và diện tích không có rừng là 116,42 ha. Thời hạn giao rừng, giao đất lâm nghiệp 50 năm kể từ ngày 1/7/2010 để QLBVR, hưởng lợi, trồng rừng và sản xuất nông - lâm kết hợp. Tuy nhiên, theo Quyết định này thì ông Minh chỉ làm đại diện cho 5 hộ dân nhận giao khoán rừng, đất lâm nghiệp. Sau khi nhận giao khoán, ông Minh đã bỏ vốn đầu tư trồng keo lá tràm và đã khai thác vào năm 2016, với diện tích 75,62 ha. Hiện tại, trên diện tích này đã trồng lại cây bời lời và thông ba lá. Trong quá trình nhận khoán QLBVR, từ năm 2015 đến năm 2019 các hộ dân được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định.

Theo kết quả kiểm tra của Sở NN-PTNT Lâm Đồng thì tại rừng cộng đồng giao cho các nhóm hộ xã Lộc Nam, ngoài việc giao sai đối tượng cho ông Minh làm đại diện thì còn để xảy ra mất rừng, mất đất lâm nghiệp. Tuy nhiên những tồn tại, sai phạm này chưa được cơ quan chức năng lập hồ sơ xử lý theo quy định.

Tại xã Lộc Bảo có 2 cộng đồng dân cư (Thôn 2 và Thôn 3) được giao khoán rừng, đất lâm nghiệp để thực hiện QLBVR, trồng rừng và sản xuất nông - lâm kết hợp. Trong đó, cộng đồng Thôn 2 có 17 hộ đồng bào DTTS được giao 135,19 ha thuộc Tiểu khu 375, gồm: 130,31 ha đất có rừng và 4,88 ha đất không có rừng. Kết quả kiểm tra cho thấy, tại đây bị mất 20,41 ha rừng. Hiện nay, toàn bộ diện tích rừng bị mất đang được người dân sử dụng trồng cà phê và một phần diện tích làm nhà ở. Tương tự, tại rừng cộng đồng Thôn 3 thuộc Tiểu khu 375 (xã Lộc Bảo), với diện tích 514,91 ha đất lâm nghiệp có rừng được giao cho 76 hộ QLBV. Qua kiểm tra thì diện tích rừng bị mất là 43,94 ha. Hiện trạng, toàn bộ diện tích này đang được người dân sản xuất nông nghiệp.

Từ những tồn tại, sai phạm nêu trên, tại Báo cáo số 402 ngày 29/10/2019, Sở NN-PTNT đã kiến nghị UBND tỉnh thu hồi các mô hình rừng cộng đồng tại 2 xã Lộc Nam và Lộc Bảo do các cộng đồng này không phù hợp để QLBVR. Sau khi thu hồi, diện tích các mô hình rừng cộng đồng nói trên đã được UBND huyện Bảo Lâm bàn giao lại cho Công ty Lâm nghiệp Lộc Bắc và Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đam B’ri quản lý và thiết lập phương án giao khoán theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các hộ nhận khoán.

KÉO THEO NHIỀU HỆ LỤY

Phải khẳng định rằng, theo kết quả kiểm tra, thanh tra của cơ quan chức năng thì trong tất cả các mô hình rừng cộng đồng trên địa bàn huyện Bảo Lâm, rừng cộng đồng được giao cho nhóm hộ Thôn 4 (xã Lộc Phú) để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng nhất. Từ các sai phạm đã kéo theo nhiều hệ lụy như tranh chấp đất đai, gây rối đánh nhau, khiếu kiện, khiếu nại kéo dài gây mất an ninh, trật tự tại địa phương.

Năm 2013, UBND huyện Bảo Lâm ban hành Quyết định số 4124 về việc giao rừng, đất lâm nghiệp với tổng diện tích 231,22 ha thuộc các tiểu khu 438A và 439 cho 9 hộ dân thuộc cộng đồng Thôn 4 (xã Lộc Phú) do ông Nguyễn Đức Dạo làm tổ trưởng thực hiện các phương án quản lý, bảo vệ, trồng, chăm sóc rừng và sản xuất nông - lâm kết hợp. Trong đó, có 204,56 ha đất còn rừng và 26,66 ha đất không còn rừng. Theo phương án được UBND huyện Bảo Lâm phê duyệt, diện tích có rừng được giao QLBV là 192,78 ha; diện tích được giao trồng, chăm sóc rừng là 32,59 ha và diện tích sản xuất nông lâm kết hợp là 5,85 ha.

Tại Kết luận thanh tra số 1570 ngày 12/8/2019 của UBND huyện Bảo Lâm cho thấy, sau 6 năm giao khoán rừng, đất lâm nghiệp tại rừng cộng đồng Thôn 4, xã Lộc Phú đã xảy ra nhiều sai phạm. Tại thời điểm thanh tra chỉ còn lại 2/9 hộ gồm ông Nguyễn Đức Dạo và ông Phạm Quang Thọ còn thực hiện việc sản xuất, QLBV trên diện tích rừng, đất lâm nghiệp được giao.

Kết luận thanh tra chỉ rõ: Cộng đồng Thôn 4, xã Lộc Phú không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ giao khoán rừng, đất lâm nghiệp của Nhà nước theo quy định. Cụ thể, không lập kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng; không xây dựng quy ước bảo vệ, phát triển rừng; không báo cáo định kỳ diễn biến tài nguyên rừng; sử dụng đất rừng không đúng mục đích, để rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép và có dấu hiệu chuyển nhượng trái phép… Từ đó, cộng đồng Thôn 4 đã để mất 24,62 ha rừng được giao khoán QLBV; 78,39 ha trồng rừng và trồng các loại cây nông nghiệp không đúng phương án phê duyệt; để người dân lấn chiếm 42,55 ha rừng, đất lâm nghiệp trồng cà phê xen các loại cây lâm nghiệp.

Từ những vi phạm xảy ra, ngày 16/8/2019, UBND huyện Bảo Lâm đã ban hành Quyết định số 2231 về việc thu hồi toàn bộ diện tích đất, rừng do cộng đồng Thôn 4 (xã Lộc Phú) QLBV tại 2 tiểu khu 438A và 439. Sau khi thu hồi, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định bàn giao toàn bộ diện tích rừng, đất lâm nghiệp 231,94 ha tại các tiểu khu nói trên cho Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đam B’ri quản lý theo quy định.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, tại các tiểu khu 438A và 439 liên tục xảy ra các vụ phá rừng trái phép; lấn chiếm, chiếm dụng đất rừng trái phép và xây dựng nhà ở, công trình phụ trái pháp luật trên diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp. Đặc biệt, tại đây đã xảy ra nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến việc lấn chiếm, chuyển nhượng đất rừng, đất lâm nghiệp kéo dài. Thậm chí, tại đây còn xảy ra vụ việc hành hung người tố cáo phá rừng trái pháp luật. Hiện tại, vụ việc này đã được Công an huyện Bảo Lâm khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam các đối tượng liên quan để điều tra, xử lý theo quy định. 

Huyện Bảo Lâm là một trong những địa phương có diện tích rừng vào loại lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, với hơn 82.018 ha rừng và đất lâm nghiệp nằm rải khắp các xã, thị trấn trên địa bàn. Trong đó, rừng đặc dụng 5.432,90 ha, rừng phòng hộ 9.902,50 ha và rừng sản xuất hơn 66.683 ha. Để thực hiện có hiệu quả công tác QLBVR, cùng với việc triển khai đồng bộ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng tham gia bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng; cần xử lý dứt điểm các tồn tại, sai phạm đặc biệt liên quan đến các dự án giao rừng, giao đất lâm nghiệp trên địa bàn.