(LĐ online) - Với số tiền các doanh nghiệp đang nợ tiền bồi thường giá trị thiệt hại tài nguyên rừng trên 260 tỉ đồng nhưng hiện nay việc chấp hành của các doanh nghiệp còn rất hạn chế. Số tiền một số doanh nghiệp nộp mới đạt gần 3,4 tỉ đồng (trên 1,3%), tổng còn nợ gần 257 tỉ đồng.
Còn 81 doanh nghiệp nợ tiền bồi thường giá trị thiệt hại tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh |
Do đó, Sở Tài chính Lâm Đồng vừa có văn bản gửi Cục thuế tỉnh phối hợp, đôn đốc thu nộp tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng và tiền gia hạn dự án. Theo Sở Tài chính tỉnh, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về việc đôn đốc và thực hiện các biện pháp thu hồi dứt điểm các khoản tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng, gia hạn dự án theo kiến nghị của thanh tra, kiểm toán. Thời gian qua, Sở Tài chính vẫn đang theo dõi và đôn đốc các tổ chức còn nợ tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng, tiền gia hạn dự án theo kết luận thanh tra, kiểm toán.
Tuy nhiên việc chấp hành của các tổ chức này rất hạn chế. Để đảm bảo thực hiện các nội dung theo kiến nghị thanh tra, kiểm toán và thu hồi các khoản nợ cho ngân sách nhà nước, Sở Tài chính tổng hợp danh sách các tổ chức chưa thực hiện nộp đầy đủ tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng và tiền gia hạn dự án theo kiến nghị của thanh tra, kiểm toán; gửi Cục thuế tỉnh phối hợp đôn đốc và có biện pháp chế tài, cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các quy định khác có liên quan để thu hồi dứt điểm các khoản nợ cho ngân sách nhà nước.
Theo danh sách thống kê, trên địa bàn hiện có 81 doanh nghiệp nợ tiền bồi thường giá trị thiệt hại tài nguyên rừng với tổng số tiền gần 257 tỉ đồng. Trong đó có 4 huyện có tỷ lệ các doanh nghiệp nợ tiền chưa nộp về thiệt hại về lâm sản và môi trường cao là huyện Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Lạc Dương và Đức Trọng.
Cụ thể, huyện Bảo Lâm có 28 doanh nghiệp với trên 49 tỉ đồng tiền chưa nộp về thiệt hại về lâm sản và môi trường; huyện Đạ Tẻh có 8 doanh nghiệp với tổng số tiền với trên 76 tỉ đồng tiền chưa nộp về thiệt hại về lâm sản và môi trường; huyện Đức Trọng có 14 doanh nghiệp với trên 55 tỉ đồng chưa nộp về thiệt hại về lâm sản và môi trường; huyện Lạc Dương có 9 doanh nghiệp với gần 41 tỉ đồng chưa nộp về thiệt hại về lâm sản và môi trường.
Trong khi đó, trên địa bàn cả tỉnh có 13 doanh nghiệp với tổng số tiền trên 3,7 tỉ đồng chưa nộp tiền gia hạn dự án theo Kết luận thanh tra Chính phủ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin