Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều. Tại Mục 2, Chương XV của Luật quy định rõ một số nội dung liên quan thanh tra, kiểm tra và giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai.
Lực lượng chức năng huyện Ba Vì (Hà Nội) cưỡng chế thu hồi đất tại khu Châu Hùm, xã Đồng Thái |
Điểm mới của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngoài nội dung kế thừa Luật Đất đai năm 2013, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW, khắc phục khâu yếu trong công tác thanh tra, kiểm tra, khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đất đai, giải quyết hiệu quả những bất cập, hạn chế hiện nay, dự thảo Luật có sửa đổi, bổ sung các nội dung: Bổ sung quy định về kiểm tra chuyên ngành đất đai (Điều 223); Bổ sung quy định hòa giải tranh chấp đất đai đối với địa bàn cấp huyện không thành lập đơn vị hành chính cấp xã; bổ sung thêm hình thức đối thoại tại Tòa án nhân dân (Điều 224).
Quy định tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đất đai do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc do Trọng tài thương mại giải quyết theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại (Điều 225).
Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan sử dụng đất có quyền khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính (Điều 226).
Điểm cần bàn và góp ý hoàn thiện các quy định trong chương XV dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về thanh tra, kiểm tra, khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đất đai nhằm bảo đảm tính đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan như Luật Thanh tra, quy định pháp luật về tổ chức và thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước (Chính phủ, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân), bảo đảm tính khả thi.
Để bảo đảm tính thống nhất trong việc quy định về giải thích từ ngữ tại Điều 3 cần đưa khoản 1, khoản 2 của Điều 223 dự thảo về Điều 3 vì đây là nội dung về giải thích từ ngữ về “thanh tra chuyên ngành đất đai” và “kiểm tra đất đai”.
Điểm mới của quy định tại Điều 223 dự thảo Luật là bổ sung và tách rõ “Thanh tra chuyên ngành về đất đai” và “Kiểm tra chuyên ngành về đất đai”. Kiểm tra chuyên ngành về đất đai là hoạt động nhằm đôn đốc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai; nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai.
Quy định này một mặt khắc phục những bất cập trong quản lý nhà nước về đất đai, mặt khác bảo đảm sự phân công rành mạch hơn trong thực thi quyền hành pháp của các cơ quan hành chính nhà nước nói chung và đặc biệt trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai. Bảo đảm nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước trong quản lý nhà nước về đất đai.
Tôi đồng tình với nội dung Điều 224, về hòa giải tranh chấp đất đai (dự thảo). Điểm mới của quy định này mang tính nguyên tắc: “Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở hoặc hòa giải tại Tòa án” là phù hợp thực tiễn quản lý nhà nước về đất đai và giải quyết tranh chấp về đất đai. Tuy nhiên, quy định về thủ tục mới này cần cân nhắc bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện, cần đồng bộ với các quy định và tính khả thi của việc Tòa án thực hiện hòa giải.
Tương tự điểm mới của Điều 224, Điều 225 dự thảo Luật quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp về đất đai và tài sản gắn liền với đất đai do Tòa án nhân dân thực hiện. Xu hướng chuyển thủ tục hành chính sang thủ tục tư pháp do Tòa án thực hiện là phù hợp yêu cầu cải cách hành chính và cải cách tư pháp trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, đây là sự thay đổi lớn về cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai. Cần đánh giá kỹ lưỡng báo cáo đánh giá tác động khả năng đáp ứng yêu cầu giải quyết tranh chấp về đất đai của Tòa án nhân dân và thực tiễn quản lý đất đai của nước ta, tác động quyền của người dân trong lựa chọn cách thức bảo vệ lợi ích của mình, để trên cơ sở đề xuất sửa đổi các quy định liên quan, bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân thực hiện quyền khiếu nại, khiếu kiện khi xảy ra tranh chấp đất đai.
Về quy định giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về đất đai theo Điều 226. Giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về đất đai (dự thảo). Theo chúng tôi, mặc dù đây là điểm mới của dự thảo Luật theo hướng quy định cụ thể hơn về khiếu nại và giải quyết khiếu nại, khiếu kiện liên quan đất đai, tuy nhiên các Luật thủ tục đã quy định chi tiết và cần bảo đảm tương thích với Luật Khiếu nại, Luật Tố tụng hành chính.
Chính vì vậy, cần kế thừa quy định như Điều 204 Luật Đất đai năm 2013 chỉ quy định chung và mang tính nguyên tắc: người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan sử dụng đất có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai; trình tự, thủ tục khiếu nại.
(Theo nhandan.com.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin